Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Phóng sự

Vị tướng của lòng dân

Thanh Hải - 16:03, 25/07/2021

Tôi chưa một lần may mắn được gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp; mọi hiểu biết về ông chỉ là những lời kể, qua sách vở và tài liệu lịch sử. Nhưng tự đáy lòng, tôi đặc biệt kính yêu và ngưỡng mộ ông. Và, tướng Giáp đã hiện lên trong tâm tưởng tôi thật đặc biệt. Còn trong lòng bao người dân, ông là một tượng đài bất tử.

Người dân Mường Phăng chào đón Đại tướng về thăm Sở chỉ huy ở Điện Biên Phủ - ảnh tư liệu
Người dân Mường Phăng chào đón Đại tướng về thăm Sở chỉ huy ở Điện Biên Phủ - ảnh tư liệu

Phàm là người, ở đời có hai khoảnh khắc quan trọng nhất là khi cất tiếng khóc chào đời và khi giã biệt cõi trần. Với tướng Giáp, cả hai khoảnh khắc này đều có thể coi là đặc biệt. 

Ông chào đời vào mùa lũ, nhằm ngày 25/8/1911. Tháng 8 năm ấy, mưa lũ trắng đồng trắng bãi làng An Xá; 103 năm sau ông giã biệt cuộc đời cũng đúng mùa mưa bão. Tôi lại nhớ đến một câu mà không rõ mình đã đọc từ đâu: “… có phải vì gió thổi mưa bay, hay vì xót thương mà trời sa nước mắt”. Ngày tướng Giáp về cõi vĩnh hằng, đất trời sụt sùi đẫm lệ!

Lớp hậu thế như tôi, những hiểu biết về Đại tướng chỉ qua những lời kể, qua sách vở và tài liệu lịch sử nhưng tự đáy lòng, tôi đặc biệt kính yêu và ngưỡng mộ ông. Bao người dân miền Lệ Thủy nói riêng, cả dân tộc Việt Nam nói chung vẫn trìu mến gọi ông là Bác Giáp, là Anh Văn đấy thôi.

Đại tướng quan sát trận địa trước khi nổ súng mở màn cho trận chiến Điện Biên Phủ - ảnh tư liệu
Đại tướng quan sát trận địa trước khi nổ súng mở màn cho trận chiến Điện Biên Phủ - ảnh tư liệu

Chỉ mỗi khoảnh khắc nghe tin Đại tướng mất, cũng đã là minh chứng rõ ràng nhất cho niềm kính yêu dành cho ông đến nhường nào. Quãng đường di quan từ Hà Nội về Quảng Bình hàng trăm cây số trong niềm tiếc thương, tiễn biệt của bao người. 

Phải chăng tài năng và nhân cách lớn của tướng Giáp đã là biểu tượng cao đẹp, chạm đến trái tim yêu chuộng hòa bình của mỗi người, để rồi khi nhận được tin dữ thì dâng lên vỡ òa.

Tôi đã về huyện Lệ Thủy, Quảng Bình những ngày cuối tháng 6. Đi giữa làng An Xá, xã Lộc Thủy mà rưng rưng bao xúc cảm. Ngay từ lối rẽ ở trung tâm huyện Lệ Thủy, đầu đường Võ Nguyên Giáp, là một biển chỉ dẫn màu xanh: Đường về nhà Đại tướng Võ Nguyên Giáp. 

Chỉ mấy chữ “đường về nhà” mà sao gần gũi, thân quen đến lạ. Ta như bắt gặp trong đó, nẻo về của nhà mình, quê mình với tất cả những tình cảm diết da của người con xa xứ.

Ngôi nhà của Đại tướng ở làng An Xá, xã Lộc Thủy, huyện Lệ Thuỷ, tỉnh Quảng Bình
Ngôi nhà của Đại tướng ở làng An Xá, xã Lộc Thủy, huyện Lệ Thuỷ, tỉnh Quảng Bình

Hình ảnh về tướng Giáp mà người dân làng An Xá vẫn còn nhớ mãi trong kí ức là một ông cụ bình dị, với nụ cười bình thản và vui vẻ. Đi đến đâu, bác Giáp cũng được hàng đoàn người vây quanh chào hỏi; và ông cũng đã hỏi thăm thật ân cần, từ các cụ bô lão đến các em thiếu nhi. 

