Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Kinh tế

Đưa gạo ngon nhất thế giới về Ngọc Linh hùng vĩ

PV - 11:03, 09/01/2023

Với chất đất sạch, nguồn nước trong, phù hợp với việc triển khai trồng lúa ST25 theo hướng hữu cơ, nông nghiệp sạch, huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum hy vọng sẽ mở rộng diện tích, giúp mang lại cuộc sống ấm no cho người dân, mở ra hướng đi thoát nghèo bền vững, đồng thời cung cấp cho thị trường một loại gạo đặc biệt danh tiếng, chất lượng hảo hạng.

Người dân thu hoạch lúa ST25 tại thôn Năng Nhỏ 1, xã Đăk Sao. Ảnh: SN
Người dân thu hoạch lúa ST25 tại thôn Năng Nhỏ 1, xã Đăk Sao. Ảnh: SN

Ông Võ Trung Mạnh - Chủ tịch UBND huyện Tu Mơ Rông cho biết: Việc huyện lựa chọn mô hình trồng gạo ST25 là một trong những việc làm thiết thực hưởng ứng Cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ cách làm của đồng bào DTTS, làm cho đồng bào DTTS vươn lên thoát nghèo bền vững”. Việc áp dụng thành công giống lúa ST25 trên cánh đồng sẽ giúp người dân yên tâm thay đổi giống lúa năng suất thấp hiện đang trồng trên địa bàn. Đồng thời, dưỡng chất trong gạo ST25 nhiều hơn các loại gạo bình thường, sẽ cải thiện sức khỏe của người dân.

Theo ông Lâm Văn Chung - Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Tu Mơ Rông, sau khi tiếp cận với giống lúa ST25, Trung tâm đã tham mưu UBND huyện bố trí kinh phí để mua lúa giống và hỗ trợ bà con. Hiện toàn huyện đã triển khai 8 mô hình ở 8 xã, 26 thôn, làng, 236 hộ dân tổng diện tích khoảng 31,6 ha; năng suất bình quân ước đạt 3,5 - 4 tấn/ha, cao hơn giống lúa thuần địa phương bà con đang trồng. Khí hậu các xã phù hợp với giống lúa này là Đăk Sao, Đăk Na, Đăk Tơ Kan, Đăk Rơ Ông.

Chúng tôi đến thăm gia đình anh A Thiếu - Trưởng thôn Năng Nhỏ 1, xã Đăk Sao lúc gia đình đang tập trung thu hoạch lúa. Anh chia sẻ: Với giống lúa địa phương, nhà tôi thu được 5 bao lúa/sào (mỗi bao 50 kg), còn giống lúa ST25 này, chúng tôi thu được 7 bao/sào, nếu làm đúng quy trình kỹ thuật thì năng suất sẽ cao hơn. Ngoài ra, chúng tôi còn được hỗ trợ đầu ra nên tập trung bán cho xã vì giá cả ổn định và an toàn hơn. Hiện nay tôi đã vận động được hơn 20 hộ tham gia tiếp tục trồng lúa ST25 ở vụ mùa tới.

Chị Y Theo ở thôn Kạch Lớn 1, xã Đăk Sao chia sẻ: Đầu năm 2022, gia đình tôi trồng thử nghiệm giống lúa ST25. Khi triển khai trồng, chúng tôi được huyện hỗ trợ giống, xã hỗ trợ phân bón và theo dõi từ khi trồng đến lúc thu hoạch. Sau khi thu hoạch vụ Đông Xuân, tôi thấy gạo ST25 ăn ngon hơn giống gạo địa phương.

Tại thôn Kạch Lớn 2, Trưởng thôn Y Múi cho biết: Khi được thông báo triển khai giống lúa ST25, gia đình tôi đã trồng được 2 sào, đồng thời vận động được 9 hộ cùng trồng ST25. Để hỗ trợ bà con, chúng tôi cùng cán bộ nông nghiệp xã hướng dẫn từ quá trình làm đất, phủ mạ, chăm bón, định kỳ lên kiểm tra tận nơi canh tác.

