Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Giáo dục

Đợt 1 Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2021: Hoàn thành mục tiêu kép

P. Ngọc - 20:05, 08/07/2021

Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2021, đợt 1 đã kết thúc chiều nay (8/7) sau khi các thí sinh hoàn thành bài thi Ngoại ngữ. Mặc dù chịu nhiều tác động của dịch Covid-19 nhưng Kỳ thi vẫn diễn ra suôn sẻ, thực hiện được mục tiêu an toàn, chất lượng.

Các thí sinh tham dự Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021
Các thí sinh tham dự Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021

Sau 2 ngày thi, các thí sinh tham dự Kỳ thi đã hoàn thành các môn thi: Ngữ văn, Toán, bài thi tổ hợp Khoa học tự nhiên (Vật lý, Hóa học, Sinh học), hoặc bài thi tổ hợp Khoa học xã hội (Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân), Ngoại ngữ.

Ngay sau khi môn thi cuối cùng của Kỳ thi tốt nghiệp THPT kết thúc vào chiều nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đã tổ chức họp báo thông tin cụ thể về tình hình tổ chức Kỳ thi.

Theo ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD&ĐT) cho biết, để chuẩn bị cho Kỳ thi Bộ GD&ĐT đã thành lập Ban Chỉ đạo cấp quốc gia Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 và phân công trách nhiệm cho các thành viên Ban Chỉ đạo; đã ban hành đầy đủ quy chế và hệ thống các văn bản hướng dẫn tổ chức Kỳ thi. Bộ cũng đã chủ động gửi công văn đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các bộ, ngành và cơ quan liên quan phối hợp chuẩn bị tổ chức tốt Kỳ thi.

Tất cả các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã thành lập Ban Chỉ đạo thi cấp tỉnh, có đầy đủ các sở, ban, ngành liên quan tham gia. Nhiều tỉnh đã thành lập Ban Chỉ đạo thi cấp huyện. Ban Chỉ đạo đã phân công, giao nhiệm vụ, trách nhiệm rất cụ thể, rõ ràng cho từng tổ chức, cá nhân tham gia. Nhiều tỉnh đã ban hành Chỉ thị của Ban Thường vụ tỉnh ủy, Thành ủy hoặc Chỉ thị của Chủ tịch UBND tỉnh về việc tổ chức Kỳ thi; qua đó, đã huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc cùng tham gia tổ chức, hỗ trợ tổ chức Kỳ thi tại địa phương.

Các bộ, ngành liên quan, nhất là Bộ Y tế và Bộ Công an và đã tích cực phối hợp triển khai các giải pháp đảm bảo an toàn phòng chống dịch bệnh Covid-19 và bảo đảm an ninh, an toàn cho các khâu tổ chức Kỳ thi. Trung ương Hội Sinh viên Việt Nam và tổ chức Đoàn TNCS Hồ Chí Minh ở các địa phương đã tích cực triển khai chương trình “Tiếp sức mùa thi”, tham gia đảm bảo an ninh, an toàn và hỗ trợ thí sinh dự thi,… 

Theo đánh giá của thí sinh, giáo viên và dư luận xã hội, đề thi bám sát chuẩn kiến thức, kỹ năng của chương trình, không đánh đố thí sinh, có độ phân hóa hợp lý, đáp ứng được mục đích xét tốt nghiệp THPT và xét tuyển đại học, cao đẳng.

Các thí sinh vui mừng, phấn khởi với kết quả làm bài thi
Các thí sinh vui mừng, phấn khởi với kết quả làm bài thi

Em Quàng Văn Thảo, Trường THPT Thanh Nưa, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên nhận xét: Nhìn chung đề thi các môn năm nay vừa sức, không quá khó. Ngay khi đọc đề thi, em đã thở phào nhẹ nhõm. Mặc dù đề thi có tính phân loại, nhưng cũng không làm quá khó đối với thí sinh.

Kỳ thi này, có 2233 điểm thi; 43.139 phòng thi. Các điểm thi đặt tại địa phương nơi thí sinh theo học đã giúp thí sinh không phải di chuyển xa, không phải lo chỗ ăn ở, tạo tâm thế bình tĩnh, tự tin hơn khi làm bài, đồng thời không gây áp lực về giao thông tại các thành phố lớn.

Tổng số thí sinh dự  Kỳ thi THPT đợt 1 là 981.773 thí sinh, đạt tỷ lệ 96,13% so với tổng số thí sinh đăng ký dự thi ban đầu. Số thí sinh vi phạm Quy chế thi và bị đình chỉ thi là 18. Không có cán bộ vi phạm quy chế thi. Tổng số thí sinh bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nên không thể dự thi chiếm tỷ lệ 2,31%.

Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, các điểm thi, cán bộ, giáo viên, thí sinh thi tốt nghiệp THPT thực hiện nghiêm quy định phòng, chống dịch.

Có thể thấy, vai trò chủ động của các địa phương đã được thể hiện rõ nét trong các quyết định về phương án tổ chức Kỳ thi trên địa bàn. Các địa phương đã chuẩn bị đầy đủ các điều kiện về nhân lực, cơ sở vật chất, trang thiết bị để tổ chức Kỳ thi. Đặc biệt, có các phương án sẵn sàng đối phó với dịch bệnh bùng phát ngay trong quá trình diễn ra Kỳ thi. Điều này đã giúp cho học sinh, phụ huynh yên tâm hơn.

Đến thời điểm này, Kỳ thi đã hoàn thành, đảm bảo mục tiêu kép và đúng quy định.

Tin cùng chuyên mục
Đắk Lắk: Đầu tư, đổi mới phương pháp giáo dục phù hợp với điều kiện học tập, bản sắc văn hóa truyền thống

Đắk Lắk: Đầu tư, đổi mới phương pháp giáo dục phù hợp với điều kiện học tập, bản sắc văn hóa truyền thống

Thực hiện Dự án 5 về Phát triển giáo dục đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, Chương trình MTQG phát triển kinh tế -xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi (Chương trình MTQG 1719), tỉnh Đắk Lắk đã phân bổ khoảng 173 tỷ đồng đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị dạy học cho các trường phổ thông dân tộc nội trú, trường phổ thông dân tộc bán trú. Đồng thời, quan tâm đổi mới giáo dục, phương pháp giảng dạy phù hợp với ngôn ngữ, văn hóa của từng dân tộc.