Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sắc màu 54

Tình yêu dành cho sình ca

Hồng Minh - 16:13, 25/05/2020

Không phải “con nhà nòi”, cũng chẳng phải nghệ nhân, nhưng bà Lê Thị Kim, người Cao Lan ở xã Kim Phú, TP. Tuyên Quang (Tuyên Quang) có một tình yêu đặc biệt với những làn điệu sình ca của dân tộc mình.

Bà Lê Thị Kim (ngoài cùng bên trái) cùng các thành viên trong Câu lạc bộ văn hóa người Cao Lan xã Kim Phú
Bà Lê Thị Kim (ngoài cùng bên trái) cùng các thành viên trong Câu lạc bộ văn hóa người Cao Lan xã Kim Phú

Bà Kim kể, từ khi còn nhỏ, bà đã thường xuyên được nghe người lớn hát sình ca, nhưng càng lớn thì người hát sình ca càng ít đi. “Hát sình ca nghe hay lắm mà tại sao người dân tộc mình lại không học để lưu giữ nó?”, những trăn trở đó đã thôi thúc bà Lê Thị Kim tìm đến những vị cao niên trong thôn, trong xã để học, nghiên cứu về sình ca. Càng học và nghiên cứu sâu, bà nhận ra, hát sình ca không khó, lời hát rất phong phú, gần gũi với cuộc sống đời thường. Nội dung bài hát có thể là những câu chuyện trong sinh hoạt hằng ngày, hay những lời dạy bảo của cha mẹ dành cho con cái… Không chỉ thế, người hát có thể mượn lời thể loại khác để hát lại theo nhịp điệu của sình ca.

Khi hiểu sâu hơn về làn điệu sình ca, bà Kim đã dịch nhiều bài hát ra tiếng Cao Lan và tự mình viết lời mới. 

Trong mùa dịch Covid-19 này, bà Kim đã tự sáng tác nhiều bài sình ca bằng tiếng Cao Lan để tuyên truyền đến người dân nhằm nâng cao ý thức phòng, chống dịch. Nhiều bài hát của bà đã được phát trên sóng Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh Tuyên Quang. Điển hình như bài “Cả nước chung tay chống Covid” với nội dung ca ngợi tình đoàn kết, đồng lòng của người dân Việt Nam chung tay phòng, chống dịch Covid- 19. Đồng thời khẳng định quyết sách lãnh đạo đúng đắn của Đảng, Nhà nước. Bài hát có lời dịch ra tiếng Việt như sau: “Toàn dân hãy ở nhà/ Nghe lời Chính phủ dặn/ Tránh Covid thật xa, vì bệnh này dễ lây/ Không tụ tập đông người…”.

Yêu làn điệu dân ca của dân tộc mình, nhưng bà Kim luôn trăn trở, lo lắng về nguy cơ sình ca bị mai một. “Ngày nay, chẳng còn ai mặn mà học, trong khi thế hệ cao niên ngày một mất dần, hoặc cũng chỉ hát những bài hát cổ. Tôi đã nhiều lần động viên mọi người trong xã học hát, nhưng cũng chỉ được vài ngày đầu, rồi mọi người lại lấy lý do công việc gia đình và nghỉ”, bà Kim trầm ngâm nói.

Bà Kim cũng cho biết, hiện xã Kim Phú cũng có Câu lạc bộ văn hóa dân tộc Cao Lan hoạt động nhằm bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của người Cao Lan, trong đó có hát sình ca. “Tuy nhiên, chỉ có các thành viên trong Câu lạc bộ quan tâm thì chưa đủ. Bởi lẽ sình ca là của Nhân dân, nên chính họ phải lưu giữ, truyền dạy thì sình ca mới sống được trong cộng đồng”, bà Kim chia sẻ.

Có lẽ, tình yêu dành cho sình ca của bà Lê Thị Kim thật đáng trân quý. Bà đến với sình ca bằng một trái tim thuần khiết, tự nhiên. Vốn như bao người dân bình thường khác, nhưng tình yêu dân tộc, tình yêu văn hóa truyền thống khiến bà tự cảm thấy phải mang theo trách nhiệm lưu giữ câu hát sình ca.