Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Giáo dục

Dòng họ hiếu học ở Pú Nhung

Vũ Lợi - 14:54, 18/08/2020

Trên quê hương giàu truyền thống cách mạng xã Pú Nhung, huyện Tuần Giáo (Điện Biên) từ lâu đã lan tỏa phong trào thi đua học tập của những “gia đình học tập” và “dòng họ học tập”. Lớp lớp những người con trong các gia đình, dòng họ, trong đó có dòng họ Sùng không ngừng phấn đấu học tập để thành đạt, giữ nhiều vị trí quan trọng trên các lĩnh vực của đời sống xã hội và có những đóng góp to lớn vào sự phát triển chung của tỉnh.

Thế hệ con cháu dòng họ Sùng hôm nay luôn noi gương cha ông mình phấn đấu học hành chăm chỉ
Thế hệ con cháu dòng họ Sùng hôm nay luôn noi gương cha ông mình phấn đấu học hành chăm chỉ

Đến thăm gia đình ông Sùng A Thu, nhiều năm được suy tôn là gia đình hiếu học, ở bản Phiêng Pi, xã Pú Nhung, chúng tôi ấn tượng với hàng dãy bằng khen, giấy khen của các cấp, các ngành tặng các thành viên trong gia đình. Ông Thu, chia sẻ: Tôi luôn tâm niệm học tập là con đường tốt nhất để thoát nghèo và thay đổi nhiều hủ tục, đặc biệt là đối với đồng bào dân tộc Mông ở xã vùng cao Pú Nhung này. Trong các buổi họp mặt gia đình và sinh hoạt định kỳ của dòng họ, tôi luôn nhấn mạnh cần bảo đảm các điều kiện học tập cho con trẻ, dù khó khăn vất vả đến đâu cũng không được cho con em nghỉ học. Được mọi người trong dòng họ hưởng ứng nên công tác giáo dục của dòng họ ngày càng phát triển sâu rộng. 

Dòng họ Sùng tại xã Pú Nhung hiện có 141 hộ với gần 700 nhân khẩu. Trải qua các thời kỳ lịch sử, dòng họ Sùng luôn là dòng họ tiêu biểu tại địa phương và có nhiều tấm gương trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, như: Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân Sùng Phái Sinh… Hiện nay, Pú Nhung có trên 70 người con đang công tác tại các cơ quan Nhà nước, 20 người tốt nghiệp đại học và 35 đảng viên. Nhiều con em đang làm việc tại những vị trí chủ chốt của tỉnh, huyện và có nhiều đóng góp vào sự phát triển chung của địa phương. Các thế hệ con em trong dòng họ dù công tác ở ngành nào, lĩnh vực nào cũng luôn nỗ lực phấn đấu, cố gắng để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, được các cấp, các ngành ghi nhận, biểu dương.

Đại úy Sùng A Viện, Phó trưởng Phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh Điện Biên bày tỏ: Vinh dự cho bản thân tôi là người con dòng họ Sùng, hiện đang công tác trong lực lượng Công an tỉnh Điện Biên. Bản thân tôi luôn phấn đấu, rèn luyện để trưởng thành và thành công hơn để không phụ lòng mong mỏi của các thế hệ đi trước.

Để xứng đáng hơn nữa với truyền thống hiếu học của dòng họ, của quê hương, thế hệ con cháu của dòng họ Sùng hôm nay không ngừng tu dưỡng đạo đức, học hành chăm chỉ. Đa số các cháu đều đạt được những thành tích trong học tập, phấn đấu thi đỗ các trường đại học, cao đẳng trong nước. Dòng họ có quy định các gia đình tích cực chăm lo cho con cái học hành, không được bỏ học giữa chừng, không được kết hôn khi chưa đủ tuổi, không mắc vào các tệ nạn xã hội. 

Em Sùng A Công, Trường THCS Vừ A Dính, xã Pú Nhung chia sẻ: Em rất tự hào được sinh ra và lớn lên trên quê hương Anh hùng Vừ A Dính. Để đạt được ước mơ sau này trở thành chiến sĩ Công an, em đang quyết tâm phấn đấu học tập.

Hiện nay, kinh tế các gia đình của dòng họ Sùng đã có những thay đổi rõ nét nhờ mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, tạo ra giá trị hàng hóa, bảo đảm nguồn thu nhập ổn định để chăm lo cho con em học hành chu đáo. Ngoài ra, dòng họ Sùng luôn đoàn kết với các dòng họ khác, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm trong phong trào khuyến học, khuyến tài, để xây dựng quê hương ấm no, hạnh phúc. Chính từ những việc làm này, dòng họ Sùng luôn được Hội Khuyến học huyện Tuần Giáo đánh giá cao và suy tôn là “Dòng họ học tập”, giai đoạn 2015 - 2020.

Tin cùng chuyên mục
Đắk Lắk: Đầu tư, đổi mới phương pháp giáo dục phù hợp với điều kiện học tập, bản sắc văn hóa truyền thống

Đắk Lắk: Đầu tư, đổi mới phương pháp giáo dục phù hợp với điều kiện học tập, bản sắc văn hóa truyền thống

Thực hiện Dự án 5 về Phát triển giáo dục đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, Chương trình MTQG phát triển kinh tế -xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi (Chương trình MTQG 1719), tỉnh Đắk Lắk đã phân bổ khoảng 173 tỷ đồng đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị dạy học cho các trường phổ thông dân tộc nội trú, trường phổ thông dân tộc bán trú. Đồng thời, quan tâm đổi mới giáo dục, phương pháp giảng dạy phù hợp với ngôn ngữ, văn hóa của từng dân tộc.