Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Xã hội

Đồng Nai: Cần tăng cường hỗ trợ đồng bào DTTS vượt qua khó khăn trong đại dịch Covid-19

Lê Vũ - Lê Thuận - 17:16, 28/09/2021

Mặc dù tỉnh Đồng Nai đã có nhiều hoạt động hỗ trợ, chăm lo cho đồng bào DTTS trong tỉnh đang bị ảnh hưởng trực tiếp bởi tình hình dịch bệnh Covid-19, nhưng với diễn biến kéo dài và phức tạp của đại dịch, đời sống của bà con đang đứng trước rất nhiều khó khăn.

Ban Dân tộc và Hội chữ thập đỏ tỉnh Đồng Nai thăm, tặng quà bà con DTTS gặp khó khăn do Covid-19
Ban Dân tộc và Hội chữ thập đỏ tỉnh Đồng Nai thăm, tặng quà bà con DTTS gặp khó khăn do Covid-19

Nỗ lực hỗ trợ đồng bào DTTS

Do tình hình dịch Covid-19 kéo dài và diễn biến phức tạp, cùng với nhiều tỉnh thành trong cả nước, đặc biệt là khu vực phía Nam, tỉnh Đồng Nai cũng đã phải áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội trong thời gian dài. Điều này đã gây ảnh hưởng nặng nề đến đời sống của người dân, trong đó có bộ phận không nhỏ đồng bào DTTS đang sinh sống và làm việc tại đây. 

Trong thời gian qua, hầu hết các địa phương trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đều có những chương trình, chính sách để hỗ trợ phần nào, đời sống cho bà con đồng bào DTTS bị ảnh hưởng bởi Covid-19.

Cụ thể, TP. Long Khánh có chương trình “San sẻ yêu thương cho đồng bào DTTS”, do Ủy ban MTTQ tổ chức, đã trao tặng hơn 500 suất quà đến đồng bào DTTS khó khăn trên địa bàn. Trước đó, Phòng Dân tộc TP. Long Khánh phối hợp với Thành đoàn cũng đã trao hơn 100 phần quà cho đồng bào. Hay tại huyện Long Thành, thời gian qua đại diện chính quyền cũng đã đến thăm và trao tặng hơn 400 phần quà cho đồng bào các dân tộc Chăm, Chơ Ro, Xtiêng trên địa bàn huyện.

Gần đây, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh đã phối hợp với Huyện đoàn Nhơn Trạch, tổ chức trao 197 phần quà, tương đương với số hàng gồm: 1,5 tấn gạo, 200 lít nước mắm, 200 lít dầu ăn, 200kg đường, 300kg xương thịt heo cho 197 phòng trọ có người DTTS đang ở trọ tại khu vực ấp Bến Cam, Bến Sắn xã Phước Thiền và khu vực thị trấn Hiệp Phước (huyện Nhơn Trạch) gặp khó khăn.

Trước đó, vào đầu thời điểm dịch bùng phát, Ban Dân tộc tỉnh Đồng Nai cùng đại diện Hội Chữ thập đỏ tỉnh đã đến ấp Thuận An, xã Sông Thao (huyện Trảng Bom) trao 45 suất quà trị giá 22,5 triệu đồng cho các hộ đồng bào dân tộc Chơ Ro đang trong khu vực giãn cách để phòng chống Covid-19.

Ngoài các chuyến thăm tặng quà cụ thể, được biết trong thời gian qua, tại các địa phương, chính quyền đều có nhiều giải pháp an sinh xã hội cho người dân. Trong đó, có rất nhiều hoạt động hướng về đồng bào DTTS trong dịch bệnh, đặc biệt là việc hỗ trợ và cung cấp lương thực, thực phẩm. Bên cạnh đó, còn có nhiều mạnh thường quân, các nhóm từ thiện ủng hộ khi thì gạo thịt, khi thì rau quả, dầu ăn, mì gói… nên đồng bào không lo bị đói.

Khó khăn vẫn còn ở phía trước

Đây là vấn đề không chỉ bà con, mà là nỗi lo lắng của các cấp chính quyền, của toàn xã hội không riêng ở Đồng Nai. Hiện nay, một bộ phận không nhỏ đồng bào DTTS làm công nhân tại các công ty, xí nghiệp đang mất việc làm, không thu nhập nhiều tháng nay do giãn cách nên tình hình đời sống đang vô cùng khó khăn và bấp bênh.

