Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sự kiện - Bình luận

Vẻ vang và trọng trách!

Mạnh Hà - 21:06, 29/04/2020

Ngày 3/5/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký sắc lệnh thành lập Bộ Nội vụ, bao gồm nhiều cơ quan, trong đó có Nha Dân tộc thiểu số (DTTS) - tiền thân của Ủy ban Dân tộc (UBDT) ngày nay. Trải qua 74 năm xây dựng và phát triển, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức Cơ quan công tác dân tộc từ Trung ương đến địa phương đã vượt qua nhiều khó khăn, thử thách, tận tụy, tâm huyết, nỗ lực phấn đấu, hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị được giao, chăm lo toàn diện cho đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào các dân tộc, xứng đáng với truyền thống vẻ vang và trọng trách mà Đảng, Bác Hồ giao phó.

Vùng DTTS và miền núi đang đổi thay, phát triển từng ngày.
Vùng DTTS và miền núi đang đổi thay, phát triển từng ngày.

Sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh ký sắc lệnh thành lập Bộ Nội vụ, ngày 9/9/1946, Bộ trưởng Bộ Nội Vụ đã ký Nghị định quy định chức năng, nhiệm vụ và bộ máy tổ chức của Nha DTTS nhằm “nghiên cứu và giải quyết mọi vấn đề liên quan đến các DTTS trên toàn cõi Việt Nam, để củng cố trên nguyên tắc bình đẳng, đoàn kết và tương trợ giữa các dân tộc sống trên đất nước Việt Nam”.

Trải qua quá trình phát triển, tiếp tục khẳng định sự quan tâm của Đảng, Nhà nước với công tác dân tộc, đồng thời thể hiện tình cảm của đồng bào các dân tộc với Bác Hồ - Người đặt nền móng đầu tiên cho Cơ quan công tác dân tộc, ngày 14/10/2008, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1491/QĐ-TTg lấy ngày 3/5 hàng năm là Ngày truyền thống cơ quan công tác dân tộc.

Trong mỗi thời kỳ cách mạng, Cơ quan công tác dân tộc có tên gọi khác nhau; thực hiện chức năng, nhiệm vụ phù hợp với từng giai đoạn lịch sử. Những năm qua, UBDT và các bộ, ngành liên quan đã tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành nhiều chính sách, chương trình, dự án nhằm ưu tiên phát triển toàn diện vùng DTTS và miền núi trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh - quốc phòng, góp phần phát triển sản xuất, xóa đói, giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội, tích cực xây dựng nông thôn mới.

Suốt chặng đường 74 năm qua, nhờ có đường lối, chủ trương đúng đắn về công tác dân tộc và ưu tiên nguồn lực thực hiện hiệu quả các chính sách dân tộc, đến nay vùng DTTS và miền núi đã từng bước phát triển toàn diện, ngày càng bền vững hơn; đời sống vật chất, tinh thần và niềm tin của đồng bào đối với Đảng và Nhà nước được nâng lên; khối đại đoàn kết các dân tộc không ngừng được củng cố; đồng bào các DTTS nỗ lực xóa đói, giảm nghèo, một bộ phận đang vươn lên làm giàu chính đáng.

Một trong những dấu mốc quan trọng phải kể tới là, UBDT đã xây dựng và tham mưu cho Chính phủ ban hành Nghị định số 05/2011/NĐ-CP ngày 14/1/2011 về công tác dân tộc. Đây là văn bản pháp quy cao nhất, quan trọng nhất được Chính phủ ban hành từ trước tới nay về công tác dân tộc với 13 nhóm chính sách và công tác quản lý nhà nước về dân tộc.

Kể từ khi được ban hành, Nghị định số 05/2011/NĐ-CP đã tạo khuôn khổ pháp luật để thống nhất nhận thức và hành động trong công tác dân tộc. Trên cơ sở đó, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược công tác dân tộc đến năm 2020 và ban hành Chương trình hành động để thực hiện; ban hành Chỉ thị số 28 về nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về công tác dân tộc, phê duyệt nhiều đề án, chương trình, chính sách dân tộc.

Tiếp nối truyền thống tự hào, vẻ vang của Cơ quan công tác dân tộc, những năm qua, đội ngũ những người làm công tác dân tộc đã không ngừng nỗ lực phấn đấu, đưa công tác dân tộc lên một tầm cao mới.

Trong đó, đặc biệt phải nhắc tới, trong năm 2019, UBDT đã tích cực tham mưu cho Đảng, Nhà nước về công tác dân tộc, trọng tâm là tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW, ngày 12/3/2003 của Ban Chấp hành (BCH) Trung ương khóa IX về công tác dân tộc và 25 năm thực hiện Chỉ thị số 45-CT/TW, ngày 23/9/1994 của Ban Bí thư khóa VII về một số công tác ở vùng dân tộc Mông.

