Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Xã hội

Dự án 8 thay đổi “nếp nghĩ, cách làm” cho phụ nữ DTTS huyện Văn Lãng

Văn Hoa - 11:19, 18/11/2024

Triển khai thực hiện Dự án 8, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế, xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, Hội LHPN huyện Văn Lãng (Lạng Sơn) đã tích cực xây dựng và nhân rộng các mô hình thay đổi “nếp nghĩ, cách làm” nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ, góp phần tác động tích cực môi trường sống trên địa bàn huyện.

Phụ nữ chung tay vệ sinh đường làng ngõ xóm, tạo môi trường, cảnh quan xanh, sạch, đẹp
Phụ nữ chung tay vệ sinh đường làng ngõ xóm, tạo môi trường, cảnh quan xanh, sạch, đẹp

Có dịp về với xã biên giới Thanh Long, chúng tôi ấn tượng đặc biệt bởi tất cả các con đường liên thôn, liên xóm, từ ngõ nhỏ đến các tuyến trục đường chính đều được dải bê tông và không hề có đất, rác; nhiều tuyến đường được trồng hoa tươi tắn và treo cờ Tổ quốc một cách trang trọng.

Theo chị Hoàng Ngọc Tuyết, Chủ tịch Hội LHPN xã Thanh Long, qua quá trình triển khai thực hiện Dự án 8, các chị em phụ nữ đều nhận thức rõ vai trò của mình trong phát triển kinh tế gia đình và có trách nhiệm với cộng đồng, xã hội. Theo đó, xã Thanh Long có 12 thôn, các thôn đều thực hiện tổng vệ sinh môi trường 1 lần/ tháng (thường thì vào chủ nhật đầu tiên của tháng). Nhờ đó, hầu khắp các con đường từ trục chính của xã đến các ngõ nhỏ của thôn đều được vệ sinh sạch sẽ.

Chủ tịch Hội LHPN xã Thanh Long Hoàng Ngọc Tuyết nhấn mạnh, sau khi triển khai thực hiện Dự án 8, thông qua các mô hình, các cuộc vận động, các buổi tập huấn về hỗ trợ ứng dụng khoa học công nghệ nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ đã giúp chị em phụ nữ thay đổi rõ rệt trong nhận thức và hành động.

Cụ thể, chị em phụ nữ nhận thức rõ vai trò của mình trong phát triển kinh tế gia đình, họ tự tin khẳng định năng lực của bản thân trong phát triển kinh tế, làm chủ cuộc sống, nhiều chị phụ nữ đã chủ động chăn nuôi, kinh doanh hiệu quả, cho thu nhập cao; họ tự tin khẳng định tiếng nói và đóng góp của mình trong cộng đồng, cùng chung tay bảo vệ môi trường, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa…

Các chị em phụ nữ thôn Nà Danh, xã Hồng Thái chăm sóc con đường hoa
Các chị em phụ nữ thôn Nà Danh, xã Hồng Thái chăm sóc con đường hoa

Tương tự, thôn Nà Danh, xã Hồng Thái, có 48 hộ với 190 nhân khẩu. Mô hình CLB “Chi hội phụ nữ 3 sạch bảo vệ môi trường” của thôn Nà Danh được thành lập với 39 thành viên là hội viên phụ nữ tham gia. 

Mô hình hoạt động xã hội tự nguyện, tập hợp cán bộ hội viên phụ nữ trao đổi thông tin, nâng cao kiến thức, hiểu biết và năng lực tổ chức các hoạt động tuyên truyền tại thôn Nà Danh, cho người dân cộng đồng đặc biệt là hội viên, phụ nữ về các chủ trương, Nghị quyết của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, tập trung vận động hỗ trợ, giúp đỡ chị em phụ nữ thực hiện tốt nội dung 3 sạch (sạch bếp, sạch nhà, sạch ngõ).

Mô hình được thành lập đã góp phần xây dựng cảnh quan ngày càng “sáng – xanh- sạch- đẹp”. Hội viên phụ nữ cũng như người dân, ngày càng có ý thức về bảo vệ môi trường, nâng cao chất lượng cuộc sống, thực hiện các tiêu chí về môi trường, về xây dựng nông thôn mới của địa phương.

