Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Dân tộc - Tôn giáo

Động lực mới từ Chương trình MTQG 1719

Minh Thu - 18:28, 08/05/2025

Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030; giai đoạn I: từ 2021 đến 2025 (Chương trình MTQG 1719) là một giải pháp đột phá, có tính lịch sử, nhằm đẩy mạnh phát triển toàn diện vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn của cả nước. Sau 4 năm triển khai, chương trình đã đem lại những thay đổi tích cực, tạo động lực để các địa phương tiếp tục có nhiều giải pháp quan tâm, chăm lo cho người dân trong những năm tiếp theo.

Mô hình trồng chuối lùn tại xã A Vao, huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị đã góp phần giúp đồng bào DTTS phát triển kinh tế (Ảnh: H.T).
Mô hình trồng chuối lùn tại xã A Vao, huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị đã góp phần giúp đồng bào DTTS phát triển kinh tế (Ảnh: H.T).

Đời sống vật chất và tinh thần của người dân không ngừng được nâng lên

Qua hơn 3 năm thực hiện, Chương trình MTQG 1719 đã góp phần quan trọng làm thay đổi diện mạo vùng đồng bào DTTS và miền núi trên địa bàn huyện Bảo Lạc, tỉnh Cao Bằng; đời sống vật chất, tinh thần của đại bộ phận đồng bào DTTS từng bước được nâng lên.

Như ở xã Bảo Toàn, trước đây, gia đình bà Nông Thị Ngoan, ở xóm Nà Xiêm thuộc diện khó khăn, nhiều năm phải ở trong ngôi nhà đã xuống cấp. Năm 2024, bà Ngoan được thụ hưởng chính sách hỗ trợ để xây căn nhà mới rộng rãi, khang trang.

Địa phương sẽ chú trọng nâng cao năng lực cán bộ phụ trách từng dự án để phổ biến, triển khai và giải thích cho người dân hiểu; tạo được sự đồng thuận để người dân chủ động tham gia cùng thực hiện… Đồng thời, xây dựng các mô hình phát triển sản xuất theo hướng hàng hóa, liên kết phát triển các mô hình phù hợp với điều kiện, thế mạnh của từng vùng, mang lại thu nhập cao và ổn định cho người dân”.

Ông Lã Hoài NamBí thư Huyện ủy Bảo Lạc, tỉnh Cao Bằng

Với nguồn lực đầu tư từ 3 chương trình MTQG, trong đó có Chương trình MTQG 1719, đến nay, huyện Bảo Lạc đã linh hoạt, thực hiện đầu tư 106 công trình điện, giao thông, thủy lợi, nước sinh hoạt tập trung…; triển khai thực hiện 36 dự án đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo, 128 dự án hỗ trợ phát triển sản xuất… Hiện, 100% đường ô tô đến trung tâm xã được cứng hóa; 138/146 xóm có nhà văn hóa.. Năm 2024, tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện giảm 5,2%.

Tại tỉnh Quảng Trị, từ nguồn vốn đầu tư của Chương trình MTQG 1719, nhiều công trình ở xã biên giới Ba Tầng, huyện Hướng Hóa đã được đầu tư xây dựng. Cùng với đó, nguồn vốn sự nghiệp và các chương trình hỗ trợ sinh kế đã góp phần kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn xã khoảng 9,86%/năm.

Thực hiện Dự án 1, Chương trình MTQG 1719, đến nay, xã Ba Tầng, huyện Hướng Hóa đã đầu tư xây dựng và bàn giao được khoảng 50 căn nhà cho hộ DTTS có hoàn cảnh khó khăn về nhà ở. Trên địa bàn xã đã có 7 tuyến đường được xây dựng; 4 thôn được đầu tư hệ thống nước sạch; trường TH&THCS được đầu tư, xây mới... Bên cạnh đó, nguồn vốn sự nghiệp đã trao được 86 con bò, tạo sinh kế bền vững cho 43 hộ đồng bào Bru Vân Kiều. Trong kế hoạch trao bò hỗ trợ sinh kế, đồng bào Bru Vân Kiều ở xã Ba Tầng sẽ được cấp thêm 36 con bò trong năm 2025. Đây sẽ là động lực lớn giúp những hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn vươn lên thoát nghèo bền vững.

