Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sắc màu 54

Du lịch cộng đồng và dân ca, dân vũ

Hồng Minh - 18:04, 09/05/2021

Không sai khi nhiều nhà nghiên cứu chuyên ngành và người dân từng nhìn nhận rằng, nếu thiếu hụt những làn điệu âm nhạc, dân ca, dân vũ của đồng bào DTTS, sẽ khiến cho hoạt động du lịch cộng đồng phần nào nhàm chán, thiếu màu sắc đặc trưng.

Những làn điệu dân ca, dân vũ tạo nên dấu ấn riêng trong hoạt động du lịch cộng đồng
Những làn điệu dân ca, dân vũ tạo nên dấu ấn riêng trong hoạt động du lịch cộng đồng

Dựa vào cộng đồng để phát triển

Từ thực tế đã chứng minh, nhiều địa phương nhờ việc bảo tồn tốt những bản sắc văn hóa của dân tộc gắn với phát triển du lịch đã thu hút nhiều du khách tham quan, trải nghiệm, qua đó nâng cao hiệu quả kinh tế cho người dân. Đây là một trong những giải pháp kích cầu du lịch bằng dân ca, dân vũ đang được ưu tiên. Tuy nhiên, việc bảo tồn các giá trị dân ca, dân vũ của đồng bào DTTS phải dựa vào chính cộng đồng, người dân của dân tộc đó.

Anh Rmah Mich, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Thanh niên xã Chư A Thai, huyện Phú Thiện (Gia Lai) là một trong những thanh niên DTTS tiêu biểu được nhận Bằng khen của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc tại Lễ Tuyên dương học sinh, sinh viên, thanh niên DTTS xuất sắc tiêu biểu năm 2020. Với ý thức giữ gìn, phát huy văn hóa dân tộc, anh Mich đã tìm đến các vị già làng, Người có uy tín trong làng để nghe kể về văn hóa, lịch sử, nhạc cụ của người Ba Na. Để thanh niên Ba Na trong làng không quên lãng những bài chiêng, những bài hát kể, hát khan giao duyên hay những điệu cồng chiêng cộng đồng, anh đã truyền dạy những kiến thức của mình cho họ, từ đó gìn giữ được những âm điệu dân ca, dân vũ của dân tộc mình.

Điều phấn khởi là, với hoạt động nhằm giữ gìn, phát huy loại hình nghệ thuật này, khi hoạt động du lịch cộng đồng (Homestay) phát triển, đã trở thành điểm nhấn thu hút khách của du lịch Homestay.

Huyện Lâm Bình (Tuyên Quang) hiện có hơn 30 Homestay. Đến với Lâm Bình, du khách không chỉ được tận hưởng không khí trong lành của một vùng quê, mà còn được trải nghiệm cuộc sống thực thụ của người Tày, như bắt cá, trồng rau, tìm hiểu quy trình sản xuất rượu men lá; thưởng thức nghệ thuật ẩm thực Tày… Đặc biệt là những làn điệu dân ca như hát Then, đàn tính do chính những chàng trai, cô gái trong thôn biểu diễn… luôn tạo bất ngờ, níu chân du khách.

Có mặt chứng kiến các thành viên đội văn nghệ Homestay xã Khuôn Hà, huyện Lâm Bình luyện tập chuẩn bị đón đoàn du khách, mới thấy được sự kỳ công, chu đáo của chủ nhà. Để “vui lòng khách đến, vừa lòng khách đi”, các thành viên luyện tập nhiều bài hát Then, điệu múa, trò chơi dân gian khác nhau.

Chị Vũ Thị Ngọc Tuyết, Đội trưởng Đội Văn nghệ Homestay Khuôn Hà chia sẻ, đa số các thành viên là nông dân, quanh năm gắn bó với ruộng nương, đồng áng. Các anh, chị là người có năng khiếu và yêu thích văn nghệ, tuy nhiên để đáp ứng được yêu cầu thì cần phải luyện tập và cố gắng rất nhiều. Nhờ sự kiên trì, nỗ lực mà nhiều năm qua, Đội Văn nghệ đã biểu diễn nhiều tiết mục phong phú, quảng bá nét văn hóa người Tày. Trung bình mỗi năm thực hiện được 90 - 120 buổi biểu diễn tại Homestay.

Đội văn nghệ ở Lâm Bình, Tuyên Quang biểu diễn phục vụ khách du lịch
Đội văn nghệ ở Lâm Bình, Tuyên Quang biểu diễn phục vụ khách du lịch

Đòn bẩy từ chính sách

Nếu vai trò, ý thức bảo tồn dân ca, dân vũ từ chính nội lực của cộng đồng mỗi dân tộc là điều kiện đủ thì những chính sách, chủ trương của Đảng, Nhà nước là điều kiện cần. Với tinh thần đó, mới đây, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) vừa có Quyết định số 1039/QĐ-BVHTTDL về việc xây dựng Đề án “Bảo tồn, phục dựng và phát huy giá trị dân ca, dân vũ, dân nhạc của các DTTS gắn với phát triển du lịch giai đoạn 2021 - 2030”.

Theo đó, trên cơ sở đánh giá thực trạng công tác bảo tồn, phục dựng và phát huy giá trị dân ca, dân vũ, dân nhạc các DTTS gắn với phát triển du lịch, các thế mạnh, tiềm năng sẵn có như: Các lễ hội truyền thống, các tập tục tốt đẹp trong sinh hoạt thường ngày, các loại hình nghệ thuật truyền thống đặc sắc… để từ đó, xây dựng hệ thống cơ chế chính sách cụ thể nhằm bảo tồn, phát huy văn hóa truyền thống tốt đẹp của các DTTS; tạo sự thống nhất về nhận thức và tổ chức thực hiện công tác bảo tồn, phát huy văn hóa truyền thống nói chung và dân ca, dân vũ, dân nhạc của các DTTS gắn với phát triển du lịch.

Theo Giáo sư Hoàng Chương, Trung tâm Nghiên cứu Bảo tồn và Phát huy văn hóa dân tộc, thời gian qua, để âm nhạc dân tộc đến gần công chúng, nhiều loại hình nghệ thuật đã được làm mới để hút khán giả, nhưng vấn đề là chúng vô tình lại làm mờ dần bản sắc dân tộc. Chẳng hạn, hát quan họ thì hát theo đĩa, hát xẩm thì lại minh họa bằng… múa lửa; đánh cồng chiêng thì minh họa bằng làm xiếc, ảo thuật...

Vì thế, việc đưa vào xây dựng Đề án “Bảo tồn, phục dựng và phát huy giá trị dân ca, dân vũ, dân nhạc của các DTTS gắn với phát triển du lịch giai đoạn 2021 - 2030”, tạo cơ chế để giữ giá trị âm nhạc truyền thống dân tộc trong sự bão hòa của thị trường hiện nay là cơ hội để đồng bào DTTS giữ được những giá trị tinh thần, tạo nên dấu ấn nổi bật đối với việc phát triển du lịch, đặc biệt các loại hình du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái…

Tin cùng chuyên mục
Kết nối di sản văn hóa phi vật thể - “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên”

Kết nối di sản văn hóa phi vật thể - “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên”

Trong 2 ngày 21, 22/11, Cục Di sản văn hóa, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk tổ chức Tập huấn triển khai mô hình kết nối di sản văn hóa phi vật thể “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên” trong hành trình du lịch di sản Buôn Ma Thuột - Đắk Lắk.