Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Phóng sự

Những "cánh chim” đầu đàn ở vùng Tây Duyên hải miền Trung: Góp sức giữ nghề truyền thống (Bài 2)

T.Nhân - H.Trường - 09:51, 21/04/2025

Tranh thủ nguồn lực hỗ trợ từ các chương trình, chính sách của Nhà nước dành cho đồng bào DTTS, ở các bản làng vùng đồng bào DTTS và miền núi đã triển khai tổ chức, thực hiện hiệu quả nhiều hoạt động nhằm bảo tồn và phát huy những giá trị, bản sắc văn hóa các DTTS. Theo đó, những năm qua, trong nhiều việc làm ý nghĩa, thiết thực, nhiều Người có uy tín ở Quảng Nam, Quảng Ngãi đã góp sức giữ gìn và phát huy nghề truyền thống để nhiều di sản văn hóa vật thể, phi vật thể tốt đẹp của đồng bào DTTS luôn "sống" mãi với thời gian.

Bao năm nay, già Đinh Văn Xếp vẫn luôn miệt mài giữ nghề truyền thống của người Hrê Quảng Ngãi.
Bao năm nay, già Đinh Văn Xếp ở xã Long Mai, huyện Minh Long (Quảng Ngãi) vẫn luôn miệt mài giữ nghề truyền thống của người Hrê

Những người "giữ lửa" nghề

Ở tuổi 73 nhưng già Đinh Văn Xếp, dân tộc Hrê, Người có uy tín thôn Mai Lãnh Hạ, xã Long Mai, huyện Minh Long (Quảng Ngãi) còn khá nhanh nhẹn, tinh anh. Hơn 20 năm  làm nghề đan mây tre, già không thể cộng được già đã làm ra bao nhiêu sản phẩm, bán đi bao nhiêu chiếc giỏ, nia, hay mủng.

Già kể, thời còn trẻ, thấy các cô, bác trong làng đan mây tre rất thích mắt. Già học theo, được nhiều người chỉ dạy, chẳng mấy chốc già đã thành thạo đường nan, nét gấp. Có lẽ vậy, hôm nay, đôi tay của già vẫn thoăn thoắt, uyển chuyển trên từng đường nan để tạo ra được các sản phẩm kỹ thuật và đẹp mắt.

"Ngày xưa, hầu hết trai làng đều biết đan lát. Bởi đây không chỉ là cái nghề của cha ông để lại, mà trai giỏi nghề thì thường được nhiều cô gái để ý và thương lấy làm chồng. Việc biếu tặng nhau chiếc giỏ, rổ tre, hay chiếc gùi trở thành nét đẹp văn hóa của người dân trong làng. Dần về sau, vì nhiều nguyên nhân khác nhau, nghề dần dần ít người chuộng nữa", già Xếp nói.

Già Xếp chia sẻ, thời bây giờ, nhiều vật dụng công nghiệp như thau, nhựa đã len lỏi vào đời sống người dân, thay thế những vật tre đan. Bên cạnh đó , nguyên liệu chủ yếu để đan là mây, tre, và nứa. Khó kiếm nhất là dây mây, phải đi vào rừng sâu hoặc mua lại của người đi rừng. Để sản phẩm có độ bền và đẹp mắt, đòi hỏi khâu chọn và xử lý nguyên liệu phải kỹ. "Công việc khó, mất nhiều thời gian mà thu nhập không cao nên nhiều người không mặn mà nữa. Chỉ còn lại một số ít người như già, giữ lấy cái nghề để mai này con cháu còn biết đến”.

Những sản phẩm đan lát độc đáo được làm nên bởi những người tâm huyết với nghề.
Những sản phẩm đan lát độc đáo được làm nên bởi những người tâm huyết với nghề

Già Xếp cho biết, mỗi khi rảnh rỗi, già lại mang tre, nứa ra đan. Đó như một cách giữ lại nghề truyền thống của đồng bào Hrê ở vùng cao Quảng Ngãi. “Mỗi khi có bạn trẻ ngỏ ý muốn học nghề đan lát, già đều chỉ bảo từng chút một. Già mong muốn lớp trẻ có thể gìn giữ nghề này. Đây không chỉ là công việc kiếm thêm thu nhập, mà còn là nét đẹp truyền thống của đồng bào mình từ xưa để lại”.

Hôm nay, ngược về phía các huyện vùng cao Quảng Nam, không khó để bắt gặp hình ảnh những những người đàn ông ngồi đan lát trước hiên nhà. Đối với đồng bào Cơ Tu, nghề đan lát cũng đã tồn tại từ lâu đời, là nét văn hóa đặc trưng, không pha lẫn, hay mất đi dù theo thời gian.