Trên cơ sở đó, Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận số 65-KL/TW, ngày 30/10/2019 trong đó đề ra các nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW của BCH Trung ương Đảng khóa IX về công tác dân tộc trong tình hình mới. Xây dựng Báo cáo đánh giá chính sách dân tộc giai đoạn 2011 - 2020 và mục tiêu, nhiệm vụ giai đoạn 2021 - 2030, kế hoạch 5 năm 2021 - 2025, phục vụ xây dựng nội dung Văn kiện Đại hội Đảng XIII phần liên quan đến công tác dân tộc.

Đồng thời, thực hiện Nghị quyết số 74/2018/QH14 ngày 20/11/2018 của Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV, Chính phủ giao UBDT xây dựng Đề án tổng thể đầu tư phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) vùng DTTS và miền núi, vùng có điều kiện đặc biệt khó khăn giai đoạn 2021 - 2031. Tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội đã thông qua Đề án và ban hành Nghị quyết số 88 phê duyệt Đề án tổng thể phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030. Đề án là giải pháp quan trọng, đột phá, nhằm tập trung nguồn lực phát triển toàn diện, bền vững vùng DTTS và miền núi… Đây là một sự kiện mang tính lịch sử trong lĩnh vực công tác dân tộc.

Để Nghị quyết sớm đi vào cuộc sống, ngày 26/11/2019, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tổ chức Hội nghị triển khai thực hiện Nghị quyết số 88/2019/QH14. Sau Hội nghị (ngày 29/11/2019), Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đã giao UBDT chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan khẩn trương xây dựng Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 88/2019/QH14, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 1/2020.

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, UBDT đã hoàn thành dự thảo Nghị quyết của Chính phủ triển khai thực hiện Nghị quyết số 88/2019/QH14 của Quốc hội; lấy ý kiến các bộ, ngành liên quan để tổng hợp báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đúng thời hạn quy định.

Đồng thời, UBDT đã khẩn trương chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương liên quan xây dựng tiêu chí phân định vùng đồng bào DTTS và miền núi theo trình độ phát triển, bảo đảm toàn diện, khách quan, khoa học, phù hợp với thực tiễn làm cơ sở cho việc xác định địa bàn, đối tượng ưu tiên đầu tư có trọng tâm, trọng điểm để trình Chính phủ.

Trên cơ sở đó, tại Nghị quyết số 28/NQ-CP ngày 10/3/2020, Chính phủ thống nhất với đề nghị của UBDT, xác định vùng đồng bào DTTS và miền núi là địa bàn các xã, thôn có tỷ lệ hộ DTTS từ 15% số hộ trở lên. Phân định vùng đồng bào DTTS và miền núi thành 3 khu vực và thôn đặc biệt khó khăn (ĐBKK) để thực hiện các chính sách nhiệm vụ theo Nghị quyết số 88/2019/QH14 của Quốc hội và Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS giai đoạn 2021 - 2030.

UBDT cũng chủ động chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương liên quan xây dựng Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 trình Thủ tướng Chính phủ vào tháng 3/2020. Ngày 24/4, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì cuộc họp Thường trực Chính phủ nghe báo cáo về đề xuất chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030. Thủ tướng đánh giá cao UBDT đã chuẩn bị công phu, trách nhiệm, và cho rằng, đây là một trong 3 chương trình mục tiêu quốc gia lớn, thể tình cảm, trách nhiệm đối với đồng bào DTTS, để đồng bào có đời sống vật chất, tinh thần tốt hơn. Tại cuộc họp, Thủ tướng yêu cầu UBDT tiếp thu các ý kiến tại cuộc họp, hoàn thiện hồ sơ, báo cáo về đề xuất chủ trương đầu tư Chương trình này, lấy ý kiến của Chính phủ để sớm trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội…

Trước đó, càng vui mừng hơn nữa khi trong những ngày cuối cùng của năm 2019, phát biểu tại Hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương về phát triển KT-XH năm 2020 (diễn ra ngày 30 - 31/12), Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã chỉ đạo: “Ưu tiên bố trí nguồn lực thực hiện các đề án, chính sách đối với đồng bào DTTS và miền núi; đặc biệt là Đề án Tổng thể phát triển KT-XH vùng này vừa được Quốc hội phê duyệt tại Kỳ họp thứ 8 vừa qua…”.

Từ những sự quan tâm đặc biệt này, những khó khăn, bất cập, hạn chế trong lĩnh vực công tác dân tộc, thực hiện chính sách dân tộc sẽ từng bước được tháo gỡ; mở ra một cơ hội phát triển mới đầy hứa hẹn bởi sự xuyên suốt và thống nhất trong chủ trương, đường lối chỉ đạo, trong kiến tạo và hoạch định chính sách, trong tổ chức thực hiện, được sự đồng thuận cao của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. Đồng bào các dân tộc được bồi đắp thêm niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng để ra sức phấn đấu xây dựng cuộc sống ấm no cho gia đình, góp phần vào sự phồn thịnh của quê hương, đất nước.