Từ chiến thắng Điện Biên Phủ 1954, đến đại thắng mùa xuân năm 1975 mãi mãi được ghi vào sử sách những mốc son chói lọi gắn với tên tuổi vị tướng Võ Nguyên Giáp. Xuất thân từ thầy giáo dạy lịch sử và chưa hề qua một lớp đào tạo bài bản nào về quân sự nhưng cả hai đế quốc sừng sỏ của thế kỉ 20 cùng nhiều tướng, tá… của Mỹ và Pháp đã phải “ngả mũ” trước tài cầm quân của anh Văn. 

Ông là vị tướng trẻ tuổi nhất, được lãnh tụ Hồ Chí Minh phong hàm theo cách rất đặc biệt - không hề qua các cấp, bậc trung gian nào. Và chính ông, cũng đã khiến bao đối thủ là các tướng lĩnh trong đoàn quân viễn chinh Pháp, đế quốc Mĩ nể phục. 

Chẳng thế mà, tướng De Castries, chỉ huy quân viễn chính Pháp tại Điện Biên Phủ đã phải thành thực thốt lên: Tôi thừa nhận tướng Giáp rất sành sỏi binh nghiệp và khôn ngoan hơn tôi, tài giỏi hơn tôi đã đành mà còn hơn cả tướng Cogny và Nava. Tôi hân hạnh được làm đối thủ của tướng Giáp, được làm kẻ chiến bại trực tiếp của một người tài giỏi như tướng Giáp. Tôi ngưỡng mộ và kính phục ông.

Trong suốt những năm tháng binh nghiệp, ông đều căn dặn đoàn quân của mình là luôn cố gắng giải quyết sự việc trước hết bằng hòa bình. Đó cũng là điều rất nhân văn và đặc biệt trong phong cách của người Đại tướng có một không hai này.

Sau này, khi được hỏi về chiến công vĩ đại, người chỉ huy huyền thoại năm nào đã rất xúc động khi chỉ nói về sự lãnh đạo tài tình của Đảng, Bác Hồ; về sự chiến đấu quên mình của dân và quân ta. Riêng ông, chỉ xem phần đóng góp của mình như một giọt nước giữa bao la biển cả.

Những phẩm chất cách mạng sáng ngời mà lãnh tụ Hồ Chí Minh truyền dạy, đã là sợi chỉ đỏ xuyên suốt trong hành trang cuộc đời, hành trang binh nghiệp của Đại tướng. Nhớ ngày Đại tướng về cõi vĩnh hằng, hàng vạn người đưa tiễn. 

Họ đã trật tự, lặng im, xếp hàng nối đuôi nhau trên cả cung đường dài để chờ vào tiễn biệt lần cuối, trước khi vị anh hùng vĩ đại của dân tộc về nơi an nghỉ cuối cùng tại quê nhà Quảng Bình. Cả dân tộc đã để tang Đại tướng. Phút giây ấy, tướng Giáp đã trở thành tượng đài bất tử trong lòng dân tộc, trong lòng mỗi người dân đất Việt.

Vị tướng tài ba, lỗi lạc đã nằm xuống sau hơn một thế kỷ cống hiến mà những công lao đã trở thành bất tử với lịch sử. Đại tướng hưởng thọ 103 tuổi, âu cũng là điều hiếm thấy trong các bậc vĩ nhân. Ông được xem là vị tướng sống thọ nhất trong lịch sử thế giới. 

Tin cùng chuyên mục
Tương Dương (Nghệ An): Người bảo tồn và "thắp lửa" đam mê âm nhạc truyền thống dân tộc Thái ở xã vùng sâu

Tương Dương (Nghệ An): Người bảo tồn và "thắp lửa" đam mê âm nhạc truyền thống dân tộc Thái ở xã vùng sâu

Ở tuổi 60, nhưng ngay từ thuở 15, 16, ông Kha Văn Hưng đã say mê với nhạc cụ truyền thống dân tộc Thái của mình. Bao năm qua, ông dành biết bao tâm sức học hỏi để sử dụng, chế tác được nhiều loại nhạc cụ truyền thống của đồng bào. Điều ông Hưng trăn trở, mong mỏi nhất là thế hệ trẻ trong bản tiếp nối truyền thống cha ông để giữ gìn bản sắc văn hóa tốt đẹp của dân tộc mình.