Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sắc màu 54

Tái hiện Lễ Bỏ mả (Pơ thi) của đồng bào dân tộc Gia Rai

PV - 21:30, 18/04/2021

Trong khuôn khổ các hoạt động sự kiện Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam năm 2021, tại Làng Văn hoá - Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội), đồng bào dân tộc Gia Rai đến từ tỉnh Gia Lai đã tái hiện lại Lễ Bỏ mả (Pơ thi) truyền thống của dân tộc mình.

Tượng Kra Kom (tượng nhà mồ) canh gác cho ngôi mả. Ảnh: Diễm Quỳnh
Tượng Kra Kom (tượng nhà mồ) canh gác cho ngôi mả. Ảnh: Diễm Quỳnh

Nói đến Tây Nguyên, người ta thường hay nghĩ đến đại ngàn hùng vĩ trên đất bazan, quê hương của những pho sử thi dài ngút ngắt và là xứ sở của cồng chiêng… Tây Nguyên không chỉ giàu về tài nguyên mà hơn thế còn là vùng đất giàu bản sắc văn hóa.

Lễ Bỏ mả (Pơ Thi) là lễ hội lớn và có ý nghĩa quan trọng trong đời sống tinh thần của của đồng bào dân tộc Gia Rai. Theo quan niệm của đồng bào dân tộc Gia Rai, sau khi chết, linh hồn của người đã khuất vẫn còn quanh quẩn đâu đó, giữa người chết và người sống vẫn còn mối quan hệ ràng buộc, do vậy hàng ngày người sống vẫn ra thăm mả, quét dọn sạch sẽ và mang cơm nước cho người đã khuất. Chỉ sau khi làm lễ Pơ thi phá bỏ nhà mồ cũ, dựng lên một nhà mồ mới lớn hơn, đẹp hơn thì linh hồn người đã khuất mới được siêu thoát, rời bỏ trần gian để đến với thế giới mới một cách nhẹ nhàng.

Thầy cúng thực hiện các nghi lễ trong lễ Pơ thi. Ảnh: Diễm Quỳnh
Thầy cúng thực hiện các nghi lễ trong lễ Pơ thi. Ảnh: Diễm Quỳnh

Chủ lễ (thầy cúng) phải là già làng có uy tín, am hiểu về phong tục tập quán của dân tộc. Lễ vật trong Lễ Pơ thi gồm có: lợn, gà, rượu… Sau đó, thầy cúng mang lễ vật ra nhà mồ để làm lễ cúng.

Lễ vật trong lễ Pơ thi. Ảnh: Diễm Quỳnh
Lễ vật trong lễ Pơ thi. Ảnh: Diễm Quỳnh

Khi thầy cúng xong người thân của gia đình vào nhà mồ đọc lời cúng bỏ mả và khóc than lần cuối cùng với người chết.

"Này chúng tôi bỏ mả đây
Làm mọi thứ cho ma đây
Xin ma đừng ghét bỏ
Đừng làm hại chúng tôi"

Thầy cúng đọc lời cúng mời các vị thần về thụ hưởng đồ lễ cùng con cháu. Ảnh: Diễm Quỳnh
Thầy cúng đọc lời cúng mời các vị thần về thụ hưởng đồ lễ cùng con cháu. Ảnh: Diễm Quỳnh
Đối với người Gia Rai, lễ bỏ mả là dịp thể hiện tình cảm, trách nhiệm của người đang sống với người đã khuất. Ảnh: Diễm Quỳnh
Đối với người Gia Rai, lễ bỏ mả là dịp thể hiện tình cảm, trách nhiệm của người đang sống với người đã khuất. Ảnh: Diễm Quỳnh

Cồng chiêng nổi lên, tất cả mọi người đứng dậy và bắt đầu màn trình diễn cồng chiêng, múa xoang… đặc sắc để tiễn đưa người đã khuất.

 Thiếu nữ Gia Rai uyển chuyển trong nhịp xoang truyền thống. Ảnh: Diễm Quỳnh
Thiếu nữ Gia Rai uyển chuyển trong nhịp xoang truyền thống. Ảnh: Diễm Quỳnh

Xuyên suốt lễ hội, những ghè rượu cần cứ vơi lại đầy, tiếng cồng chiêng thâu đêm suốt sáng, những vòng xoang nối dài, chân dậm đều, tay cầm tay, đều thành một nhịp, chậm rãi từng bước và luôn di chuyển ngược chiều kim đồng hồ. 

Trai làng bôi bùn đất, đeo mặt nạ hoá trang thành Bram (hồn ma) nhảy múa trong lễ Pơ thi. Ảnh: Diễm Quỳnh
Trai làng bôi bùn đất, đeo mặt nạ hoá trang thành Bram (hồn ma) nhảy múa trong lễ Pơ thi. Ảnh: Diễm Quỳnh
Các chàng trai đóng giả Bram (hồn ma) để đón linh hồn người đã khuất về với tổ tiên, với Yàng. Ảnh: Diễm Quỳnh
Các chàng trai đóng giả Bram (hồn ma) để đón linh hồn người đã khuất về với tổ tiên, với Yàng. Ảnh: Diễm Quỳnh

Không khí náo nhiệt của lễ hội Pơ thi càng đẩy lên đỉnh điểm với nhiều kịch tính khi xuất hiện những chàng trai từ trong rừng chạy ra, thân thể phủ đầy bùn đất và che mặt nạ đóng Bram (hồn ma) để đón linh hồn người đã khuất về với Atâu (tổ tiên) với Yàng.

Lễ Pơ thi như một nghi lễ đánh dấu dự khởi đầu của vòng luân hồi.

Kết thúc buổi lễ, mọi người cùng hòa nhịp cồng chiêng và những điệu múa xoang để giao lưu tình cảm, gắn kết cộng đồng. Ảnh: Diễm Quỳnh.
Kết thúc buổi lễ, mọi người cùng hòa nhịp cồng chiêng và những điệu múa xoang để giao lưu tình cảm, gắn kết cộng đồng. Ảnh: Diễm Quỳnh.

Không đơn thuần chỉ là một cuộc chia ly giữa người sống và người đã khuất, Pơ thi được xem là một Lễ hội văn hóa của đồng bào dân tộc Gia Rai ở Tây Nguyên, nơi mà những nét văn hóa đặc sắc nhất được trình diễn. Lưu giữ được Pơ thi chính là lưu giữ được không gian văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Gia Rai.

Tin cùng chuyên mục
Kết nối di sản văn hóa phi vật thể - “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên”

Kết nối di sản văn hóa phi vật thể - “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên”

Trong 2 ngày 21, 22/11, Cục Di sản văn hóa, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk tổ chức Tập huấn triển khai mô hình kết nối di sản văn hóa phi vật thể “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên” trong hành trình du lịch di sản Buôn Ma Thuột - Đắk Lắk.