Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sắc màu 54

Thế hệ trẻ người Xơ Đăng gìn giữ văn hóa truyền thống

Lê Hường - 16:52, 17/02/2023

“Bây giờ thanh thiếu niên ở Kon H’rinh đã biết yêu văn hóa dân tộc mình, có ý thức học hỏi để giữ gìn giá trị văn hóa truyền thống. Kon H’Rinh đã có đội chiêng, đội múa trẻ, nhiều thanh thiếu niên biết chơi nhạc cụ truyền thống”. Đó là niềm vui, niềm hạnh phúc của những nghệ nhân tâm huyết, giới chuyên môn và những người yêu văn hóa Xơ Đăng khi về Kon H’rinh, xã Ea Đinh, huyện Cư M’gar, tỉnh Đắk Lắk.

Học sinh hòa cùng vòng xoang cùng các nghệ nhân
Học sinh hòa cùng vòng xoang với các nghệ nhân

Lan tỏa tình yêu văn hóa

Sau 2 năm tạm dừng tổ chức do ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19, đầu năm 2023, đồng bào Xơ Đăng buôn Kon H’Rinh, xã Ea Đinh, huyện Cư M’gar, tỉnh Đắk Lắk lại cùng nhau tổ chức Lễ mừng lúa mới, lễ hội truyền thống quan trọng nhất trong năm của dân tộc Xơ Đăng.

Từ sáng sớm, tất cả người dân trong buôn từ già đến trẻ đều tập trung chuẩn bị cho ngày hội lớn. Đàn ông dựng cây nêu, mang từng bình rượu cần ra lau chùi, quay heo, làm thịt chuột, phụ nữ nướng cơm lam và làm các món ăn truyền thống. Điểm nhấn làm những người yêu văn hóa Xơ Đăng cảm thấy vui chính là, nam nữ thanh thiếu niên khoác lên mình trang phục truyền thống, sẵn sàng hợp xướng những bài chiêng, nhịp xoang và các tiết mục văn hóa, văn nghệ.

Nhiều thanh thiếu niên đánh chiêng, múa xoang tại lễ hội
Nhiều thanh thiếu niên đánh chiêng, múa xoang tại lễ hội

Tích cực tham gia các buổi truyền dạy cồng chiêng của nghệ nhân trong buôn suốt mấy năm qua, đến nay em A Glăk (SN 2007) đã có thể diễn tấu nhiều bài chiêng và trở thành thành viên của đội chiêng trẻ của buôn. 

A Glăk chia sẻ: Từ nhỏ em đã được xem các nghệ nhân diễn tấu cồng chiêng, tham gia các lễ hội của buôn làng nên đã rất thích. Tham gia các lớp học đánh cồng chiêng của các nghệ nhân trong buôn, nghe các nghệ nhân nói về văn hóa truyền thống em càng thêm yêu văn hóa truyền thống của dân tộc mình. Bây giờ em đã có thể cùng đội cồng chiêng của buôn đi biểu diễn ở nhiều nơi, tham gia các hội thi, hội diễn trong và ngoài huyện.

Nghệ nhân A Blôh (SN 1958), một người chỉnh chiêng giỏi của buôn Kon H’rinh chia sẻ: Văn hóa truyền thống của người DTTS Tây Nguyên rất phong phú. Nhiều năm qua, người dân trong buôn luôn gìn giữ, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa đặc sắc của cộng đồng. Nếu như trước đây, đội chiêng chỉ có những người già, thì nay đã có người trung tuổi, người trẻ kế cận, đặc biệt nhiều cháu thanh thiếu niên trong buôn cũng đã biết đánh chiêng, trống, múa xoang, hát dân ca, chơi nhạc cụ truyền thống. Đó là điều tôi vui nhất. Bây giờ tôi chỉ mong thế hệ con cháu trong buôn nâng cao ý thức, tiếp tục giữ gìn văn hóa truyền thống của cha ông.

Học sinh dân tộc Xơ Đăng Trường tiểu học Trung Vương trải nghiệm tại Lễ mừng lúa mới
Học sinh dân tộc Xơ Đăng Trường Tiểu học Trưng Vương trải nghiệm tại Lễ mừng lúa mới

Tiếp tục lan tỏa tình yêu văn hóa truyền thống đến thế hệ trẻ và giáo dục truyền thống đến các em học sinh, Lễ hội năm nay Trường Tiểu học Trưng Vương đóng trên địa bàn buôn Kon H’Rinh đã tổ chức hơn 100 học sinh lớp 5 và các thầy cô giáo tham dự Lễ mừng lúa mới. Các em học sinh cùng người dân trải nghiệm mọi hoạt động của Lễ hội từ chẻ củi, nhóm bếp, làm rau đến tham các nghi thức cúng và múa theo vòng xoang cùng bà con.

