Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Kinh tế

Đồng Nai: Tăng cường hiệu quả vốn vay ưu đãi

Phương Linh - 7 giờ trước

Trong bối cảnh nền kinh tế ngày càng hội nhập và phát triển mạnh mẽ, công tác giảm nghèo và nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân tại tỉnh Đồng Nai luôn là ưu tiên hàng đầu của chính quyền địa phương. Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) tỉnh Đồng Nai đã đóng vai trò quan trọng trong việc triển khai các chương trình tín dụng ưu đãi, góp phần tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội và giảm nghèo bền vững.

Nhờ giải ngân kịp thời tại các Điểm giao dịch xã, nhiều hộ vay trên địa bàn huyện Trảng Bom (Đồng Nai) đã vươn lên thoát nghèo, làm giàu
Nhờ giải ngân kịp thời tại các Điểm giao dịch xã, nhiều hộ vay trên địa bàn huyện Trảng Bom (Đồng Nai) đã vươn lên thoát nghèo, làm giàu

Hiệu quả từ vốn vay ưu đãi

Chương trình tín dụng ưu đãi không chỉ giúp người dân duy trì cuộc sống, mà còn giúp họ vươn lên thoát nghèo và có thêm cơ hội làm giàu. Theo báo cáo, trong năm 2024 tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh Đồng Nai đã giảm từ 0,3% xuống còn 0,26%, hộ cận nghèo giảm từ 0,03% xuống còn 0,02%.

Một trong những câu chuyện tiêu biểu về hiệu quả sử dụng vốn tín dụng ưu đãi tại Đồng Nai, là gia đình anh Nguyễn Văn Tiến ở ấp Trung Tâm, xã Thanh Bình, huyện Trảng Bom. Trước đây, gia đình anh Tiến sống trong điều kiện khó khăn, thuộc đối tượng hộ nghèo của xã, với nguồn thu nhập chủ yếu từ việc trồng chuối cấy mô. Tuy nhiên, do sản xuất nhỏ lẻ và thiếu vốn, thu nhập của gia đình anh không ổn định.

Năm 2020, nhờ được vay 50 triệu đồng từ NHCSXH nguồn vốn hộ nghèo, gia đình anh đã đầu tư vào việc trồng chuối cấy mô, đến năm 2023 hết hạn anh Tiến trả hết nợ và tiếp tục vay lại 50 triệu đồng để tái sản xuất. Đến nay, gia đình anh Tiến đã có kinh tế ổn định hơn và thu nhập hằng năm từ việc bán chuối hơn 200 triệu đồng. 

Anh Tiến cho biết: "Vốn vay từ NHCSXH đã giúp gia đình tôi có cơ hội thay đổi cuộc sống, mở rộng sản xuất và ổn định thu nhập. Chúng tôi còn vay thêm 20 triệu đồng để xây dựng công trình vệ sinh và công trình nước sạch cho gia đình sử dụng".

Gia đình ông Đỗ Trọng Tráng ở xã Bàu Cạn, huyện Long Thành đã “ đổi đời""
Gia đình ông Đỗ Trọng Tráng ở xã Bàu Cạn, huyện Long Thành đã “đổi đời"

Tương tự như gia đình ông Tráng ở xã Bàu Cạn, huyện Long Thành. Trước đây, gia đình ông rất khó khăn về kinh tế, thiếu nguồn vốn để chăn nuôi và trồng trọt. Năm 2023, gia đình ông Tráng được tiếp cận nguồn vốn vay 80 triệu đồng từ Chương trình vay vốn Hỗ trợ tạo việc làm duy trì và mở rộng việc làm của Phòng giao dịch Ngân hàng chính sách xã hội huyện Long Thành, ông đã có vốn để mua giống tằm và trồng dâu, làm chuồng trại. 

Nhờ sử dụng nguồn vốn đúng mục đích, áp dụng kỹ thuật hiệu quả trong chăn nuôi, cùng với sự siêng năng, cần cù của hai vợ chồng, gia đình ông Tráng đã có thêm nguồn thu nhập 10 triệu đồng/1 tháng từ việc bán tằm. Nhờ nguồn vốn này đã giúp gia đình ông Tráng dần dần cải thiện đời sống.

Một trong những yếu tố quan trọng giúp NHCSXH tỉnh Đồng Nai đạt được hiệu quả cao trong công tác cho vay, là sự phối hợp chặt chẽ giữa ngân hàng, chính quyền địa phương và các tổ chức chính trị - xã hội như Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên. Các tổ chức này đã đóng vai trò quan trọng trong việc tuyên truyền, hướng dẫn và giám sát việc sử dụng vốn vay của người dân.

Giám đốc NHCSXH tỉnh Đồng Nai Lê Bá Chuyên cho biết: Trong 4 tháng đầu năm 2025, tổng doanh số cho vay đạt 934.175 triệu đồng, bằng 118,0% so với cùng kỳ năm 2024, với 15.125 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách vay vốn. Đến 30/04/2025, tổng dư nợ đạt 6.184.191 triệu đồng với 127.674 hộ vay, tăng 391.996 triệu đồng, tỷ lệ tăng trưởng dư nợ đạt 6,77%.

