Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Bạn đọc

“Dứa chín đỏ nương, nông dân không buồn thu hoạch”: Phản hồi từ chính quyền địa phương

PV - 11:04, 09/04/2019

Trong số báo 26, ra ngày 30/3/2019, Báo Dân tộc và Phát triển có bài viết “Dứa chín đỏ nương, nông dân không buồn thu hoạch”. Trong bài viết có đề cập đến thực trạng trên địa bàn một số huyện của tỉnh Lào Cai, cây dứa đã phát triển hàng chục năm nay, nhưng đến nay vẫn chưa được đưa vào trong quy hoạch; sản phẩm dứa chưa xây dựng đăng ký nhãn hiệu nông sản… dẫn đến tình trạng không có thị trường ổn định, cây dứa lúc tiêu thụ được lúc không. Trong đó, vụ dứa năm nay giá xuống thấp khiến nông dân không buồn thu hoạch.

Ông Tô Mạnh Tiến, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trao đổi với phóng viên báo chí tại buổi họp báo thường kỳ Quý I/2019 do UBND tỉnh Lào Cai tổ chức. Ông Tô Mạnh Tiến, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trao đổi với phóng viên báo chí tại buổi họp báo thường kỳ Quý I/2019 do UBND tỉnh Lào Cai tổ chức.

Trước thông tin báo chí phản ánh, cũng như báo cáo thực tế từ các địa phương, các ngành chức năng liên quan tỉnh Lào Cai đang tập trung xem xét, tìm ra những giải pháp khả thi để gỡ khó cho nông sản nói chung và sản phẩm dứa nói riêng. Trao đổi với báo chí về tình trạng dứa chín đỏ nương, nông dân không buồn thu hoạch do không bán được, tại buổi họp báo quý I/2019 của UBND tỉnh Lào Cai vừa qua, ông Tô Mạnh Tiến, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, trên địa bàn tỉnh Lào Cai hiện có khoảng 2.500ha dứa trồng chủ yếu trên địa bàn 7 xã của 3 huyện Bảo Thắng, Mường Khương và Bát Xát, với tổng sản lượng khoảng trên 50,7 nghìn tấn/năm. Hằng năm, vào khoảng đầu năm (tháng 1, tháng 2) dứa được giá với khoảng 9-10 nghìn đồng/kg. Tuy nhiên, từ tháng 3 đến nay, giá dứa giảm mạnh.

Theo ông Tiến, những năm qua sản phẩm dứa chủ yếu phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc; có những thời điểm tỉnh phối hợp với công ty chế biến nông sản Đồng Giao (Ninh Bình) tiêu thụ sản phẩm cho bà con (Công ty Đồng Giao cũng chế biến và xuất sang Trung Quốc). Tuy nhiên, hiện nay, yêu cầu phía Trung Quốc là sẽ xuất chính ngạch đối với một số sản phẩm nông sản, trong đó có sản phẩm dứa. Do đó, yêu cầu tiêu chuẩn chất lượng và nguồn gốc xuất xứ được đặt lên hàng đầu. Nhưng hiện dứa của Lào Cai chưa đáp ứng những yêu cầu này. Đây là điểm yếu đối với mảng sản xuất nguyên liệu của ngành Nông nghiệp Lào Cai hiện nay.

Để tháo gỡ khó khăn cho nông dân trồng dứa, ngành Nông nghiệp đang cố gắng xây dựng thương hiệu, mẫu mã đối với tất cả các sản phẩm nông nghiệp, trong đó có cây dứa. Đây cũng là mục tiêu và nhiệm vụ xây dựng “mỗi xã một sản phẩm”. Ngành Nông nghiệp sẽ cùng với các địa phương từng bước quản lý chất lượng sản phẩm dứa, xây dựng nguồn gốc xuất xứ; kêu gọi các doanh nghiệp, nhà máy chế biến tiêu thụ sản phẩm dứa cho nông dân. Hiện tại, Công ty Hồng Ngọc trên địa bàn đã bắt đầu chế biến dứa, chuối sấy và một số sản phẩm nông nghiệp khác, tỉnh đang khuyến khích doanh nghiệp phát triển lĩnh vực này.

“Tuy nhiên, bà con nông dân cũng phải ủng hộ, phối hợp với cơ quan chức năng trong quá trình xây dựng nguồn gốc, quản lý chất lượng các sản phẩm bảo đảm tiêu chuẩn xuất đi các thị trường trong nước cũng như nước ngoài”, ông Tiến đề nghị.

Về vấn đề quy hoạch, ông Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho hay, theo Luật quy hoạch mới sẽ không quy hoạch phát triển từng sản phẩm. Vì vậy, việc quy hoạch dứa sẽ được xem xét lồng ghép vào quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2050. Theo đó, đến hết năm 2019, tỉnh sẽ hoàn thành quy hoạch phát triển nông nghiệp. Trong đó, các loại sản phẩm: chuối, dứa, chè, quế…sẽ được quy hoạch chung.

Tuy nhiên, ông Tiến cho rằng, chúng ta không nên quy hoạch cụ thể. Vì hiện nay sản xuất của chúng ta phụ thuộc vào thị trường. Do đó, việc trồng cây gì, con gì đem lại hiệu quả kinh tế, thì chúng ta phát triển và tăng cường công tác quản lý. Không thể quy hoạch là phải làm bao nhiêu héc ta cây này, cây kia.

“Nếu quy hoạch phát triển rồi mà thị trường không có nhu cầu thì quy hoạch sẽ tự bị phá vỡ. Quan trọng là phải quản lý tốt về mặt chất lượng, nguồn gốc xuất xứ. Đồng thời, khuyến khích hỗ trợ, tạo điều kiện cho những doanh nghiệp chế biến sau thu hoạch để đưa giá trị gia tăng lên…”, ông Tiến nhấn mạnh.

Việc quy hoạch dứa sẽ được xem xét lồng ghép vào quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2050. Theo đó, đến hết năm 2019, tỉnh sẽ hoàn thành quy hoạch phát triển nông nghiệp. Trong đó, các loại sản phẩm: chuối, dứa, chè, quế… sẽ được quy hoạch chung.” -Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho hay

TRỌNG BẢO

Tin cùng chuyên mục
Thủ phủ cà phê mùa... "canh trộm"!

Thủ phủ cà phê mùa... "canh trộm"!

Vào mùa thu hoạch cà phê với giá cà phê đang ở mức cao kỷ lục, người trồng cà phê Tây Nguyên vui mừng khôn xiết, song họ cũng đang mất ngủ tìm đủ mọi giải pháp “canh trộm”, bảo vệ thành quả lao động của mình. Đồng hành với nông dân, chính quyền, lực lượng Công an, dân phòng cũng có nhiều cách làm giúp nông dân bảo vệ nông sản, góp phần bảo đảm an ninh trật tự tại cơ sở.