Ông A Luật - Phó Chủ tịch UBND xã Đăk Sao chia sẻ: Đầu năm 2022, huyện triển khai giống lúa ST25, chúng tôi đã cử cán bộ tham gia các lớp tập huấn của Trung tâm Khuyến nông huyện. UBND xã thường xuyên chỉ đạo cán bộ địa chính nông nghiệp xuống địa bàn nắm bắt tình hình phát triển của giống lúa, qua đó kịp thời cấp kinh phí hỗ trợ phân bón, thuốc trừ sâu bệnh cho người dân. Khó khăn lớn nhất hiện nay là giá giống lúa khá cao nên không phải hộ dân nào cũng sẵn sàng tham gia. Chúng tôi sẽ thống kê nguyện vọng đăng ký của người dân để tính toán cách hỗ trợ hợp lý nếu người dân thật sự muốn trồng giống lúa mới này.

Thu hoạch lúa ST25 tại xã Đăk Tờ Kan, huyện Tu Mơ Rông. Ảnh: SN
Thu hoạch lúa ST25 tại xã Đăk Tờ Kan, huyện Tu Mơ Rông. Ảnh: SN

Trong lần tới thăm tỉnh Kon Tum mới đây, Anh hùng Lao động Hồ Quang Cua - “cha đẻ” loại gạo ST25 đánh giá: Với điều kiện canh tác hiện nay ở huyện Tu Mơ Rông, năng suất 2 tấn/ha đã là thành công. Tôi đã đi nhiều địa phương khác cũng không đạt được năng suất như vậy. Chúng ta không nên cầu toàn quá vì có những vùng thuận lợi nhưng trồng cũng không thành công.

Nói về tương lai của loại gạo ngon nhất thế giới này trên mảnh đất Tu Mơ Rông, ông Võ Trung Mạnh - Chủ tịch UBND huyện cho biết: Nếu sản xuất đại trà và sản lượng nhiều, huyện sẽ kêu gọi các công ty, doanh nghiệp vào thu mua lúa với giá thành cao, tạo tâm lý phấn khởi và nguồn thu nhập ổn định để người dân tiếp tục nhân rộng mô hình. Hiện nay đã có doanh nghiệp đăng ký với huyện bao tiêu toàn bộ số lúa mà người dân làm ra với mức giá gấp 3 lần giá lúa địa phương.

Việc huyện Tu Mơ Rông mạnh dạn đưa ST25 để gieo trồng theo hướng hữu cơ, nông nghiệp sạch bước đầu đã đem lại hiệu quả tích cực. Phát huy những kết quả đạt được, hy vọng trong thời gian tới việc triển khai giống lúa ST25 sẽ thành công trên toàn bộ 11 xã thuộc huyện Tu Mơ Rông, mở ra hướng thoát nghèo bền vững cho người dân Xơ Đăng nơi đây.

Cùng với việc được thiên nhiên ưu đãi cho “Quốc bảo” sâm Ngọc Linh, loại sâm tốt nhất thế giới thì có thể mùa Xuân tiếp theo tại huyện Tu Mơ Rông sẽ giới thiệu, mời mọi người thưởng thức loại rượu ngon nhất thế giới, kết hợp từ gạo ST25 và sâm Ngọc Linh.

Tin cùng chuyên mục
Mạng lưới trạm sạc, dịch vụ dày đặc, người dùng VF 3 tự tin “chốt” cọc

Mạng lưới trạm sạc, dịch vụ dày đặc, người dùng VF 3 tự tin “chốt” cọc

Mạng lưới sạc được quy hoạch 150.000 cổng, hệ thống xưởng dịch vụ, showroom và nhà phân phối phủ khắp 63 tỉnh, thành mang tới sự thuận tiện tối đa cho người dùng xe điện…, là một trong những lý do khiến số lượng người “đếm ngược” đến ngày VinFast VF 3 mở cọc sớm tăng liên tục những ngày qua.