Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sắc màu 54

Đưa cồng chiêng trở lại với buôn làng

PV - 09:51, 02/01/2019

Cồng chiêng luôn giữ một vai trò quan trọng trong đời sống tinh thần của nhiều cộng đồng dân tộc thiểu số (DTTS) ở nước ta, trong đó có đồng bào các DTTS ở Bình Định. Tuy nhiên hiện nay, nhiều làng đồng bào DTTS ở Bình Định không có cồng chiêng nên vào những dịp lễ hội phải đến các làng khác mượn. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến công tác tổ chức lễ hội của đồng bào cũng như việc giữ gìn, phát huy truyền thống văn hóa của các dân tộc.

cồng chiêng Bà con thử diễn tấu cồng chiêng vừa mới được nhận.

Món quà ý nghĩa

Thực hiện Nghị quyết của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh Bình Định, từ năm 2017, Ban Dân tộc tỉnh Bình Định triển khai chương trình hỗ trợ cồng chiêng cho đồng bào DTTS. Để thực hiện chương trình này, Ban Dân tộc tỉnh đã khảo sát thực tế từng địa phương vùng đồng bào DTTS nhằm nắm tình hình cụ thể về số lượng cồng chiêng. Theo ông Trần Quốc Lại, Trưởng Ban Dân tộc Bình Định, tỉnh có 3 DTTS chính là Ba Na, Hrê, Chăm sinh sống ở các huyện: Vĩnh Thạnh, Vân Canh, An Lão, Tây Sơn, Phù Cát, Hoài Ân.

Đầu tiên, Ban Dân tộc sẽ khảo sát thực tế tại địa phương để nắm được số lượng bộ cồng chiêng cần hỗ trợ, sau đó tìm người sản xuất và thực hiện nghiệm thu bộ mẫu tại địa phương để người dân, đặc biệt là các già làng, Người có uy tín góp ý trực tiếp vào sản phẩm văn hóa đồng bào sẽ sử dụng…

Kết quả, có 119 làng đồng bào DTTS trong toàn tỉnh thiếu cồng chiêng cần được hỗ trợ, Ban Dân tộc tỉnh Bình Định tiến hành tìm nhà sản xuất đặt hàng, làm ra những bộ cồng chiêng hoàn chỉnh nhất để trao cho đồng bào. Sau một thời gian sản xuất, đến giữa tháng 12 đã hoàn thành được 40 bộ cồng chiêng, Ban Dân tộc tỉnh phối hợp với UBND các huyện: Vĩnh Thạnh, Tây Sơn, Phù Cát tổ chức nghiệm thu và bàn giao cho 40 làng có đông đồng bào DTTS.

Trước khi trao tặng, Ban Dân tộc cũng đã nhờ những nghệ nhân ưu tú, già làng thẩm định lại chất lượng, sau đó người dân ở các làng được nhận cồng chiêng đánh thử để tìm ra những bộ cồng chiêng phù hợp với hồn cốt văn hóa các dân tộc mình. Đích thân đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Thanh Tùng cùng Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Nguyễn Tuấn Thanh đã đến dự lễ và trao tận tay bà con từng bộ cồng chiêng. Những bộ cồng chiêng ấy không chỉ đem lại niềm hân hoan, vui sướng cho bà con mà còn khiến những người quan tâm tới di sản cồng chiêng thêm hy vọng những “âm thanh giao kết với thần linh” sẽ luôn sống mãi với thời gian.

cồng chiêng Nghệ nhân Yang Danh đánh thử cồng chiêng mới nhận cùng bà con dân làng.

