Ông Blơng, già làng Bông, xã Hà Bầu, huyện Đak Đoa, cho biết dù trải qua ngàn đời phát triển, hội nhập nhưng văn hóa người Jrai vẫn in đậm dấu ấn của tín ngưỡng đa thần. Người Jrai cho rằng các vị thần linh đều có tình cảm như con người, cũng vui buồn, giận hờn, biết ghét, biết yêu thương… Cúng thần nhiều lễ vật với tấm lòng thành thì sẽ nhận lại sự giúp đỡ, che chở, ủng hộ, bênh vực tương ứng của các vị thần.
Lễ cúng Giọt nước của người Jrai hay còn gọi là Soi Yang Ia thường được tổ chức vào tháng 4 hằng năm với mục đích cầu mong thần nước phù hộ cho dân làng mạnh khỏe, mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, vạn vật trong buôn làng đều tươi tốt, không có bệnh dịch xảy ra.
Trước khi tổ chức lễ cúng Giọt nước, già làng Blơng tổ chức họp dân huy động đóng góp, giao nhiệm vụ cho từng gia đình để chuẩn bị cho buổi lễ. Phụ nữ đảm nhận việc làm sạch sẽ đường làng, ngõ xóm, dọn dẹp khu vực đường xuống Giọt nước. Thanh niên vào rừng đi chặt tre, nứa đan thành các vòm hoa văn, dựng một cây nêu tại khu vực làm lễ cúng. Người già chuẩn bị trang phục truyền thống, các bài văn tế trong lễ tế thần nước. Ngoài ra, các đội cồng chiêng, múa xoang của làng cũng tranh thủ tập luyện để biểu diễn trong ngày cúng Giọt nước.
Thời điểm làm lễ cúng Giọt nước vào buổi sáng sớm. Cây nêu được thanh niên trong làng mang đến Giọt nước cắm sẵn. Lễ vật gồm một con gà nướng, gan gà sống, tiết gà sống, ghè rượu, lá chuối, bó lá Ngăl có trái.
Khi lễ cúng Giọt nước bắt đầu, già làng Blơng cùng 2 người già uy tín của làng trải lá chuối, bôi gan gà lên tai ghè rượu và lá cây Ngăl có trái. Cả 3 người đều đồng thanh đọc lời cúng gọi Yang xuống phù hộ cho dân làng mạnh khỏe, mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, vạn vật trong làng đều tươi tốt, không có bệnh dịch xảy ra. Nước chảy quanh năm, qua sông qua suối không chết trôi, chết đuối, đi đường không bị tai nạn, cầu mong khách thượng lộ bình an.
Anh Siu Pớt, Trưởng thôn Bông, xã Hà Bầu, huyện Đak Đoa, cho hay, hằng năm, dân làng Bông vẫn tổ chức một số lễ hội của dân tộc Jrai nhưng lễ cúng Giọt nước được coi là nghi lễ quan trọng nhất vì họ quan niệm Giọt nước là mạch nguồn của sự sống, có nước là có sinh trưởng và phát triển.
Kết thúc lời khấn, lần lượt từ già làng, tất cả người dân đều xuống Giọt nước hứng nước vào các bầu, chai. Sau đó, bà con lấy nước rửa mặt, rửa tay chân, tạt vào người nhau để hứng lấy may mắn Yang ban cho. Tiếng cồng chiêng nổi lên, dân làng nắm tay nhau đoàn kết nhảy điệu xoang, uống rượu ghè, chúc nhau những lời chúc may mắn.
Lễ cúng Giọt nước của người Jrai tại Gia Lai được xem là một trong những nét văn hóa còn được lưu giữ từ ngàn đời trước đến nay. Hằng năm, ngành Văn hóa tỉnh Gia Lai cũng thường xuyên phục dựng các nghi lễ văn hóa tương tự nhằm bảo tồn và phát huy giá trị bản sắc văn hóa truyền thống của các dân tộc trên địa bàn.