Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Kinh tế

Đồng bào Mường ở Ba Trại thoát nghèo nhờ được hỗ trợ từ chính sách dân tộc

Chí Tín – Vũ Mừng - 06:00, 11/11/2023

Dù có lợi thế về thổ nhưỡng, khí hậu... cho phát triển cây chè, nhưng hàng thập kỷ, người nông dân ở vùng núi Ba Trại (Ba Vì, Hà Nội) vẫn loay hoay với cái nghèo, cái khó. Cho đến năm 2010, nhờ có sự hỗ trợ về vốn tạo sinh kế từ Chương trình 135 và giống mới từ Trung tâm Phát triển giống cây trồng Hà Nội, nhiều hộ gia đình đã đưa giống chè LDP1 có năng suất, chất lượng cao vào canh tác. Đến nay, cây chè tại xã Ba Trại đã giữ vai trò quan trọng giúp người dân, trong đó có nhiều hộ dân tộc Mường xóa nghèo, vươn lên làm giàu.

Sản phẩm chè Ba Trại có hương thơm tự nhiên, vị đậm đà, nước chè khi pha có màu xanh - sánh vàng mật ong.
Sản phẩm chè Ba Trại có hương thơm tự nhiên, vị đậm đà, nước chè khi pha có màu xanh - sánh vàng mật ong.

Từ cây “xóa đói, giảm nghèo” thành cây làm giàu

Là một trong 7 xã miền núi nằm ở phía Tây huyện Ba Vì, xã Ba Trại có diện tích tự nhiên lên đến 2.017 ha, quy mô dân số đạt trên 15.000 người với 3.722 hộ, trong đó đồng bào dân tộc Mường chiếm 48%.

Dù trước đây, Ba Trại gặp rất nhiều khó khăn, nhưng đến nay đời sống đã được cải thiện rõ rệt, bởi những chính sách hỗ trợ hợp lý, cùng với sự vươn lên của người dân. Không những giảm nghèo bền vững, nhiều hộ gia đình còn mạnh dạn thay đổi cơ cấu cây trồng để làm giàu trên “vùng đất khó”...

Ông Đinh Công Phu, Chủ tịch Hội Nông dân xã Ba Trại chia sẻ: “Từ năm 2012 đến năm 2021, được sự hỗ trợ của Thành phố Hà Nội về cây, con giống trong đó xã Ba Trại được hỗ trợ cây chè, nhiều hộ gia đình đã chuyển đổi giống chè cũ sang trồng giống chè LDP1 năng xuất, chất lượng cao, để xóa đói, giảm nghèo”.

Trong màu xanh ngút mắt của những nương chè đang kỳ nảy chồi, chuẩn bị tới vụ thu hoạch, ông Đinh Công Phu giới thiệu: “Sản phẩm chè Ba Trại có hương thơm tự nhiên, vị đậm đà, nước chè khi pha có màu xanh - sánh vàng mật ong. Nhấp ngụm trà đầu có vị chát nhẹ, sau đó vị ngọt đậm dần cùng hương thơm lan tỏa... Đó là vị hòa quyện, kết tinh của đất và trời vùng núi Ba Vì cùng với bí kíp chọn chè, sao chè của người dân nơi đây”.

Ông Đinh Công Phu (bên trái) và ông Bùi Ngọc Chung giới thiệu về sản phẩm chè Ba Trại được UBND thành phố Hà Nội công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao năm 2021.
Ông Đinh Công Phu (bên trái) và ông Bùi Ngọc Chung giới thiệu về sản phẩm chè Ba Trại được UBND thành phố Hà Nội công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao năm 2021.

Là chứng nhân của câu chuyện hồi sinh cây chè Ba Trại và đang có gần một mẫu chè cho thu hoạch thường xuyên, ông Bùi Ngọc Chung, dân tộc Mường hiện sinh sống tại xóm Đô Trám hồi tưởng: Trước đây, do tập tục canh tác lạc hậu nên năng suất, chất lượng chè không đảm bảo. Thời điểm ấy, giao thương vùng núi cũng còn gặp nhiều khó khăn khiến người nông dân như ông cứ loay hoay với cái nghèo...

"Những năm 2010, nhờ có sự hỗ trợ về vốn từ Chương trình 135 và giống mới từ Trung tâm Phát triển giống cây trồng Hà Nội, tôi và nhiều hộ gia đình đã đưa giống chè LDP1 có năng suất, chất lượng cao vào canh tác. Ít năm sau, đời sống gia đình tôi thay đổi hẳn. Với thu nhập gần 100 triệu đồng/năm, sau 5 năm, từ hộ nghèo gia đình tôi đã tạo dựng được cơ ngơi khang trang và có tích lũy để tiếp tục đầu tư sản xuất”, ông Chung cho biết.

Trao đổi với phóng viên báo Dân tộc và Phát triển, ông Nguyễn Huy Hùng, Phó Bí thư Đảng ủy xã Ba Trại thông tin: Đến nay, tất cả các thôn trong xã Ba Trại được công nhận là làng nghề sản xuất và chế biến chè, với tổng diện tích 471 ha, trong đó có gần 50 ha được trồng theo tiêu chuẩn VietGAP cho năng suất 9 tấn/ha. Cá biệt có nhiều hộ chăm sóc tốt, sản lượng chè đạt từ 10-12 tấn/ha. Tính tổng sản lượng chè xã Ba Trại đạt trên 5.000 tấn/năm, chiếm gần 50% tổng sản lượng chè toàn huyện Ba Vì. 

