Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Xã hội

Dự án “Dạy nghề và chữ viết Khmer cho người dân tộc Khmer”: Hiệu quả nhân đôi

Như Tâm - 15:00, 24/09/2019

Dự án “Dạy nghề và chữ viết Khmer cho người dân tộc Khmer tại huyện Cờ Đỏ, TP. Cần Thơ” do Ban Dân tộc TP. Cần Thơ triển khai thực hiện trong 18 tháng (từ tháng 1/2018 đến tháng 6/2019) bước đầu đã hỗ trợ cho hàng trăm đồng bào tham gia thay đổi nhận thức về phương thức sản xuất, tiến dần đến tiếp cận công nghệ cao, đồng thời xóa mù về chữ viết Khmer.

Dự án “Dạy nghề và chữ viết Khmer cho người dân tộc Khmer”: Hiệu quả nhân đôi

Nghề đan lục bình được triển khai tại địa phương.

Dự án có 3 phần việc: Mở lớp dạy chữ Khmer, trồng lúa năng suất cao và dạy nghề đan lục bình. Dự án được triển khai từ tháng 2/2018. Đặc biệt, lớp dạy chữ Khmer (đọc, viết, nói căn bản) đã thu hút đông học viên nên phải chia làm 2 khóa.

Thượng tọa Dương An, Phó Ban Trị sự Phật giáo TP. Cần Thơ, trụ trì chùa Khmer Settođor thị trấn Cờ Đỏ, nơi tổ chức lớp học, phấn khởi cho biết: “Có được dự án này đồng bào nơi đây mừng lắm, ai cũng mong kéo dài thêm cho có nhiều người được học chữ và học nghề.

Theo Thượng tọa Dương An, Dự án còn góp phần thiết thực cho việc gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Khmer về tiếng nói, chữ viết, đồng thời tạo được tinh thần hiếu học của học viên người dân tộc Khmer.

Bên cạnh việc học chữ Khmer, Dự án còn mở lớp dạy trồng lúa năng suất cao hướng đến ứng dụng khoa học công nghệ, thích ứng với biến đổi khí hậu cho 60 học viên là người dân tộc Khmer. Song song các lớp dạy nghề cũng được triển khai. Trong 2 tháng cùng nhau nghiên cứu, học tập, các học viên đã được hướng dẫn các kỹ năng về chọn và sử dụng các loại dụng cụ, nguyên liệu, pha chế, bảo quản các loại nguyên liệu đan lục bình; kỹ năng đan.

Ông Phạm Minh Trung, Phó Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp-Giáo dục thường xuyên huyện Cờ Đỏ cho biết: “Trong thời gian học nghề, các học viên sẽ được hướng dẫn về kỹ thuật trồng lúa năng suất cao: Cách xử lý đất, ngâm ủ giống, kỹ thuật chăm sóc, bón phân, phòng trị bệnh cho lúa, đồng thời đi thực tế tại ruộng lúa bà con đang canh tác và giải đáp những thắc mắc của bà con trong quá trình canh tác”.

Qua các lớp học đã giúp bà con tiếp thu và áp dụng những tiến bộ khoa học vào sản xuất để tăng năng suất và chất lượng sản phẩm, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động và cơ cấu kinh tế, thực hiện tốt Chương trình Mục tiêu quốc gia về giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới tại địa phương.

Lớp dạy nghề đan đã phát huy ngành nghề truyền thống, gắn bó thân thuộc với đời sống sinh hoạt, lao động của bà con, đồng thời, giải quyết việc làm cho lao động nhàn rỗi. Nghề này đang trở thành mô hình sản xuất hiệu quả tại nông thôn, không những mang lại lợi ích kinh tế, mà còn đem lại hiệu quả tích cực cho xã hội, góp phần phát triển kinh tế gia đình, giảm nghèo bền vững.

Ông Lương Văn Trừ, Trưởng ban Ban Dân tộc TP. Cần Thơ nhận định: Qua 18 tháng triển khai thực hiện, Dự án cũng gặp nhiều khó khăn, nhưng Chủ nhiệm Dự án và các học viên đã cố gắng khắc phục, sắp xếp công việc để hoàn thành các khóa học theo như kế hoạch đã đề ra. Các nội dung được tiếp nhận tại các lớp học đã được đồng bào áp dụng thực hiện trong thực tế, mang lại hiệu quả tích cực. Thời gian tới, Dự án sẽ được nhân rộng tiếp tục dạy trong toàn huyện và liên huyện.

Qua 18 tháng triển khai thực hiện, các nội dung được tiếp nhận tại các lớp học đã được đồng bào áp dụng thực hiện trong thực tế, mang lại hiệu quả tích cực. Thời gian tới, Dự án sẽ được nhân rộng tiếp tục dạy trong toàn huyện và liên huyện. (Ông Lương Văn Trừ, Trưởng ban Ban Dân tộc TP. Cần Thơ)