Chị Thạch Sà My, xã Tân Hiệp, huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh được vay vốn để phát triển kinh tế (Ảnh: Phan Bình).
Chị Thạch Sà My, xã Tân Hiệp, huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh được vay vốn để phát triển kinh tế (Ảnh: Phan Bình).

Tại tỉnh Trà Vinh, triển khai thực hiện Chương trình MTQG 1719, năm 2024, địa phương này đã bố trí nguồn vốn trên 260 tỷ đồng thực hiện các dự án thành phần. Trong đó, bố trí trên 18 tỷ đồng giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt cho các hộ DTTS; dành 12,6 tỷ đồng hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, vùng trồng dược liệu quý, thúc đẩy khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp và thu hút đầu tư vùng đồng bào DTTS... Ngoài ra, tỉnh Trà Vinh còn bố trí hơn 113 tỷ đồng đầu tư xây dựng 104 công trình cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất, đời sống trong vùng đồng bào DTTS, dành trên 15 tỷ đồng để bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các DTTS gắn với phát triển du lịch… Tỉnh Trà Vinh đặt mục tiêu giảm tỉ lệ hộ nghèo vùng đồng bào dân tộc Khmer trong năm 2025 là 0,5%.

Tạo động lực thực hiện hiệu quả Chương trình MTQG 1719

Trong những năm qua, các chính sách của Đảng, Nhà nước đối với vùng đồng bào DTTS và miền núi là tiền đề quan trọng để các địa phương vùng đồng bào DTTS xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội phù hợp với điều kiện thực tế. Từ đó, tập trung nguồn lực thực hiện các chương trình, đề án, dự án về hạ tầng, phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, gắn với việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; xây dựng các mô hình sinh kế hiệu quả cho người dân bằng việc hỗ trợ thông qua các mô hình sản xuất, phù hợp với nhu cầu, trình độ canh tác và thế mạnh của địa phương…

Từ nguồn vốn Chương trình MTQG 1719, huyện Bảo Lạc bê tông hóa hệ thống đường nông thôn tại xã Bảo Toàn (Ảnh: Vũ Tiệp).
Từ nguồn vốn Chương trình MTQG 1719, huyện Bảo Lạc bê tông hóa hệ thống đường nông thôn tại xã Bảo Toàn (Ảnh: Vũ Tiệp).

Những kết quả đạt được trong giai đoạn 2021 - 2025 là tiền đề, là động lực rất lớn để các địa phương bứt phá trong triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi trong những năm tiếp theo.

Theo chia sẻ của ông Lã Hoài Nam, Bí thư Huyện ủy Bảo Lạc: Để nâng cao hơn nữa hiệu quả đầu tư từ các chính sách của Chương trình MTQG 1719, các cấp ủy Đảng, chính quyền huyện Bảo Lạc sẽ tiếp tục tăng cường kiểm tra thực tế tại các địa phương về tình hình thực hiện các dự án, đảm bảo quy trình từ việc lập kế hoạch chặt chẽ, giao trách nhiệm tổ chức thực hiện, chỉ đạo đôn đốc và kiểm tra, đánh giá. Những nội dung đã có văn bản hướng dẫn cụ thể, rõ ràng, có khả năng thực hiện và giải ngân được thì chủ động triển khai sớm để đảm bảo tỷ lệ giải ngân.

“Địa phương sẽ chú trọng nâng cao năng lực cán bộ phụ trách từng dự án để phổ biến, triển khai và giải thích cho người dân hiểu; tạo được sự đồng thuận để người dân chủ động tham gia cùng thực hiện… Đồng thời, xây dựng các mô hình phát triển sản xuất theo hướng hàng hóa, liên kết phát triển các mô hình phù hợp với điều kiện, thế mạnh của từng vùng, mang lại thu nhập cao và ổn định cho người dân” - ông Lã Hoài Nam cho biết.

Còn theo Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh Lê Văn Hẳn, tiếp tục phát triển toàn diện vùng đồng bào Khmer giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh sẽ đầu tư các dự án giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt; quy hoạch, sắp xếp, bố trí ổn định dân cư ở những nơi cần thiết; đầu tư kết cấu hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất, đời sống cho người dân; bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống các DTTS gắn với phát triển du lịch... với tổng nguồn vốn hơn 271 tỷ đồng.

Những kết quả đạt được trong giai đoạn 2021 - 2025 là tiền đề, là động lực rất lớn để các địa phương bứt phá trong triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi trong những năm tiếp theo.