Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Công tác Dân tộc

Đồng hành cùng đồng bào DTTS

Hoàng Quý - 22:13, 08/05/2020

Thời gian qua, tình hình kinh tế - xã hội (KT-XH) của tỉnh Vĩnh Phúc nói chung, vùng đồng bào DTTS và miền núi của tỉnh nói riêng có bước phát triển rõ rệt. Đóng góp vào thành công đó, không thể không kể tới vai trò của những người làm công tác dân tộc, đặc biệt là Ban Dân tộc tỉnh Vĩnh Phúc.

Chi bộ Ban Dân tộc tỉnh Vĩnh Phúc họp bàn về nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát của Chi bộ
Chi bộ Ban Dân tộc tỉnh Vĩnh Phúc họp bàn về nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát của Chi bộ

Đến xã Lãng Công của huyện Sông Lô (Vĩnh Phúc), điều dễ dàng nhận thấy là hệ thống cơ sở hạ tầng đã được đầu tư cơ bản, nhiều ngôi nhà khang trang được mọc lên. Ít ai biết rằng, Lãng Công là xã có đông đồng bào DTTS và từng là xã thuần nông, cơ sở hạ tầng thiếu đồng bộ nhưng nay đã trở thành một địa phương phát triển nhất của huyện Sông Lô.

Ông Lê Hồng Công, Phó Chủ tịch UBND xã Lãng Công cho biết: “Xã có hơn 8 nghìn nhân khẩu, trong đó có 11,2% là người DTTS. Tận dụng thế mạnh với 1.200ha đồi rừng, xã Lãng Công đã vận động người dân phát triển kinh tế vườn đồi, nông, lâm kết hợp; chuyển đồi cơ cấu cây trồng, vật nuôi… Nhờ đó, tỷ lệ hộ nghèo của xã giảm xuống còn 2,6%; thu nhập bình quân đầu người tăng từ 15 triệu đồng/năm (năm 2011) lên 33 triệu đồng/năm (năm 2019)”. 

Lãng Công chỉ là một trong nhiều địa phương vùng đồng bào DTTS của tỉnh Vĩnh Phúc có nhiều chuyển biến nhờ thực hiện có hiệu quả các chương trình, chính sách dân tộc. 

Theo ông Hoàng Minh Ái, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Vĩnh Phúc, hiện toàn tỉnh có hơn 30 dân tộc cùng sinh sống, trong đó, đồng bào DTTS chiếm 4,7% dân số toàn tỉnh. Thời gian qua, các chương trình, chính sách dân tộc đã và đang được triển khai thực hiện gần như bao trọn mọi mặt đời sống xã hội của đồng bào các DTTS. Với vai trò cơ quan tham mưu, quản lý Nhà nước về công tác dân tộc, Ban Dân tộc tỉnh luôn đồng hành và nỗ lực thực hiện đúng, đủ các chính sách dành cho đồng bào DTTS để bà con có cuộc sống ngày một tốt hơn, yên tâm phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo.

Theo đó, tình hình thực hiện công tác dân tộc của địa phương được bảo đảm kịp thời, hiệu quả. Giai đoạn 2014 - 2019, tỉnh đã đầu tư 10,8 tỷ đồng thực hiện các dự án thuộc Chương trình 135 gồm: Hỗ trợ phát triển cơ sở hạ tầng; hỗ trợ phát triển sản xuất; đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực cán bộ cơ sở và cộng đồng. Bên cạnh đó, tỉnh quan tâm triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt cho hộ DTTS nghèo và hộ nghèo ở khu vực đặc biệt khó khăn (ĐBKK); thực hiện chính sách đối với Người có uy tín trong đồng bào DTTS...

Nhằm tạo điều kiện để bà con vùng DTTS và miền núi được tiếp cận với các dịch vụ y tế, chăm sóc sức khỏe, trong 5 năm qua, Ban Dân tộc đã tham mưu cho tỉnh cấp miễn phí gần 350 nghìn thẻ bảo hiểm y tế cho đồng bào sinh sống ở vùng khó khăn, người nghèo ở vùng DTTS và miền núi của tỉnh với tổng kinh phí hơn 200 tỷ đồng; tổ chức khám, chữa bệnh và cấp phát thuốc miễn phí cho hơn 100 nghìn lượt người.

Đến nay, tỉnh Vĩnh Phúc không còn xã ĐBKK, 37/40 xã vùng DTTS và miền núi của tỉnh đã hoàn thành Chương trình xây dựng Nông thôn mới; cơ sở hạ tầng KT-XH tại các xã từng bước được hoàn thiện; thu nhập bình quân đầu người tại các xã vùng DTTS và miền núi của tỉnh đạt 37,2 triệu đồng/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 5,7%; an sinh xã hội cơ bản được bảo đảm; tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững… 

Từ những nỗ lực trong thực hiện công tác dân tộc, tại Đại hội Đại biểu các DTTS tỉnh Vĩnh Phúc lần thứ III năm 2019, Ban Dân tộc tỉnh Vĩnh phúc đã vinh dự được nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ.