Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sự kiện - Bình luận

Dự lễ Pơ thi ở làng Kép 1

Ngọc Thu - 11:36, 06/03/2023

Tháng 3 Tây Nguyên, khi tiết trời trong trẻo, lúa đã đầy kho cũng là lúc đồng bào Gia Rai ở làng Kép 1 (xã Ia Mơ Nông, huyện Chư Păh, Gia Lai) tổ chức lễ Pơ thi (bỏ mả). Lễ Pơ thi được tổ chức trong 3 ngày, 3 đêm với đầy ắp thanh âm cồng chiêng vang xa “9 suối 10 đồi” cùng men rượu cần nồng nàn tình đất, tình người...

Tháng 3 Tây Nguyên, khi tiết trời trong trẻo, lúa đã đầy kho cũng là lúc đồng bào Gia Rai ở làng Kép 1 (xã Ia Mơ Nông, huyện Chư Păh, Gia Lai) tổ chức lễ Pơ thi
Tháng 3 Tây Nguyên, khi tiết trời trong trẻo, lúa đã đầy kho cũng là lúc đồng bào Gia Rai ở làng Kép 1 (xã Ia Mơ Nông, huyện Chư Păh, Gia Lai) tổ chức lễ Pơ thi

Pơ thi là nghi lễ lớn nhất của dân làng để tiễn đưa linh hồn người thân đã khuất về với Yàng và cũng là giải phóng những ràng buộc giữa người sống với người chết. Một cuộc chia ly lớn của làng với 6 gia đình cùng bỏ mả đã tạo nên một không gian văn hóa truyền thống diễn ra tại làng Kép 1, huyện Chư Păh trong các ngày 2 - 4/3 vừa qua.

Đã lâu lắm rồi, làng Kép 1 mới có một lễ hội với quy mô lớn thế này. Anh em, họ hàng, gia đình thân quyến từ khắp các làng lân cận đã tụ hội đông đủ trong cuộc tiễn đưa lớn nhất. Già làng Rơ Chăm A Nhơm cho biết: “Sau lễ Pơ thi này, mọi ràng buộc, mối liên hệ với người chết coi như chấm dứt, nhà mả này cũng sẽ bỏ đi. Không qua lại thăm nuôi mả nữa. Sau này, làng lại bắt đầu chôn cất người chết ở khu nhà mả khác”.

Khu nhà mồ của làng Kép 1 nằm giữa bốn bề nương rẫy xanh ngát
Khu nhà mồ của làng Kép 1 nằm giữa bốn bề nương rẫy xanh ngát

Theo phong tục của người Gia Rai, khi người chết đi vẫn để lại hồn ma luôn ở bên gia đình. Người sống đi đâu, hồn ma sẽ đi theo đến đó. Người sống ăn gì, hồn ma sẽ ăn nấy. Bởi vậy, người Gia Rai vẫn chuẩn bị sẵn một phần thức ăn cho người chết, cùng tâm sự vui buồn trên phần mộ của người đã khuất. Mọi việc cứ tiếp diễn cho đến khi làm lễ Pơ thi để làm linh hồn họ siêu thoát, tách biệt người sống và người chết.

“Đây mới thực sự là một cuộc chia ly vĩnh viễn của người chết với cõi sống để tái sinh ở một thế giới khác nên Pơ thi trở thành lễ hội lớn nhất, vui nhất mang tính cộng đồng nhất của Tây Nguyên”. Già làng Rơ Chăm A Nhơm cho hay.

Các món ăn truyền thống cho lễ Pơ thi như cơm lam, thịt nướng, cháo… được anh em, họ hàng cùng chuẩn bị.
Các món ăn truyền thống cho lễ Pơ thi như cơm lam, thịt nướng, cháo… được anh em, họ hàng cùng chuẩn bị.

Trong lễ Pơ thi có rất nhiều cung bậc cảm xúc. Đó là những nỗi buồn sâu thẳm, vấn vương không nỡ rời xa. Và có cả những niềm vui từ những cuộc hội ngộ giữa người với người. Trong dịp này, ông Rơ Chăm Viuh cũng bỏ mả cho bà ngoại. Những kỷ vật về người chết, đồ dâng cúng được ông bày ra trên nền nhà mồ. Ông Viuh kể: “Mẹ mình chết gần 20 năm rồi nhưng hôm nay mới bỏ mả cho bà. Vì vậy mình chuẩn bị 1 con trâu, 1 con gà, cơm lam… để bà mang theo về với ông bà, tổ tiên. Hôm nay là ngày cuối mình được nói chuyện với bà. Mình thấy buồn vì không còn mang cơm cho bà nữa nhưng cũng vui vì linh hồn bà đã được về cõi Atâu”. Nói đoạn, ông đi ra chung cuộc vui rượu với đám trai làng. Chốc chốc lại chạy vào ngồi trầm ngâm trong khu nhà mồ.

Những con trâu to, khoẻ được gia đình tổ chức lễ Pơ thi lựa chọn chuẩn bị cho lễ đâm trâu
Con trâu hiến tế tại lễ Pơ thi

Về khuya, trong tiếng gió rì rào vờn trên tán cây đa to lớn che mái nhà mồ, 6 con trâu, bò được các gia chủ đưa đến cột vào những cây cọc gỗ đã cắm thật sâu xuống đất. Dân trong làng bắt đầu sinh hoạt cộng đồng. Giờ đây, lễ hội không còn là của riêng một nhà mà là của cả làng và nhiều làng cùng vui. Tiếng chiêng trống âm vang vào vách núi, tiếng nói chuyện rộn ràng, gọi kéo nhau uống từng cang rượu cần chếnh choáng, chia nhau từng miếng thịt nướng thơm phức…

Đêm nay, dân làng sẽ thức cùng người chết, “cái cồng, con chiêng đêm nay cũng thức” để tấu lên những thanh âm khi dìu dặt khi rộn ràng như tâm trạng buồn, vui khó nói thành lời của gia đình “bỏ mả” trong buổi lễ chia ly. Khi mặt trời ló rạng, những trai tráng trong làng được huy động làm lễ đâm trâu, bò để dâng cho người chết, bày tỏ lòng thành kính với người thân đã mất đi của mình.

Sau khi làm lễ cúng, dân làng cùng đánh cồng chiêng, múa xoang rộn ràng quanh khu nhà mồ
Sau khi làm lễ cúng, dân làng cùng đánh cồng chiêng, múa xoang rộn ràng quanh khu nhà mồ

Với thế hệ trẻ như Rơ Châm H’Vưng (25 tuổi), đây là lần đầu tiên cô được hòa mình vào lễ hội truyền thống lớn nhất, tiêu biểu nhất của người Gia Rai. H’Vưng còn được tham gia chuẩn bị các món ăn truyền thống cho buổi lễ: Như cơm lam, lá cây, chuối tươi, nấu cháo…

Nhanh tay đưa các vật dụng cần thiết vào nhà mồ, H’Vưng cho biết: “Từ nhỏ em đã được nghe cha mẹ kể nhiều về phong tục bỏ mả của đồng bào Gia Rai. Hôm nay, được tận mắt chứng kiến và tự tay chuẩn bị lễ cúng em thấy rất vui và cảm thấy tự hào vì làng Kép còn giữ được lễ hội độc đáo như vậy. Từ đó, em và các bạn trẻ cần nâng cao trách nhiệm giữ gìn các giá trị văn hóa. Đây cũng là dịp em giới thiệu với bạn bè gần xa về nét văn hoá truyền thống của dân tộc mình.

Phụ nữ Gia Rai cùng nhau múa những điệu xoang nhịp nhàng, uyển chuyển quanh nhà mồ
Phụ nữ Gia Rai cùng nhau múa những điệu xoang nhịp nhàng, uyển chuyển quanh nhà mồ

Ấn tượng nhất trong lễ hội là sự xuất hiện 2 Pram (hồn ma). Đây được xem là cầu nối cuối cùng dẫn đưa người chết vĩnh viễn về với cõi Atâu (cõi chết). Đó là 2 chàng trai mạnh khỏe thân thể được hóa trang bằng bùn đất, lá cây và mang mặt nạ. Giữa âm thanh vang vọng, dồn dập của chiêng trống, họ xuất hiện trong sự reo hò, phấn khích của đám đông dân làng. Sau một vòng đi quanh nhà mồ cùng đội xoang và chiêng, họ nhanh chóng biến mất như những hồn ma để lại sự vắng lặng của khu nhà mồ.

Trong lễ hội có sự xuất hiện 2 Pram (hồn ma) là cầu nối cuối cùng dẫn đưa người chết vĩnh viễn về với cõi Atâu (cõi chết)
Trong lễ hội có sự xuất hiện 2 Pram (hồn ma) là cầu nối cuối cùng dẫn đưa người chết vĩnh viễn về với cõi Atâu (cõi chết)

Đây cũng là hoạt động náo nhiệt cuối cùng của buổi lễ. Tàn hội khi bóng chiều ngả trên cây đa xòe tán, mọi người ra về. Lễ hội kết thúc, nỗi buồn cùng niềm vui khép lại. Sau làng Kép 1 sẽ tiếp nối nhiều ngôi làng trên khắp Tây Nguyên tổ chức lễ Pơ thi, bắt đầu mùa “ning nơng” - mùa lễ hội, vui chơi.

Ông Rơ Châm Hyũp, Phó Bí thư Đảng ủy xã Ia Mơ Nông, huyện Chư Păh, cho biết: “Lễ Pơ thi của đồng bào Gia Rai là nét văn hóa đẹp mà bà con lâu nay vẫn gìn giữ qua bao thế hệ. Lễ hội được các làng lần lượt tổ chức với nhiều hoạt động văn hóa truyền thống độc đáo như đánh chiêng, múa xoang, tạc tượng nhà mồ… Để giữ gìn văn hóa truyền thống, Đảng ủy xã đã chỉ đạo chính quyền, đoàn thể tuyên truyền dân làng cùng chung tay giữ gìn nét đẹp văn hóa, tổ chức lễ hội ý nghĩa, tiết kiệm. Lực lượng Công an cũng ngày đêm túc trực nhằm bảo đảm an ninh trong những ngày diễn ra lễ Pơ thi”.