Hiệu quả kinh tế do cây chè mang lại đạt 170-220 triệu đồng/ha/năm. Cây chè được xác định, là cây trồng chủ lực, góp phần xóa đói, giảm nghèo và phát triển kinh tế cho địa phương. Nhờ vậy, năm 2017, Ba Trại là một trong những xã miền núi đầu tiên của Hà Nội đạt chuẩn nông thôn mới. Năm 2019, xã Ba Trại bắt tay vào xây dựng nhãn hiệu tập thể “Chè búp khô Ba Trại” và chỉ 2 năm sau, sản phẩm chè Ba Trại được UBND thành phố Hà Nội chấm điểm đạt sản phẩm chè OCOP 3 sao”.

Sản xuất gắn với du lịch

Những năm gần đây, Ba Trại đã xây dựng Nghị quyết của Đảng ủy, Hội đồng Nhân dân về định hướng phát triển nông nghiệp kết hợp với du lịch, đặc biệt là du lịch làng nghề chè. Theo đó, chính quyền địa phương đang nỗ lực hướng dẫn nông dân mở rộng diện tích trồng chè theo hướng an toàn, kết hợp với xây dựng cơ sở sơ chế, chế biến... tạo thành chuỗi khép kín, thuận lợi cho du khách tới tham quan, trải nghiệm. Qua đó, giúp người dân trong xã phát triển thêm nhiều nghề dịch vụ, đồng thời thương hiệu "Chè Ba Trại" cũng có điều kiện được quảng bá hiệu quả hơn trước.

Người dân xã Ba Trại đã có những thay đổi về phương thức sản xuất như 100% thu hái chè búp tươi bằng hình thức hái tay.
Người dân xã Ba Trại thu hái chè búp tươi bằng hình thức hái tay.

Ông Đinh Công Phu,Chủ tịch Hội Nông dân xã Ba Trại hồ hởi: Địa phương đã bắt đầu đón những đoàn khách tới tham quan khu vườn trồng chè và trải nghiệm các công đoạn sản xuất chè thủ công. Được tận mắt ngắm những nương chè xanh mát, trải dài, uốn lượn theo triền đồi giữa không gian trong lành, thơ mộng. Đặc biệt, du khách thấy thích thú khi được tự tay hái chè, sao chè và mang về làm quà.

 "Bên cạnh đó, với lợi thế 48% dân số trong xã là đồng bào dân tộc Mường còn gìn giữ được những nét văn hóa riêng trong đời sống sinh hoạt, cũng là động lực để địa phương mạnh dạn nghĩ tới phát triển du lịch cộng đồng", ông Phu chia sẻ thêm.

Thực tế cho thấy, Ba Trại có địa hình bán sơn địa, với những con đường quanh co uốn lượn nên thơ không kém gì những cung đường lên các điểm du lịch nổi tiếng ở các địa phương. Cùng đó, Ba Trại có các sườn đồi thoai thoải đan xen những nếp nhà xen giữa thiên nhiên hoang sơ và khí hậu mát mẻ, trong lành. Hạ tầng kỹ thuật tại vùng đất xứ Mường hiện đã được đảm bảo, đường nhựa và bê tông hóa từ các trục chính đến đường liên thôn, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân đi lại; cũng như giao thương, giao lưu văn hóa, phát triển kinh tế.

Đồng bào dân tộc Mường xã Ba Trại trồng chè an toàn hướng tới phát triển du lịch.
Đồng bào dân tộc Mường xã Ba Trại trồng chè an toàn gắn với phát triển du lịch.

Đến nay, 6/10 thôn trong xã Ba Trại đều có các đội văn nghệ biểu diễn cồng chiêng của dân tộc Mường. Ngoài ra, ẩm thực xứ này cũng rất hấp dẫn, món nào cũng có đủ vị đắng, cay, chua, ngọt… của các loại cây, lá, măng rừng hòa quyện trong đó. Lãnh đạo xã Ba Trại cho biết, du khách rất thích thú và ấn tượng khi được thưởng thức những món ẩm thực của người Mường.

Việc kết hợp nâng cao giá trị sản phẩm của cây chè, gắn với các loại hình du lịch là hướng đi mới của xã Ba Trại, qua đó góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương, nâng cao thu nhập cho người dân.

Thời gian tới, huyện Ba Vì sẽ tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chương trình số 04-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội; Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021 - 2025. Trong đó, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo phát triển kinh tế toàn diện, tạo bứt phá về tốc độ và chất lượng tăng trưởng, thu hẹp dần khoảng cách giữa vùng dân tộc miền núi với đồng bằng.

Tin cùng chuyên mục
Triển lãm thành tựu kinh tế - xã hội Đắk Lắk chào mừng kỷ niệm 120 năm thành lập tỉnh

Triển lãm thành tựu kinh tế - xã hội Đắk Lắk chào mừng kỷ niệm 120 năm thành lập tỉnh

Sáng 22/11, Ban Tổ chức các hoạt động Kỷ niệm 120 năm thành lập tỉnh Đắk Lắk tổ chức khai mạc Triển lãm “Thành tựu kinh tế - xã hội tỉnh Đắk Lắk chào mừng kỷ niệm 120 năm Ngày thành lập tỉnh; 80 năm ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam; 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân”. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk Nguyễn Tuấn Hà tham dự.