Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Công tác Dân tộc

Dòng họ tự quản: Một mô hình, nhiều lợi ích

PV - 16:19, 07/05/2018

Tháng 12 năm 2013, mô hình dòng họ Vàng tự quản về an ninh trật tự tại thôn Làng Kim, xã Quang Kim, huyện Bát Xát (Lào Cai) chính thức được thành lập.

Từ khi thành lập đến nay, bên cạnh việc góp phần giữ vững an ninh trật tự, dòng họ Vàng đang là điểm sáng, đi đầu trong phong trào giúp nhau phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo.

Trước đây, gia đình anh Vàng Văn Kèn là một trong những hộ nghèo của xã Quang Kim. Kinh tế gia đình phụ thuộc hoàn toàn vào sản xuất nông nghiệp.

Nhưng do thiếu vốn, thiếu phương tiện phục vụ sản xuất nên dù quanh năm vất vả, cũng chỉ đủ ăn; vào những năm mưa lũ, hạn hán kéo dài, cái đói luôn ẩn hiện trong nhà.

Từ sự giúp đỡ của các hộ gia đình trong dòng họ, các hộ nghèo đã có điều kiện mở rộng mô hình sản xuất nâng cao thu nhập. Từ sự giúp đỡ của các hộ gia đình trong dòng họ, các hộ nghèo đã có điều kiện mở rộng mô hình sản xuất nâng cao thu nhập.

 

Năm 2013, anh Kèn cùng với 38 hộ người Giáy trong thôn Làng Kim tham gia mô hình dòng họ Vàng tự quản. Từ khi tham gia mô hình anh Kèn được các hộ có kinh tế khá giả hơn giúp đỡ về vốn, giống; giúp anh làm thủ tục nhận khoán bảo vệ rừng, trồng rừng; đào ao nuôi cá. Với đức tính cần cù chịu khó lao động, gia đình anh Kèn đã thoát nghèo trở thành hộ khá.

Hiện tại, gia đình anh có gần 5ha rừng, gần 1 nghìn mét vuông diện tích mặt nước nuôi cá, tôm càng xanh... Bình quân, mỗi năm từ mô hình kinh tế tổng hợp gia đình anh Kèn thu về hơn 150 triệu đồng. “Có được ngày hôm nay, bên cạnh sự quan tâm hỗ trợ của Nhà nước, gia đình tôi phải cảm ơn bà con dòng họ Vàng nhiều lắm”.

Gia đình anh Vàng Văn Thể cũng thoát nghèo vươn lên làm giàu từ sự giúp đỡ hiệu quả của các hộ trong dòng họ Vàng. Sau nhiều năm loay hoay không tìm được hướng phát triển kinh tế; nói đúng hơn là không có vốn để đầu tư cho sản xuất. Từ hơn 20 triệu đồng của các thành viên trong dòng họ hỗ trợ, giúp đỡ, anh Thể quyết định đào ao, nuôi tôm càng xanh. “Bây giờ gia đình đã có thu nhập gần 100 triệu đồng/năm rồi, các con có điều kiện học hành đầy đủ mà gia đình cũng có tiền để làm nhà mới, mua sắm ti vi, xe máy...”, anh Thể phẩn khởi cho biết.

Ông Vàng Văn Phủ, Trưởng tộc họ Vàng thôn Làng Kim cho biết: Dòng họ Vàng hiện nay có 39 hộ, thì 100% hộ đã thoát nghèo. “Bà con rất tự hào với kết quả này nên lại càng hăng say lao động để tăng thêm thu nhập, có tiền tích lũy”.

Để duy trì hoạt động hiệu quả mô hình, thời gian qua, dòng họ Vàng đã tổ chức thực hiện tốt quy ước của dòng họ. Thông qua các buổi sinh hoạt tập trung để tuyên truyền, vận động các thành viên trong gia tộc xóa bỏ những hủ tục lạc hậu như: Không cưới vợ, gả chồng tảo hôn; cưỡng ép kết hôn, ly hôn, không cho con cái kết hôn cận huyết thống; thực hiện tiết kiệm trong các ngày lễ, hội, thực hiện văn minh trong cưới hỏi, tang lễ… ; Giáo dục con em tránh xa các tệ nạn xã hội, gìn giữ đạo đức, truyền thống của gia đình, đồng thời động viên con cháu tích cực học tập, nâng cao hiểu biết; đưa khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, kinh doanh. Bởi vậy, từ khi đi vào hoạt động đến nay, 100% các hộ trong dòng họ không có ai vi phạm pháp luật.

Đánh giá về mô hình, ông Trần Văn Ngọc, Chủ tịch UBND xã Quang Kim cho hay: Toàn xã Quang Kim hiện có 8 mô hình tự quản về an ninh trật tự. Trong đó, dòng họ Vàng hoạt động rất hiệu quả trong công tác đảm bảo ANTT tại địa phương. Đặc biệt là việc các thành viên trong dòng họ rất chủ động, phát huy nội lực, có trách nhiệm với nhau, cùng chia sẻ để tìm ra cách giúp đỡ nhau thoát nghèo. Nhờ những mô hình hoạt động hiệu quả như mô hình của dòng họ Vàng, mà xã Quang Kim là một trong những xã đầu tiên của tỉnh Lào Cai về đích trong phong trào xây dựng nông thôn mới.

TRỌNG BẢO