Dự án KĐTM Thới Lai do Công ty CP Tư vấn thiết kế Cadif làm chủ đầu tư, có tổng diện tích gần 10ha, vốn đầu tư hơn 100 tỷ đồng; tổng số hộ dân bị ảnh hưởng di dời là 140 hộ.
Tháng 7/2016, UBND TP. Cần Thơ ban hành Quyết định số 2231/QĐ-UBND phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án. Theo quyết định này, địa điểm thực hiện Dự án là ấp Thới Thuận A, thị trấn Thới Lai, huyện Thới Lai.
Tuy nhiên, vào tháng 12/2017, ông Nguyễn Thành Út, Phó Chủ tịch UBND huyện Thới Lai lại ký ban hành các quyết định để thu hồi đất của người dân tại ấp Thới Thuận B, cũng thuộc thị trấn Thới Lai. Người dân cho rằng, UBND huyện ban hành quyết định thu hồi đất ở một vị trí không có trong quy hoạch được phê duyệt là hoàn toàn trái với quy định pháp luật, nên yêu cầu UBND huyện hủy bỏ quyết định thu hồi đất sai quy định. Đồng thời, chịu trách nhiệm bồi thường tổn thất và thu nhập cho người dân do quyết định ban hành sai quy định gây ra.
Là người bị ảnh hưởng bởi Dự án, ông Nguyễn Hoàng Trung Kiên, ấp Thới Thuận B, bức xúc: “Trong suốt 3 năm qua, bà con kiên trì khiếu nại đến các cấp, thậm chí thưa ra tòa, thì cũng là ngần ấy thời gian Dự án được triển khai thực hiện. Mới đây, UBND huyện Thới Lai cho chúng tôi biết, sẽ thực hiện lại từ đầu quy trình thu hồi đất. Vậy ảnh hưởng, thiệt hại của chúng tôi trong suốt 3 năm qua, ai sẽ chịu trách nhiệm?”.
Tại cuộc họp báo quý II/2020 diễn ra đầu tháng 7, phóng viên đã phản ánh đến ông Dương Tấn Hiển, Phó Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ về vấn đề thu hồi đất “nhầm”, gây thiệt hại cho người dân nằm trong Dự án bị ảnh hưởng suốt trong thời gian dài, thì được ông Hiển lý giải rằng, việc xác định vị trí đất sai là do sai cả hệ thống.
Theo ông Hiển, chủ đầu tư thuê đơn vị tư vấn, khảo sát để lập Dự án trình UBND Thành phố sai ngay từ đầu, dẫn đến sai về sau. Địa chỉ đúng là ấp Thới Thuận B chứ không phải ấp Thới Thuận A. Trong các văn bản ban đầu là ấp Thới Thuận A, đến tháng 2/2018 được điều chỉnh sang ấp Thới Thuận B.
“Quan điểm chỉ đạo của UBND Thành phố là, cái nào sai thì phải sửa sai để thực hiện cho đúng; ra quyết định cho đúng địa chỉ vị trí đất thu hồi ở ấp Thới Thuận B; bảo đảm các quyền lợi của người dân không bị thiệt hại. Thời điểm nào ra quyết định thu hồi đất, thì phải bồi thường theo đúng thời điểm đó về giá, các cơ chế, chính sách, phải áp dụng đầy đủ cho người dân, tránh cho người dân bị thiệt hại”, ông Dương Tấn Hiển khẳng định.
Theo tìm hiểu của phóng viên, bên cạnh thu hồi “nhầm”, thì quá trình giải phóng mặt bằng của Dự án KĐTM Thới Lai còn những bất cập khác, nhất là 59 hộ dân sống dọc tỉnh lộ 922 đi qua ấp Thới Thuận B, thì có 46 hộ đang bức xúc vì cách đền bù giải phóng mặt bằng.
Cụ thể, đất của các hộ dân sử dụng từ trước 1995, nhưng trong 59 hộ dân bị thu hồi đất, chỉ có 2 hộ được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ); 11 trường hợp khác được xét đủ điều kiện được cấp sổ đỏ của Hội đồng đăng ký đất đai - UBND huyện Thới Lai. Với những hộ này, khi thu hồi đất được được bồi thường với giá 6 triệu đồng/m2 và chính sách tái định cư theo quy định. Còn 46 hộ còn lại không đủ điều kiện cấp sổ đỏ chỉ được bồi thường 2,4 triệu đồng/m2.
Các hộ dân nêu thắc mắc, tại sao cùng một loại đất, nhưng chỉ có 13 hộ đủ điều kiện, trong khi đó bản thân cũng đã ở định cư, cũng như kinh doanh, sản xuất từ trước năm 1995 đến nay và nhiều lần yêu cầu ngành chức năng cấp sổ đỏ nhưng đều bị từ chối. Thắc mắc này của người dân xin gửi tới UBND huyện Thới Lai, UBND TP. Cần Thơ.