Bà Trần Thị Thu Trang - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Trưng Vương chia sẻ: Học sinh của trường chủ yếu người dân tộc Xơ Đăng. Nhà trường tổ chức cho các em tham gia Lễ hội như một buổi học ngoại khóa, nhằm mục đích giáo dục truyền thống lịch sử của địa phương và truyền thống văn hóa của dân tộc Xơ Đăng. Sau khi trải nghiệm Lễ mừng lúa mới, mỗi em học sinh sẽ viết 1 bài thu hoạch nộp để nhà trường đánh giá kết quả. Đây cũng là dịp để các em học sinh hiểu và thêm yêu văn hóa truyền thống của dân tộc mình.

Học sinh dân tộc Xơ Đăng xem nghệ nhân chơi nhạc cụ dân tộc
Học sinh dân tộc Xơ Đăng xem nghệ nhân chơi nhạc cụ dân tộc

Điểm sáng trong bảo tồn văn hóa

Có thể nói buôn Kon H’rinh là một trong những điểm sáng trong bảo tồn văn hóa của huyện Cư M’gar. Đến nay, buôn vẫn còn 4 bộ chiêng, trong đó có một bộ chiêng, trống nguyên vẹn phục vụ trong các dịp lễ hội, đi lưu diễn gồm 16 chiếc cả chiêng và trống. Trong buôn Kon H’Rinh hiện vẫn còn 50 người biết đánh chiêng, trong đó có hơn 30 người trẻ, 10 người dệt thổ cẩm, đội múa hơn chục người và 1 nghệ nhân chỉnh chiêng giỏi.

Nhiều thanh thiếu niên đánh chiêng, múa xoang tại lễ hội
Nhiều thanh thiếu niên người Xơ Đăng đã đánh chiêng, múa xoang thành thục tại lễ hội

Bản thân cũng là người Xơ Đăng, sinh sống tại buôn Kon H’Rinh, chứng kiến những thay đổi tích cực của đồng bào mình trong việc giữ gìn nét đẹp văn hóa truyền thống, ông Y Mang, Phó Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Cư M’gar tự hào nói: Bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của người Xơ Đăng vẫn đang tiếp tục được trao truyền qua nhiều thế hệ. Thanh thiếu niên Kon H’rinh đã biết yêu văn hóa dân tộc mình, có ý thức học hỏi để giữ gìn giá trị truyền thống. Kon H’Rinh đã có đội chiêng, đội múa trẻ, nhiều thanh thiếu niên biết chơi các loại nhạc cụ truyền thống. Tình yêu văn hóa truyền thống đang ngày càng lan tỏa trong các thế hệ con em người Xơ Đăng nơi đây.

Bà con dân làng cùng nhau ăn mừng Lễ hội
Bà con dân làng cùng nhau ăn mừng Lễ hội

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Cư Mgar Y Wem Hwing, huyện xem việc bảo tồn, giữ gìn bản sắc văn hóa của đồng bào các DTTS là nhiệm vụ hàng đầu trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Lễ hội “Mừng lúa mới” không chỉ góp phần gìn giữ bản sắc văn hóa của người Xơ Đăng, mà còn tạo nguồn cảm hứng gắn kết cộng đồng các dân tộc trên địa bàn xã Ea H’đing nói riêng và huyện Cư Mgar nói chung. Đến với lễ hội, ngoài cầu mong một năm mới thuận lợi, mùa màng bội thu, bà con có dịp chia sẻ với nhau chuyện vui, chuyện buồn suốt một năm lao động, chia sẻ kinh nghiệm để cùng nhau phát triển.

“Sắp tới huyện Cư Mgar sẽ nâng cấp lễ hội “Mừng lúa mới” của đồng bào Xơ Đăng thành lễ hội cấp huyện nhằm quảng bá rộng rãi nét đẹp văn hóa của đồng bào Xơ Đăng đến du khách trong và ngoài nước”, Phó Chủ tịch UBND huyện Cư Mgar Y Wem Hwing cho biết thêm.

Tin cùng chuyên mục
Kết nối di sản văn hóa phi vật thể - “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên”

Kết nối di sản văn hóa phi vật thể - “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên”

Trong 2 ngày 21, 22/11, Cục Di sản văn hóa, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk tổ chức Tập huấn triển khai mô hình kết nối di sản văn hóa phi vật thể “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên” trong hành trình du lịch di sản Buôn Ma Thuột - Đắk Lắk.