Trong gian bếp của mình, ông Arất Cước, Người có uy tín ở thị trấn Prao (huyện Đông Giang) treo đầy những vật dụng được đan bằng mây tre tinh xảo. Điểm ấn tượng trong những đồ vật đó, là chiếc mâm mây lớn gần hai vòng tay, và chiếc gùi truyền thống của đồng bào Cơ Tu, với những đường nét đan tỉ mỉ.

Già Arất Cước bảo tồn nghề truyền thống đan lát của đồng bào Cơ Tu ở Quảng Nam.
Già Arất Cước góp sức bảo tồn nghề truyền thống đan lát của đồng bào Cơ Tu ở Quảng Nam

“Mâm tre làm rất kỳ công, mất hơn một tháng mới xong. Làm mâm mây đòi hỏi phải có sự kiên trì, bởi nhìn thì đơn giản, nhưng bắt tay vào làm thì rất nhiều công đoạn. Số người làm được mâm mây cũng hiếm, nếu làm được mâm mây, thì làm được các sản phẩm khác dễ dàng”, già Cước nói.

Theo già Cước, nghề đan lát mây tre ở các huyện vùng cao Quảng Nam trước đây chủ yếu phục vụ cho nhu cầu sinh hoạt của người dân địa phương. Hiện nay, bà con đã cải tiến về mẫu mã để phục vụ người tiêu dùng có nhu cầu về trang trí. Nhờ vậy, nhiều người vẫn giữ nghề, một phần là để có thêm thu nhập, phần để giữ gìn nét đẹp văn hóa của đồng bào Cơ Tu.

Hướng đi mới cho nghề truyền thống

Theo một số nghệ nhân còn giữ nghề đan lát ở Đông Giang (Quảng Nam), muốn sống được với nghề truyền thống, thì phải có một số thay đổi, nhất là về các mẫu mã để phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng. Như trước đây, phần lớn sản phẩm tạo ra chỉ là đồ dùng sinh hoạt bình thường, thì nay phải tư duy thêm sản phẩm theo phong cách mới, lạ mắt.

Không chỉ là Người có uy tín mẫu mực trong cộng đồng người Cơ Tu ở Đông Giang, già Bhling Blóo còn là nghệ nhân tài hoa trong nghề đan lát.
Không chỉ là Người có uy tín mẫu mực trong cộng đồng người Cơ Tu ở Đông Giang, già Bhling Blóo còn là nghệ nhân tài hoa trong nghề đan lát

Không những thế, người làm nghề đan lát phải biết quảng bá các sản phẩm của mình trên các nền tảng mạng xã hội, hoặc tiếp cận được khu, điểm du lịch để giới thiệu sản phẩm đến với người tiêu dùng. Để làm được điều này, người dân mong muốn các cấp chính quyền cần hỗ trợ, quảng bá hình ảnh sản phẩm làng nghề, có thể thông các chương trình xúc tiến, quảng bá hoặc trưng bày ở những điểm du lịch.

Già Bhling Blóo, một trong những Người có uy tín, là nghệ nhân đan lát ở xã Sông Kôn, huyện Đông Giang (Quảng Nam), cho biết: Bên cạnh việc làm các sản phẩm truyền thống như gùi, nong, nia để bán cho người dân trong làng phục vụ sản xuất; chúng tôi không ngừng sáng tạo ra những sản phẩm mới, mẫu mã đẹp như giỏ xách, túi xách, ví… để bán cho du khách, những người có nhu cầu đặt hàng để trang trí.

Cũng theo già Bhling Blóo, hiện nay tại Sông Kôn đã thành lập nhiều Tổ đan lát cộng đồng, già là một trong những người trực tiếp đứng lớp để truyền dạy nghề cho những người trong Tổ. Trong thời gian gần đây, du lịch gắn với các làng nghề truyền thống ở vùng Tây Quảng Nam đang dần hình thành và phát triển, nhiều người đan lát và dệt thổ cẩm ở Sông Kôn càng có điều kiện để cải thiện thu nhập, song song với việc bảo tồn văn hóa của đồng bào mình.

Nói về bảo tồn và phát huy giá trị các làng nghề truyền thống gắn với du lịch, ông Đỗ Hữu Tùng, Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Giang, cho biết: Dự án 6 thuộc, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi đã hỗ trợ rất lớn cho địa phương trong việc triển khai thực hiện các chính sách bảo tồn và phát triển làng nghề, trong đó có làng nghề đan lát.

“Để triển khai hiệu quả dự án này, ngoài việc hỗ trợ kinh phí, UBND huyện đã tổ chức các lớp tập huấn cho người dân ở các làng nghề, từ đó giúp cải thiện sinh kế cho người dân. Bên cạnh việc quảng bá, giới thiệu sản phẩm thủ công từ các làng nghề tại các hội chợ, triển lãm, và trên các nền tảng số; huyện cũng khuyến khích người dân thành lập các tổ hợp tác, các nhóm hộ cùng làm nghề để nâng cao năng suất, chất lượng của sản phẩm”, ông Tùng cho biết.