Đón “hồn chiêng” mới

Được nhận món quà ý nghĩa, ai nấy đều vui tươi rạng rỡ, đặc biệt là các nghệ nhân lớn tuổi rất sướng cái bụng. Nghệ nhân Yang Danh (74 tuổi, thị trấn Vĩnh Thạnh, huyện Vĩnh Thạnh) chia sẻ: “Trước đây, các làng đều có nhưng sau nhiều năm, cồng chiêng dần hư hỏng, thất lạc. Giờ được nhận bộ cồng chiêng mới, các làng vui lắm. Bà con DTTS xem cồng chiêng giống như một thành viên trong làng nên khi biết Nhà nước sẽ tặng cồng chiêng, các làng đã tổ chức lễ rước hồn chiêng mới về làng, cầu mong hồn chiêng sẽ gắn bó lâu dài với bà con. “Giờ hồn chiêng mới đã về làng mình rồi, bà con nên có trách nhiệm với cồng chiêng vì điều mong muốn của chúng ta là tiếng cồng chiêng luôn vang vọng với núi rừng. Chúng ta nên giữ gìn, quản lý kỷ vật rất có ý nghĩa này. Quan trọng là chúng ta phải sử dụng nó thật tốt chứ không phải khư khư cất trong kho”, nghệ nhân Yang Danh nhắn nhủ với dân làng.

Trong niềm hân hoan đón hồn chiêng mới, các làng đã chọn những nghệ nhân, thanh niên nam nữ hát hay nhất, múa đẹp nhất đón chào cồng chiêng. Vui hơn, trong tiết mục biểu diễn của xã Vĩnh Sơn, có những thành viên nhỏ tuổi nhưng rất đam mê cồng chiêng như em Đinh Quốc Định (10 tuổi) và em Nghiêm Văn Cường (9 tuổi). “Em tập cồng chiêng được 2 năm rồi, mẹ và ông ngoại là nghệ nhân Đinh Chương tập cho em. Mỗi lần tập em thấy rất vui. Hôm nay được biểu diễn cho nhiều người xem em càng vui hơn. Em sẽ cố gắng luyện tập để sau này có thể giỏi như ông ngoại”, em Nghiêm Văn Cường cho hay.

Cùng chung với niềm vui của bà con dân làng, ông Lê Văn Đẩu, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Thạnh, bày tỏ: “Việc nhận được những bộ cồng chiêng không những góp phần gìn giữ và phát huy giá trị nghệ thuật độc đáo này mà còn giúp huyện Vĩnh Thạnh xây dựng ý tưởng về loại hình du lịch mới trong thời gian tới nhằm đa dạng hóa các sản phẩm du lịch. Đồng thời huyện Vĩnh Thạnh sẽ tăng cường công tác tuyên truyền bảo tồn phát huy di sản văn hóa cồng chiêng, hướng dẫn thôn, làng xây dựng quy chế, quản lý, sử dụng cồng chiêng, tổ chức giao lưu cồng chiêng, khuyến khích nghệ nhân truyền dạy cho thế hệ trẻ...”.

Ông Nguyễn Thanh Tùng, Bí thư Tỉnh ủy Bình Định cũng chia sẻ “Cồng chiêng là kiệt tác là một di sản văn hóa quý giá của tổ tiên để lại, được UNESCO công nhận là di sản văn hóa nhân loại. Chính vì vậy. Ðảng và Nhà nước rất quan tâm đến việc giúp đồng bào giữ gìn di sản cồng chiêng. Bà con mình nên giữ gìn, bảo quản cồng chiêng cho thật tốt để con cháu sau này còn sử dụng. Có cồng chiêng rồi, mình phải sinh hoạt thật vui, thật tốt, nhất là thanh niên, có trình tấu thường xuyên thì cái quý giá mới còn mãi!”

LÊ PHƯƠNG

Tin cùng chuyên mục
Kiến trúc di sản nhà rường Huế trong dòng chảy hiện đại

Kiến trúc di sản nhà rường Huế trong dòng chảy hiện đại

Trong kiến trúc xây dựng xưa cũ, nhà rường Huế là một phần quan trọng, độc đáo của văn hóa Huế. Trong dòng chảy hiện đại, kiến trúc di sản nhà rường Huế với tuổi đời gần 400 năm đã xuất hiện những xu thế tích cực, phù hợp với mục đích và công năng sử dụng mới.