Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Bạn đọc

“Bức tử” danh thắng quốc gia ở Vĩnh Lộc (Thanh Hóa): Trách nhiệm thuộc về ai?

Quỳnh Trâm – Thanh Tuấn - 12:03, 03/03/2020

Danh thắng quốc gia Kim Sơn, xã Vĩnh An (Vĩnh Lộc, Thanh Hóa) được ví như “tuyệt tình cốc” của xứ Thanh đang bị xâm hại nghiêm trọng. Điều khó hiểu là hàng loạt công trình hoành tráng, được xây dựng “chui” trong một thời gian dài nhưng không bị phát hiện, ngăn chặn ngay từ đầu, mặc dù danh thắng chỉ cách UBND xã chưa đầy 1 km.

Hình ảnh công nhân vẫn làm việc, hoàn thiện các công trình không phép trong vùng lõi vào ngày 27-2
Hình ảnh công nhân vẫn làm việc, hoàn thiện các công trình không phép trong vùng lõi vào ngày 27-2

Danh thắng bị “bức tử”

Danh thắng quốc gia Kim Sơn nằm chủ yếu trên địa bàn xã Vĩnh An, huyện Vĩnh Lộc; mới được Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa phê duyệt quy hoạch bảo tồn, tôn tạo phát huy di sản với diện tích rộng khoảng 173 ha. Danh thắng được bao bọc bởi 29 ngọn núi đá vôi, có một hệ thống hang động tuyệt đẹp dài khoảng 2 km. Trong hang hiện có 20 bài thơ được khắc trên đá ca ngợi vẻ đẹp Kim Sơn của văn nhân thời phong kiến.

Nhưng nay, ngay tại khu vực được Bộ văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là danh thắng quốc gia từ năm 2009, một loạt công trình nhà hàng, khu nghỉ dưỡng, khu vui chơi, khu lưu trú... xây dựng tràn lan. Ngoài ra, nhiều công trình đang xây dựng dang dở, tiếng đục đẽo, cưa xẻ, tiếng gò hàn... vang vọng cả núi rừng.

Dọc đường vào động Kim Sơn, nhiều đoạn núi đá hoang sơ trước đây đã bị đục phá, đào xới để nhường chỗ cho những công trình bê-tông cốt thép. Nhiều tảng đá chưa dọn dẹp nằm ngổn ngang khắp nơi.

Gần đây, khi dư luận lên tiếng, UBND huyện Vĩnh Lộc mới chỉ đạo kiểm tra và phát hiện trong vùng lõi danh thắng Kim Sơn có hàng loạt công trình đang xây dựng. Cụ thể, 3 nhà sàn mỗi nhà rộng 130 m2 (trong đó 1 căn đã hoàn thiện, 2 căn đang xây dựng); một nhà hàng khung sắt lợp mái cọ diện tích 450 m2; một nhà bếp rộng 60 m2; 7 nhà xây tường gạch có diện tích mỗi căn là 24 m2 (3 căn đã hoàn thiện); khu vệ sinh 200 m2... Các công trình này đều chưa được các cấp có thẩm quyền cho phép xây dựng.

Không chỉ bị đào xới, xây dựng hàng loạt công trình không phép, nhiều năm qua, danh thắng Kim Sơn còn bị “bức tử” bởi hàng loạt công ty khai thác đá. Tình trạng ô nhiễm môi trường, các hoạt động nổ mìn phá đá đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng.

Bất ngờ với chủ nhân

Ngổn ngang vật liệu xây dựng các công trình không phép tại vùng lõi danh thắng quốc gia Kim Sơn (ảnh chụp ngày 27-2)
Ngổn ngang vật liệu xây dựng các công trình không phép tại vùng lõi danh thắng quốc gia Kim Sơn (ảnh chụp ngày 27-2)

Theo bà Hoàng Thị Thu Hiền, Chánh Văn phòng UBND huyện Vĩnh Lộc, UBND xã Vĩnh An đã giao khu vực này cho Công ty Cổ phần Du lịch danh thắng Kim Sơn do ông Trịnh Đăng Ngọc làm giám đốc. Trong khi đó, ông Hà Tiến Dũng, Chủ tịch UBND xã Vĩnh An, lại cho biết, xã đang hợp đồng với ông Trịnh Văn Thành (người địa phương) nhận thầu bán vé tham quan, trông coi tại khu vực động Kim Sơn.

“Tất cả hạng mục do ông Thành tự ý xây dựng, chứ không phải Công ty Du lịch Kim Sơn. Lúc đầu, chúng tôi chỉ cho ông Thành làm tạm mấy cái lều lán để du khách nghỉ chân uống nước”, ông Dũng nói.

Trao đổi với phóng viên, bà Vũ Thị Hương, Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Lộc, khẳng định, huyện đã chỉ đạo các phòng ban liên quan xuống kiểm tra và phát hiện có nhiều công trình xây dựng trong danh thắng Kim Sơn. UBND tỉnh Thanh Hóa chưa hề cho phép đơn vị này khai thác du lịch tại danh thắng quốc gia Kim Sơn.

"Chúng tôi đã yêu cầu đơn vị dừng thi công, đồng thời phối hợp với Sở VH-TT-DL đi kiểm tra để đưa ra hướng xử lý", bà Hương cho hay.

Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Lộc cho biết, nếu đã xây dựng không phép thì phải tháo dỡ, trả lại nguyên trạng ban đầu cho danh thắng Kim Sơn. Nhưng sau khi thực hiện phá dỡ (nếu có) thì danh thắng Kim Sơn sẽ được khôi phục lại hiện trạng ban đầu như thế nào? Trách nhiệm trong việc một danh thắng quốc gia bị “bức tử” thuộc về ai?

Đây là những câu hỏi xin gửi tới cơ quan chứcnăng tỉnh Thanh Hóa. Báo Dân tộc và Phát triển sẽ theo dõi để thông tin đến bạnđọc.

"Sở đã cử cán bộ xuống kiểm tra và làm việc với UBND huyện, xã và sẽ có báo cáo gửi UBND tỉnh. Về quan điểm và hướng xử lý vụ việc, Sở sẽ có báo cáo gửi báo chí khi có kết quả cụ thể"

Bà Vương Thị Hải Yến, Phó Giám đốc phụ trách Sở văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Thanh Hóa

Tin cùng chuyên mục
Lào Cai: Hàng trăm hộ dân không có sổ đỏ khi đang sinh sống trên đất thổ cư- Trách nhiệm thuộc về ai ?

Lào Cai: Hàng trăm hộ dân không có sổ đỏ khi đang sinh sống trên đất thổ cư- Trách nhiệm thuộc về ai ?

Thời gian gần đây, nhiều hộ dân trên địa bàn xã Tân Thượng, huyện Văn Bàn, tỉnh Lào Cai rất bức xúc khi mảnh đất thổ cư mà gia đình họ sinh sống bao đời nay, không có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) sau thời gian dài cơ quan chức năng thu hồi để thực hiện dự án chuẩn hóa hồ sơ địa chính.