Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Bạn đọc

Dự án khu du lịch sinh thái ở Vĩnh Linh: Vội vã phá rừng để thi công vì sợ bị thu hồi?

Q. Trâm - H. Quân - 09:32, 27/03/2020

Được giao đất từ nhiều năm, nhưng chủ đầu tư không triển khai dự án, nợ tiền thuê đất rừng. Đến lúc lo lắng bị thu hồi, chủ đầu tư lại ồ ạt thi công trái phép nhằm đối phó; hậu quả, rừng tự nhiên bị xâm phạm.

Nhiều năm ì ạch triển khai dự án, đến nay chưa hoàn thiện thủ tục pháp lý nhưng Công ty Sông Hiền vẫn thực hiện thi công trái phép ở rừng tự nhiên Rú Lịnh
Nhiều năm ì ạch triển khai dự án, đến nay chưa hoàn thiện thủ tục pháp lý nhưng Công ty Sông Hiền vẫn thực hiện thi công trái phép ở rừng tự nhiên Rú Lịnh

Giao đất rồi để không

Dự án (DA) Khu du lịch sinh thái Rú Lịnh, nằm trên địa bàn 2 xã Vĩnh Hòa và Hiền Thành, huyện Vĩnh Linh (Quảng Trị) do Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Du lịch Sông Hiền (gọi tắt là Công ty Sông Hiền) có trụ sở thôn Hiền Lương, xã Vĩnh Thành, huyện Vĩnh Linh làm chủ đầu tư, có tổng vốn hơn 320 tỷ đồng. DA triển khai trên diện tích gần 100ha rừng nguyên sinh Rú Lịnh, được UBND tỉnh Quảng Trị cho chủ đầu tư thuê đất theo Quyết định 568/QĐ-UBND, ngày 24/3/2016; thời hạn thuê đất 30 năm.

Để triển khai DA, 123 hộ dân của 2 xã Vĩnh Hòa và Hiền Thành có đất sản xuất ở vùng đệm Rú Lịnh bị thu hồi. Để giải phóng mặt bằng, chủ đầu tư phải bồi thường cho các hộ dân tổng số tiền hơn 3,1 tỷ đồng.

Nhưng theo tìm hiểu của phóng viên, việc đền bù thu hồi đất cho các hộ dân tiến hành rất chậm. Hiện chủ đầu tư còn nợ tiền của các chủ rừng hơn 150 triệu đồng (xã Hiền Thành gần 90 triệu đồng, xã Vĩnh Hòa hơn 60 triệu đồng). Điều này đã được lãnh đạo địa phương xác nhận. Theo ông Lê Đức Kiêm, Chủ tịch UBND xã Hiền Thành, việc Công ty Sông Hiền nợ tiền thuê đất rừng là có thực. Họ cam kết đến ngày 25/3/2020 sẽ trả.

Đáng bàn hơn, dù đã được giao đất nhưng chủ đầu tư rất ì ạch trong triển khai DA. Ngày 27/6/2017, quyết định giao đất đã được công bố và chủ đầu tư làm lễ động thổ DA, nhưng từ đó đến nay, DA vẫn… nằm trên giấy!. Suốt gần 4 năm, thấy DA không triển khai, cỏ dại um tùm rất lãng phí nên bà con tranh thủ trồng ngô, sắn.

Ngoài ra, theo tìm hiểu của phóng viên, hiện, DA mới chỉ được cấp chủ trương đầu tư, chưa lập DA chi tiết, chưa có bản vẽ thiết kế, chưa có giấy phép xây dựng, chưa có báo cáo đánh giá tác động môi trường…

Ồ ạt thi công trái phép!

Theo thời hạn, đến tháng 4/2020 mà chủ đầu tư không thực hiện DA sẽ bị tỉnh xem xét thu hồi. Có lẽ vì sợ bị thu hồi nên từ tháng 2/2020, chủ đầu tư cho phương tiện, máy móc san ủi đất, mở đường, lập hàng rào… ở Rú Lịnh khi chưa được phép của cấp có thẩm quyền.

Cụ thể, Công ty đã san gạt đất mép Rú Lịnh dọc Quốc lộ 9Đ; trồng 3,58ha cây dược liệu (cây sâm), 0,59ha cây sim… Việc thi công; san ủi diện tích đất dài hàng trăm mét, rộng 4 - 5m, phải chặt cây, xâm hại đến rừng đặc dụng. Giữa tháng 3/2020, chính quyền các xã cùng các cơ quan, ban ngành của huyện kiểm tra thì việc thi công đã rầm rộ trên diện rộng. Công ty Sông Hiền còn chặn dòng nguồn nước ở 2 hồ chứa nước Rú Lịnh ảnh hưởng nguồn nước tưới nông nghiệp của 2 xã.

Sáng 22/3, trao đổi với phóng viên, ông Lê Đức Kiêm, Chủ tịch UBND xã Hiền Thành xác nhận khi xã và các ban ngành đến kiểm tra, phía công ty không trình được giấy tờ, thủ tục pháp lý nào về việc thi công. Họ cũng không thông báo với chính quyền địa phương về việc thi công DA nên xã gặp khó khăn trong quản lý, giám sát.

Ông Đoàn Văn Phi, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Vĩnh Linh cho biết, đơn vị cùng chính quyền địa phương, cơ quan chức năng kiểm tra thực tế, lập biên bản về sự xâm phạm rừng của Công ty Sông Hiền và báo cáo đến Chi Cục Kiểm lâm tỉnh. Phía chủ đầu tư cũng thừa nhận vi phạm, ký vào biên bản; hồ sơ vụ việc do Công an huyện chủ trì xử lý.

Tin cùng chuyên mục
Thủ phủ cà phê mùa... "canh trộm"!

Thủ phủ cà phê mùa... "canh trộm"!

Vào mùa thu hoạch cà phê với giá cà phê đang ở mức cao kỷ lục, người trồng cà phê Tây Nguyên vui mừng khôn xiết, song họ cũng đang mất ngủ tìm đủ mọi giải pháp “canh trộm”, bảo vệ thành quả lao động của mình. Đồng hành với nông dân, chính quyền, lực lượng Công an, dân phòng cũng có nhiều cách làm giúp nông dân bảo vệ nông sản, góp phần bảo đảm an ninh trật tự tại cơ sở.