Như trường hợp gia đình chị Kim Thị Mỹ Phúc (dân tộc Khmer) đang sinh sống tại xóm trọ thuộc Ấp 1, Khu công nghiệp (KCN) Bàu Xéo, xã Sông Trầu (huyện Trảng Bom). Vợ chồng chị Phúc rời quê hương Sóc Trăng đến đây sinh sống, làm công nhân trong KCN đã 6 năm. Cuộc sống vốn đã khó khăn nơi đất khách quê người để mưu sinh và lo cho 2 đứa con, nhưng do bị ảnh hưởng của dịch, cả 2 vợ chồng đều mất việc làm từ mấy tháng nay, tình trạng gia đình đang bước vào sự kiệt quệ.

Chị Phúc chia sẻ: “Chồng tôi mới tìm được công việc trong KCN, tưởng là cuộc sống sẽ đỡ hơn, nhưng mới thử việc được 4 tháng, thì dịch bùng phát phải nghỉ hết. May là ở đây lâu lâu lại được địa phương, các nhà hảo tâm đến cho gạo, cho mì gói và lương thực, nên thời gian qua có cái ăn, không bị đói, chủ trợ cũng có hỗ trợ… Nhưng sắp tới, tôi không biết phải sống sao, hết dịch chưa chắc đã có việc làm liền…”.

Chị Phúc chính là vợ của anh Trương Văn Bình, người đã bị lực lượng kiểm soát dịch tại chốt phòng chống Covid-19 đánh bị thương vô cớ ngay tại chốt vào tối ngày 29/8, mà một số phương tiện truyền thông đã phản ánh thời gian gần đây. Về sự việc này, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai Nguyễn Hồng Lĩnh đã có ý kiến, yêu cầu địa phương kiểm điểm và chấn chỉnh lại cách ứng xử với người dân trong công tác phòng chống dịch. Sau đó, chính quyền xã đã xuống hỗ trợ gia đình anh chị 1 triệu đồng.

Qua tìm hiểu, hiện còn rất nhiều hộ đồng bào DTTS khác đang sinh sống tại các khu trọ không tên, gần các KCN, thời gian qua phải chật vật từng ngày và đau đáu với nỗi lo sẽ làm gì để sống trong những ngày tiếp theo ?

Chị Kpă H’Ra (dân tộc Gia Rai) cho biết, khu vực chị đang ở trọ (ấp 4, xã Hiệp Phước, huyện Nhơn Trạch) có gần 100 người DTTS, đa phần cùng quê hương Gia Lai xuống Đồng Nai làm việc tại các KCN. Từ tháng 7 đến nay, hầu hết mọi người đều mất việc làm và cũng chưa biết bao giờ được đi làm lại. “Chỉ được hỗ trợ tổng cộng 2 lần là 10 ký gạo với hơn 1 thùng mì gói, ít rau xanh, ngoài ra chưa thấy hỗ trợ gì thêm anh ạ”, chị Kpă H’Ra cho biết.

Được biết, riêng tại Hiệp Phước đã có trên 300 đồng bào DTTS đang sinh sống trong các khu trọ và bị ảnh hưởng nặng nề do Covid-19, chưa kể đến các địa phương khác trong tỉnh.

Mặc dù thời gian qua, tỉnh đã có những cố gắng nhất định trong việc hỗ trợ đời sống cho bà con, nhưng thiết nghĩ như thế vẫn là chưa đủ, so với những khó khăn thực sự mà họ đang đối mặt. Hơn lúc nào hết địa phương cần sớm có giải pháp, chính sách thiết thực hơn, lâu dài hơn, để hỗ trợ cho đồng bào an tâm sinh sống, lao động tiếp tục khi trở lại cuộc sống bình thường mới, trong thời gian sắp tới.

(Nội dung thông tin, tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ)

Tin cùng chuyên mục
Cần tăng thuế thuốc lá để giảm lượng tiêu thụ tại Việt Nam

Cần tăng thuế thuốc lá để giảm lượng tiêu thụ tại Việt Nam

Ngày 21/11, Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức Hội nghị tập huấn nâng cao năng lực truyền thông về phòng chống tác hại thuốc lá cho phóng viên, biên tập viên báo, đài; các cán bộ, công chức, viên chức của Sở Thông tin và Truyền thông các tỉnh, thành phố.