Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sắc màu 54

Du lịch thôn Ngòi

PV - 10:40, 02/08/2019

Thôn Ngòi, xã Ngòi Hoa, huyện Tân Lạc (Hòa Bình) là một trong những thôn ven lòng hồ sông Đà có phong cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp. Thôn có hơn 90 hộ dân, 100% là đồng bào dân tộc Mường. Người dân sinh sống bằng nghề đánh bắt cá, trồng ngô và trồng luồng... Những năm gần đây, họ đã biết tận dụng, khai thác lợi thế cảnh quan thiên nhiên để phát triển du lịch cộng đồng, nâng cao thu nhập.

Thôn Ngòi đang thu hút đông đảo du khách quốc tế đến thăm quan. Thôn Ngòi đang thu hút đông đảo du khách quốc tế đến thăm quan.

Thôn Ngòi có nhiều thác nước, hang động kỳ thú, tạo nên vẻ đẹp hoang sơ hiếm có. Động Hoa Tiên là quà tặng thiên nhiên cho vùng lòng hồ Hòa Bình nói chung, thôn Ngòi nói riêng. Trong động có không gian thoáng và rộng với những nhũ đá kỳ thú, muôn hình. Khi chưa xây dựng thủy điện Hòa Bình, thôn Ngòi nằm trên dòng sông Đà hiền hòa với những nếp nhà sàn, ruộng bậc thang trữ tình. Di dời nhà để làm thủy điện chỉ có 91 hộ dân với gần 400 nhân khẩu vén lên một hòn đảo. Những hộ dân ở đây ít được tiếp xúc với bên ngoài. Do vậy, cuộc sống đều rất khó khăn.

Gia đình anh Bùi Văn Thạo ở thôn Ngòi quanh năm đánh bắt tôm, cá trên lòng hồ. Trước đây, đường vào thôn đi lại khó khăn, anh Thạo cũng như người dân trong thôn đánh bắt được con tôm, con cá để bán nhưng giá thành thấp hơn nhiều so với nơi khác. Từ thu hoạch ngô, sắn, đánh bắt cá, gia đình chỉ có mức thu nhập chỉ 8-9 triệu/năm.

Đầu năm 2017, gia đình anh Thạo được Công ty Cổ phần du lịch Hòa Bình hỗ trợ vốn sửa nhà, mua sắm thiết bị trong gia đình để đón khách du lịch cộng đồng. Anh Thạo cho biết: Gia đình tôi là 1 trong 10 hộ dân trong thôn được Công ty hỗ trợ vay vốn, vật liệu sửa, nâng cấp nhà để đón khách đến ăn uống, ngủ nghỉ tại nhà. Bước đầu thu nhập khá hơn trước, nhưng quan trọng nhất là mình được giao tiếp với nhiều người bên ngoài, từ đó cũng thay đổi cách nghĩ, cách làm kinh tế.

Tại thôn Ngòi, không chỉ những hộ làm du lịch cộng đồng được hưởng lợi mà nhiều hộ dân trong thôn cũng bán được sản phẩm địa phương cho khách du lịch. Theo thống kê chưa đầy đủ, từ năm 2017-2018, thôn Ngòi đón hơn 30.000 lượt khách. Dự kiến đến cuối năm 2019, thôn đón khoảng 40.000 lượt khách, qua đó tạo thêm việc làm, thu nhập cho bà con địa phương.

Nhằm khai thác bền vững tiềm năng du lịch thôn Ngòi, UBND huyện Tân Lạc đã khởi động Đề án “Bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc Mường gắn với phát triển điểm du lịch cộng đồng thôn Ngòi”. Huyện đặt mục tiêu cụ thể về thu hút lượng khách, doanh thu từ hoạt động du lịch, các tiêu chí phấn đấu về chất lượng lưu trú, môi trường, bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống, cảnh quan thiên nhiên... Qua đó, thực hiện những giải pháp cụ thể nhằm thu hút, khuyến khích doanh nghiệp, nhà đầu tư có năng lực tham gia đầu tư kết cấu hạ tầng, xây dựng sản phẩm du lịch gắn với bản sắc văn hóa dân tộc, khai thác cảnh quan thiên nhiên hoang sơ, thơ mộng của thôn Ngòi; xây dựng tour, tuyến du lịch kết nối với các điểm du lịch khu vực hồ. Bảo tồn bản sắc văn hóa, cảnh quan kiến trúc nhà ở, phong tục, tập quán, lối sống dân tộc Mường; tôn tạo và bảo vệ cảnh quan thiên nhiên, môi trường để khai thác phát triển du lịch và đưa xóm Ngòi trở thành điểm du lịch cộng đồng hấp dẫn.

TUẤN TRÌNH

Tin cùng chuyên mục
Kết nối di sản văn hóa phi vật thể - “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên”

Kết nối di sản văn hóa phi vật thể - “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên”

Trong 2 ngày 21, 22/11, Cục Di sản văn hóa, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk tổ chức Tập huấn triển khai mô hình kết nối di sản văn hóa phi vật thể “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên” trong hành trình du lịch di sản Buôn Ma Thuột - Đắk Lắk.