Để tạo nên sản phẩm đẹp, cần có sự tỉ mỉ và khéo tay trong từng đường nan.
Để tạo nên sản phẩm đẹp, cần có sự tỉ mỉ và khéo tay trong từng đường nan

Còn ở Bắc Trà My (Quảng Nam), Người có uy tín Bùi Văn Quyên (SN 1954, dân tộc Mường, ngụ xã Trà Giang) cũng một trong những người góp công rất lớn trong việc gìn giữ và phát huy nghề đan lát ở địa phương.

Chia sẻ thêm về nghề đan lát, ông Quyên cho hay, nếu tạo được những sản phẩm đẹp thì thu nhập cũng đáng kể. Như hiện nay, mỗi tháng gia đình ông thu nhập vài triệu đồng từ nghề. “Hiện nay tôi đang nghiên cứu để tạo ra những mẫu sản phẩm đẹp mắt, rồi sẽ truyền lại cho mọi người tại lớp học, để họ có được mẫu mã mới, kiếm thêm thu nhập”, ông Quyên nói.

Lớp học mà ông Quyên nhắc đến là lớp học do UBND huyện Bắc Trà My tổ chức dành cho những người muốn học đan lát và kiếm thêm thu nhập từ nghề này. Là người giỏi nghề, ông Quyên trực tiếp đứng lớp để truyền dạy từng công đoạn của việc đan lát cho  người dân, trong đó chủ yếu là người trẻ, phụ nữ. Mỗi lớp như vậy học trong thời gian 3 tháng, đến khi người học biết nghề mới thôi.

Cũng theo ông Quyên, những năm gần đây, du lịch ở các huyện vùng cao Quảng Nam bắt đầu hình thành và phát triển, trong đó có khu Suối Mường ở Bắc Trà My. Điều này đã tạo động lực thiết thực cho người dân quanh khu vực đẩy mạnh phát triển sản xuất gắn với du lịch, nhất là phát huy các làng nghề truyền thống.

Người có uy tín Bùi Văn Quyên nói về triển vọng của nghề đan lát khi gắn kết với du lịch.
Người có uy tín Bùi Văn Quyên nói về triển vọng của nghề đan lát khi gắn kết với du lịch

“Khách du lịch đến đông, nhu cầu về sản phẩm lưu niệm cũng lớn hơn. Do đó, những người làm nghề đan lát cũng có lợi thế bán được sản phẩm, hoặc trở thành điểm đến trải nghiệm của du khách. Về lâu về dài, những làng nghề truyền thống như đan lát, nấu rượu cần có khả năng sống được”, ông Quyên nói.

Ông Mai Đức, Trưởng phòng Dân tộc và Tôn giáo huyện Bắc Trà My, cho biết: Năm 2024, toàn huyện có 44 Người có uy tín. Họ đã phát huy vai trò của mình trên nhiều lĩnh vực như kinh tế, văn hóa, giữ gìn an ninh trật tự…Bên cạnh đó, nhiều người còn góp phần giữ gìn làng nghề, truyền dạy nghề đan lát cho thế hệ trẻ.

Theo ông Mai Đức, những năm qua, địa phương cũng có nhiều chính sách để hỗ trợ người dân phát triển các làng nghề, trong đó có nghề đan lát truyền thống. Đồng thời, phối hợp với các sở, ngành liên quan tổ chức truyền dạy nghề, hướng dẫn người dân giữ gìn và phát huy các sản phẩm truyền thống, cũng như phục dựng một số lễ hội… nhằm gắn kết để phát triển du lịch tại địa phương...

Tin cùng chuyên mục
Những “điểm tựa” nơi đại ngàn Tây Nguyên: Thay đổi nếp nghĩ, cách làm qua công tác tuyên truyền vận động (Bài cuối)

Những “điểm tựa” nơi đại ngàn Tây Nguyên: Thay đổi nếp nghĩ, cách làm qua công tác tuyên truyền vận động (Bài cuối)

Để bà con tin tưởng, Người có uy tín không chỉ gương mẫu, đi đầu, mà còn luôn cập nhật thông tin mới bằng mọi cách, nhất là những vấn đề về chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước liên quan sát sườn đến cuộc sống dân sinh để giải thích thỏa đáng, hướng dẫn cụ thể cho bà con chấp hành, thực hiện. Từ đó, giúp bà con thay đổi nếp nghĩ, cách làm phát triển kinh tế, bảo tồn văn hóa, giữ gìn an ninh trật tự, xây dựng buôn làng giàu mạnh, xứng đáng là với niềm tin của chính quyền cơ sở, “điểm tựa” của bà con nơi buôn làng.