Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Công tác Dân tộc

Đồng Nai: Ngày càng có nhiều gia đình tiêu biểu trong đồng bào DTTS

Lê Vũ - 10:41, 26/07/2023

Trong thời gian qua, trên địa bàn tỉnh Đồng Nai xuất hiện ngày càng nhiều những hộ gia đình người DTTS tiêu biểu điển hình tiên tiến trên các lĩnh vực, qua đó, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh - quốc phòng, giữ gìn bản sắc văn hóa của địa phương.

Ông Nguyễn Văn Khang - Trưởng ban Dân tộc tỉnh Đồng Nai trao tặng Giấy khen cho các gia đình DTTS tiêu biểu tại Hội nghị biểu dương năm 2023
Ông Nguyễn Văn Khang - Trưởng ban Dân tộc tỉnh Đồng Nai trao tặng Giấy khen cho các gia đình DTTS tiêu biểu tại Hội nghị biểu dương năm 2023

Theo Ban Dân tộc tỉnh Đồng Nai, việc triển khai tốt công tác dân tộc trong những năm gần đây, đã góp phần tích cực làm thay đổi rõ nét diện mạo vùng DTTS tại tỉnh Đồng Nai. Đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào được nâng lên từng bước, tỷ lệ hộ nghèo giảm rõ rệt (năm 2009 toàn tỉnh có 4.833 hộ nghèo DTTS, đến cuối năm 2021 toàn tỉnh còn 696 hộ nghèo DTTS), văn hoá truyền thống được bảo tồn, phát huy, đồng bào yên tâm lao động, sản xuất, phấn khởi tin tưởng vào chủ trương, đường lối lãnh đạo của Đảng và chính sách pháp luật của Nhà nước.

Tại các địa phương xuất hiện ngày càng nhiều những hộ gia đình DTTS văn hóa, tiêu biểu, luôn tiên phong trong các phong trào thi đua yêu nước, phát triển sản xuất, giữ gìn văn hoá truyền thống.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 640/685 ấp, khu phố có đồng bào DTTS sinh sống đạt chuẩn văn hoá (đạt tỷ lệ 93,4%); có 63.235/ 64.525 hộ gia đình đồng bào DTTS đạt chuẩn gia đình văn hóa (chiếm tỷ lệ 98%). Phong trào xây dựng gia đình văn hóa đã được đồng bào DTTS hưởng ứng tích cực với nhiều mô hình, câu lạc bộ hoạt động hiệu quả.

Tiêu biểu như gia đình ông Thổ Mỳ (dân tộc Chơ Ro) ở ấp 1, xã Xuân Quế, huyện Cẩm Mỹ. Gia đình ông luôn chấp hành và vận động người thân, quần chúng Nhân dân, đặc biệt là bà con DTTS chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, thực hiện nếp sống văn minh, xóa bỏ hủ tục. Bản thân ông thường xuyên tham gia cùng chính quyền vận động bà con thực hiện phong trào nông thôn mới, vận động bà con DTTS đóng góp lắp đặt đèn chiếu sáng ban đêm cho an toàn thôn ấp, nhiều năm liền, gia đình ông đều đạt danh hiệu gia đình văn hóa, con cái đều học hành và có công việc ổn định.

Hay như gia đình già làng Hùng Văn Xứng (dân tộc Chơ Ro) tại ấp Hòa Bình, xã Xuân Phú, huyện Xuân Lộc, với vai trò là già làng - Người có uy tín trong vùng đồng bào DTTS ông luôn là cầu nối quan trọng giữa cấp ủy, chính quyền với Nhân dân địa phương. Gia đình luôn gương mẫu thực hiện tiên phong phát triển kinh tế gia đình, đồng thời vận động, hướng dẫn bà con áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào lao động sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp. 

Ông đến từng hộ gia đình, vận động nhiều thanh niên là con em đồng bào, tham gia học nghề trong các cơ sở đào tạo để có tay nghề vào làm việc trong các công ty, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất đóng trên địa bàn tỉnh, từ đó góp phần làm cho đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào DTTS nơi ông cư trú có nhiều thay đổi tích cực.

Già làng, Người có uy tín Hùng Văn Xứng đang hướng dẫn bà con kỹ thuật chăn nuôi (Ảnh BDT ĐN)
Già làng, Người có uy tín Hùng Văn Xứng đang hướng dẫn bà con kỹ thuật chăn nuôi (Ảnh BDT ĐN)

Ngoài ra, ông luôn quan tâm việc tuyên truyền cho đồng bào nâng cao nhận thức về vai trò, ý nghĩa của giáo dục, nuôi dạy con cái, chăm sóc sức khỏe gia đình và cộng đồng. Vận động các gia đình đưa các cháu trong độ tuổi đi học đến lớp, đến trường yên tâm học tập, đặc biệt quan tâm giúp đỡ các cháu thuộc diện hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn để các cháu được đến trường học đúng độ tuổi.

Năm 2022, ông được Chủ tịch UBND tỉnh tuyên dương tại buổi lễ Tuyên dương Người có uy tín, nhân sĩ trí thức, doanh nhân, hộ sản xuất kinh doanh giỏi DTTS tiêu biểu tỉnh Đồng Nai, lần thứ II năm 2022 và Bằng khen tại lễ tổng kết phong trào thi đua yêu nước năm 2022.