Theo bà Đặng Thị Hiền, Chủ tịch Hội LHPN huyện Văn Lãng, với trách nhiệm là cơ quan chủ trì triển khai Dự án 8, Hội LHPN huyện đã vào cuộc quyết liệt, triển khai đồng bộ các hoạt động đã tạo được sức lan toả mạnh mẽ trong đời sống hội viên, giúp phụ nữ chủ động phát triển kinh tế, thay đổi nếp nghĩ, cách làm vươn lên xoá bỏ định kiến, làm chủ cuộc sống.

Qua việc triển khai, thực hiện Dự án 8 góp phần nâng cao nhận thức cho các chị em phụ nữ, giúp chị em phụ nữ “thay đổi nếp nghĩ, cách làm”, thúc đẩy phong trào bảo vệ môi trường. Theo đó, công tác bảo vệ môi trường đã trở thành phong trào, ai cũng ý thức được trách nhiệm của mình để giữ gìn bộ mặt làng quê nông thôn mới sạch, đẹp. 

Những hoạt động tập thể như thế này, đã gắn kết và thể hiện vai trò của phụ nữ trong tham gia thực hiện các hoạt động chính trị - xã hội, góp phần nâng cao đời sống, cùng nhau xây dựng thôn, bản ngày càng khang trang, sạch đẹp.

Qua việc triển khai thực hiện Dự án 8 đã giúp chị em phữ thay đổi nếp nghĩ, cách làm, nâng cao quyền năng cho chị em phụ nữ
Qua việc triển khai thực hiện Dự án 8 đã giúp chị em phữ thay đổi nếp nghĩ, cách làm, nâng cao quyền năng cho chị em phụ nữ

Bên cạnh đó, nhằm cụ thể hóa cuộc vận động thay đổi nếp nghĩ, cách làm, Hội LHPN huyện đã linh hoạt gắn với cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”. Theo đó, các cấp hội phụ nữ huyện Văn Lãng đã tuyên truyền, nâng cao nhận thức của hội viên, phụ nữ về nội dung của cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch, 3 an toàn” bao gồm 11 tiêu chí: “5 không” là không đói nghèo, không vi phạm pháp luật và tệ nạn xã hội, không bạo lực gia đình, không sinh con thứ 3 trở lên, không có trẻ em suy dinh dưỡng và bỏ học; “3 sạch” là sạch nhà, sạch bếp và sạch ngõ; “3 an toàn” là an toàn vệ sinh thực phẩm, an toàn giao thông và an toàn lao động.

Đặc biệt, các cấp hội phụ nữ huyện Văn Lãng đã ra mắt các tổ truyền thông tại cộng đồng. Chỉ trong vòng 2 tháng (tháng 4-5/2023), UBND các xã đã ra quyết định và thành lập lập mới, ra mắt 51 Tổ TTCĐ. Bên cạnh đó, Hội LHPN huyện Văn Lãng đã tổ chức 13 lớp tập huấn nâng cao năng lực cho thành viên của 51 Tổ TTCĐ tại 14 xã. 

Riêng năm 2024, đã thành lập thêm 8 Tổ TTCĐ, nâng tổng số Tổ TTCĐ của huyện là 59 Tổ TTCĐ, vượt chỉ tiêu giao (chỉ tiêu tỉnh giao là 54 Tổ TTCĐ).

Dự án 8 gồm 4 nội dung và hoạt động chính: tuyên truyền vận động thay đổi nếp nghĩ, cách làm, góp phần xoá bỏ các định kiến và khuôn mẫu giới trong gia đình và cộng đồng, những tập tục văn hoá có hại và một số vấn đề xã hội cấp thiết cho phụ nữ và trẻ em; đảm bảo tiếng nói và sự tham gia thực chất của phụ nữ và trẻ em trong các hoạt động phát triển kinh tế, xã hội của cộng đồng, giám sát và phản biện, hỗ trợ phụ nữ tham gia lãnh đạo trong hệ thống chính trị; xây dựng và nhân rộng các mô hình thay đổi nếp nghĩ, cách làm, nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ, thúc đẩy bình đẳng giới; trang bị kiến thức về bình đẳng giới, kỹ năng thực hiện lồng ghép giới cho cán bộ trong hệ thống chính trị, chức sắc tôn giáo và người có uy tín trong cộng đồng.