Qua đó, đã góp phần cùng với các giải pháp của các cấp, các ngành duy trì và tạo việc làm mới cho 7.785 lao động; giúp 6.132 hộ gia đình khu vực nông thôn xây dựng, cải tạo 6.132 công trình nước sạch và 6.109 công trình nhà vệ sinh; 545 lượt học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn vay vốn để trang trải học tập; 562 hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo vay vốn để tổ chức sản xuất kinh doanh; giải quyết việc làm 33 người chấp hành xong án phạt tù. 

Nguồn vốn TDCSXH đã góp phần tích cực cùng các cấp, các ngành trong thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, đảm bảo an sinh xã hội, trật tự an toàn xã hội và phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh.

Chương trình cho vay qua các tổ chức chính trị - xã hội đã giúp nguồn vốn ưu đãi đến đúng đối tượng, đúng mục đích và đảm bảo tính minh bạch, công khai. Các tổ chức này còn thực hiện việc bình xét và hỗ trợ người vay trong việc lập kế hoạch sản xuất, đồng thời tăng cường giám sát để tránh tình trạng nợ xấu.

Khu vực trưng bày, quảng bá sản phẩm của Cơ sở Phúc Bảo - chuyên sản xuất, kinh doanh trà Phú Hội đạt chuẩn OCOP ở xã Phú Hội, huyện Nhơn Trạch (Đồng Nai) được sự hỗ trợ vốn từ NHCSXH
Khu vực trưng bày, quảng bá sản phẩm của Cơ sở Phúc Bảo - chuyên sản xuất, kinh doanh trà Phú Hội đạt chuẩn OCOP ở xã Phú Hội, huyện Nhơn Trạch (Đồng Nai) được sự hỗ trợ vốn từ NHCSXH

Đẩy mạnh Chuyển đổi số trong hoạt động tín dụng chính sách

Trong những năm gần đây, NHCSXH tỉnh Đồng Nai đã tích cực đẩy mạnh công tác chuyển đổi số, áp dụng công nghệ thông tin trong quản lý tín dụng, nhằm nâng cao hiệu quả công việc và phục vụ người dân nhanh chóng, chính xác. Việc ứng dụng phần mềm quản lý tín dụng chính sách tại các điểm giao dịch xã giúp tiết kiệm thời gian, giảm thiểu sai sót và tăng cường tính minh bạch trong công tác cho vay.

Giám đốc NHCSXH tỉnh Đồng Nai Lê Bá Chuyên cho biết: “Chúng tôi sẽ tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số trong toàn hệ thống, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trong việc tiếp cận vốn vay. Việc áp dụng công nghệ sẽ giúp giảm bớt thủ tục hành chính, tiết kiệm chi phí và thời gian cho người dân, đồng thời tăng cường khả năng giám sát và quản lý của ngân hàng”.

Với mục tiêu nâng cao chất lượng tín dụng và đảm bảo nguồn vốn kịp thời cho các đối tượng chính sách, NHCSXH tỉnh Đồng Nai đã và đang tích cực tham mưu với các cấp chính quyền để tăng cường nguồn vốn ủy thác từ ngân sách địa phương. Các chương trình vay vốn sẽ được tiếp tục mở rộng, đặc biệt là tại các huyện khó khăn, vùng sâu, vùng xa, nơi có tỷ lệ hộ nghèo cao.

Trong năm 2025, NHCSXH tỉnh Đồng Nai sẽ tập trung nguồn lực cho các chương trình vay hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp, tạo việc làm cho người lao động, hỗ trợ phát triển kinh tế khởi nghiệp... Mục tiêu là giúp người dân, đặc biệt là các hộ nghèo, có thể phát triển sản xuất bền vững, vươn lên thoát nghèo và làm giàu.

Với những kết quả đạt được trong việc triển khai các chương trình tín dụng ưu đãi, NHCSXH tỉnh Đồng Nai, đã thực sự trở thành điểm tựa vững chắc cho người nghèo và các đối tượng chính sách. Sự hỗ trợ từ ngân hàng không chỉ giúp người dân nâng cao chất lượng cuộc sống, mà còn góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Trong tương lai, NHCSXH tỉnh Đồng Nai tiếp tục khẳng định vai trò của mình trong công tác giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới và phát triển bền vững.

Tin cùng chuyên mục
Bình Thuận: Chuẩn bị đưa hàng Việt về miền núi

Bình Thuận: Chuẩn bị đưa hàng Việt về miền núi

Sở Công Thương Bình Thuận vừa xây dựng Kế hoạch tổ chức Phiên chợ hàng Việt về miền núi tại huyện Hàm Thuận Bắc năm 2025, dự kiến diễn ra từ ngày 30/5 - 1/6. Đây cũng là hoạt động hưởng ứng thực hiện chủ trương Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” do Bộ Chính trị phát động thông qua việc đưa hàng Việt về nông thôn, miền núi, hải đảo trên địa bàn tỉnh Bình Thuận.