Ông Nguyễn Văn Khang - Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Đồng Nai cho biết: Hiện nay trên địa bàn tỉnh có khoảng 1.000 người nhân sĩ trí thức là đồng bào DTTS đang hoạt động trong nhiều lĩnh vực. Đảng viên người DTTS là 1.425 người. Đại biểu HĐND các cấp là 157 người. Các gia đình DTTS luôn đóng vai trò quan trọng trong việc tham gia các hoạt động xây dựng Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể. 

Nhằm ghi nhận những đóng góp thiết thực cho địa phương trong thời gian qua, Ban Dân tộc tỉnh cũng đã tham mưu cho UBND tỉnh, tổ chức Hội nghị biểu dương khen thưởng gia đình DTTS tiêu biểu vào tháng 6 năm 2023 để kịp thời động viên bà con. 

Là một trong những gia đình DTTS tiêu biểu được biểu dương vừa qua, ông Vi Văn Quang (dân tộc Thái) ở ấp 7, xã Bàu Cạn, huyện Long Thành chia sẻ: "Được tuyên dương, tôi vui lắm chứ, nhưng tôi nghĩ việc làm của tôi và gia đình cũng không phải quá lớn lao gì. Tôi là người lớn trong nhà thì phải làm gương cho con cháu, là Người có uy tín được cộng đồng bầu lên thì tôi càng phải làm gương cho cộng đồng”.

Ông Vi Văn Quang đang chia sẻ với phóng viên bên lề Hội nghị biểu dương gia đình DTTS tiêu biểu tỉnh Đồng Nai năm 2023
Ông Vi Văn Quang chia sẻ với phóng viên bên lề Hội nghị biểu dương gia đình DTTS tiêu biểu tỉnh Đồng Nai năm 2023

Được biết, ông Quang và gia đình luôn đi đầu tại địa phương trong tất cả các phong trào văn nghệ, thể thao, đặc biệt là các hoạt động bảo tồn văn hóa truyền thống dân tộc. Ông cũng là người tích cực vận động bà con DTTS tại ấp 7, đóng góp sửa chữa 200m đường giao thông thông thôn của ấp, với số tiền 35 triệu đồng.

Còn rất nhiều những câu chuyện tốt, câu chuyện ý nghĩa về các gia đình DTTS tiêu biểu mà chúng tôi đã được nghe. Như gia đình ông K’ Mỹ (dân tộc Mạ), Bí thư chi bộ, trưởng ban công tác Mặt trận khu phố Hiệp Nghĩa, thị trấn Định Quán. Gia đình ông đã được UBND huyện tặng Giấy khen “Hộ sản xuất kinh doanh giỏi trong vùng đồng bào DTTS”. Con gái Ká Tuyết được Ban Chấp hành Trung ương Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tặng Bằng khen “Thiếu nhi tiêu biểu các dân tộc toàn quốc lần thứ IV, năm 2022”.

Hay như trường hợp của gia đình ông Lương Văn Trường (dân tộc Tày), vốn từ nơi khác đến lập nghiệp tại khu vực Láng Bồ thuộc ấp 3 xã Tà Lài, huyện Tân Phú, mặc dù nhiều khó khăn, nhưng gia đình vẫn luôn giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc, ông vẫn động viên các con tình nguyện tham gia nghĩa vụ quân sự. Tích cực lao động, trồng trọt, chăn nuôi, gia đình ông ngày càng phát triển ổn định về kinh tế. Hiện gia đình có đến 4 thế hệ đều chung sống trong một mái nhà hòa thuận, đầm ấm.

Gia đình ông Lương Văn Trường có đến 4 thế hệ đều chung sống trong một mái nhà hoà thuận, đầm ấm (Ảnh NV)
Gia đình ông Lương Văn Trường có đến 4 thế hệ đều chung sống trong một mái nhà hoà thuận, đầm ấm (Ảnh NV)

Có thể thấy, ngoài việc chủ động tìm kiếm các mô hình làm kinh tế để ổn định đời sống và hỗ trợ, giúp đỡ chòm xóm xung quanh, hầu hết các gia đình DTTS đều ý thức cao trong việc xây dựng lối sống kỷ cương, nề nếp, thuận hoà. Từ đó, góp phần phát huy các giá trị vốn có của gia đình DTTS trên địa bàn tỉnh nói riêng và bản sắc văn hóa tốt đẹp của gia đình Việt Nam nói chung.

Tin cùng chuyên mục
Chương trình MTQG 1719 góp phần thay đổi vùng đồng bào DTTS huyện Đăk Hà

Chương trình MTQG 1719 góp phần thay đổi vùng đồng bào DTTS huyện Đăk Hà

Triển khai thực hiện các chính sách dân tộc, đặc biệt là Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I: Từ năm 2021 – 2025 (gọi tắt là Chương trình MTQG 1719) đã làm đổi thay toàn diện đời sống kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS huyện Đăk Hà (Kon Tum). Tạo nên những bước chuyển biến sâu sắc và tích cực trong tư tưởng, nhận thức, đời sống của các tầng lớp Nhân dân trên địa bàn huyện nói chung và trong vùng đồng bào DTTS nói riêng.