Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Đồng Nai: Hơn 77 tỷ đồng cho mục tiêu giảm nghèo bền vững

T.Minh - 10:32, 02/11/2022

UBND tỉnh Đồng Nai vừa ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2022 - 2025 với hàng loạt chính sách ưu đãi dành cho người nghèo, đặc biệt là hộ nghèo DTTS gắn với các dự án giảm nghèo bền vững.

Mô hình nuôi bò vỗ béo giúp bà con ở huyện Tân Phú có thu nhập ổn định, vươn lên thoát nghèo
Mô hình nuôi bò vỗ béo giúp bà con ở huyện Tân Phú có thu nhập ổn định, vươn lên thoát nghèo

Theo Sở LĐ-TBXH tỉnh Đồng Nai, toàn tỉnh hiện còn 7.057 hộ nghèo và 6.916 hộ cận nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều của Chính phủ giai đoạn 2022 - 2025. Cụ thể, số hộ nghèo và cận nghèo ở thành thị của tỉnh lần lượt là 1.162 hộ và 861 hộ. Riêng số hộ nghèo và cận nghèo ở nông thôn lần lượt là 5.895 hộ và 6.055 hộ.

Theo chuẩn nghèo được Trung ương áp dụng, hộ nghèo ở khu vực nông thôn và thành thị có mức thu nhập bình quân đầu người lần lượt là 1,5 triệu và 2 triệu đồng/người/tháng. Cùng với đó, tỉnh còn rất nhiều gia đình gặp khó khăn cần trợ giúp trong cuộc sống.

Đối tượng mà các dự án giảm nghèo trong Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2022 - 2025 hướng đến được mở rộng và có sự bao quát. Cụ thể, người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, người khuyết tật (không có sinh kế ổn định), hộ nghèo DTTS, hộ nghèo có thành viên là người có công với cách mạng và phụ nữ thuộc hộ nghèo là đối tượng ưu tiên.

Theo Sở LĐ-TBXH tỉnh, Chương trình sẽ hướng đến giảm 80% hộ nghèo trên tổng số hộ nghèo đầu giai đoạn 2022 - 2025 (mỗi năm giảm từ 17 - 35% hộ nghèo). Bảo đảm thực hiện đầy đủ, kịp thời các chế độ, chính sách, dự án thuộc Chương trình giảm nghèo theo quy định nhằm nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người nghèo, hộ nghèo. Phấn đấu số hộ nghèo cuối năm 2025 còn dưới 20% so với đầu giai đoạn 2022 - 2025.

Để thực hiện được mục tiêu trên, tỉnh dành tổng nguồn vốn thực hiện Chương trình giai đoạn 2022 - 2025 là hơn 77,5 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách tỉnh hơn 54,5 tỷ đồng và vốn đối ứng, huy động, lồng ghép gần 22,3 tỷ đồng. Bên cạnh đó, UBND cấp huyện, xã có giải pháp huy động nguồn lực hợp pháp khác để cùng với nguồn lực ngân sách nhà nước thực hiện Chương trình giảm nghèo bảo đảm hiệu quả.

Đây được xem là trợ lực để người dân vươn lên xây dựng cuộc sống, tiến tới thoát nghèo trong giai đoạn 2022 - 2025.

Tin cùng chuyên mục
Ghi ở Sủa Cán Tỷ

Ghi ở Sủa Cán Tỷ

Theo chân Phó Chủ tịch xã Cán Tỷ - Sùng Mí De (huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Giang) chúng tôi tới thôn Sủa Cán Tỷ làm công tác chuẩn bị cho Ngày Hội Đại đoàn kết toàn dân. Trong lúc chuyện trò cùng trưởng thôn Vàng Chứ Lềnh về sự đổi thay của thôn bản, ông ngỏ lời mời tôi lên thăm nhà của Lù Mí Thánh – Một trong 3 hộ dân của thôn được Nhà nước hỗ trợ xây dựng nhà ở kiên cố trong năm 2023.