Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sắc màu 54

Đưa lễ hội vào trường học: Bảo tồn gắn liền với giáo dục

PV - 09:06, 18/09/2018

Tết mùa-Cha-piếc (còn gọi là Tết rẫy) là lễ hội lớn của người Bh’noong (nhóm địa phương của dân tộc Giẻ-triêng) ở huyện vùng cao Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam. Nhiều năm qua, Trường Phổ thông Dân tộc nội trú (PTDTNT) huyện Phước Sơn đã tổ chức Tết mùa, góp phần bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.

Tết mùa Lễ hội Tết mùa tại Trường Phổ thông Dân tộc nội trú huyện Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam.

Tết truyền thống của người Bh’noong

Đồng bào Bh’noong chiếm trên 60% dân số của huyện vùng cao Phước Sơn (Quảng Nam), sống tập trung ở Phước Mỹ, Phước Hiệp, Phước Năng, Phước Xuân… Người Bh’noong có nhiều phong tục, tập quán độc đáo. Trong đó, Tết mùa nơi đây luôn mang một ý nghĩa rất linh thiêng, dâng tạ thần linh về một mùa rẫy bội thu, cầu mong mưa thuận gió hòa, bản làng bình yên, dân làng khỏe mạnh.

Theo các nhà nghiên cứu, Tết mùa của người Bh’noong thường tổ chức vào cuối tháng 9 đến đầu tháng 11 âm lịch hằng năm. Khi ấy, lúa trên rẫy đã thu hoạch xong được đưa về cất giữ trong nhà kho, dân làng chuẩn bị rượu cần, gạo nếp, gạo baton để gói bánh ốc (bánh sừng trâu). Mỗi gia đình chuẩn bị 2 lon gạo ngon nhất cùng các sản vật tự nhiên mang đến góp chung với gia đình người được chọn trong làng làm chủ cúng Tết. Công việc chuẩn bị xong, già làng đánh trống chiêng báo cho thần linh, bạn bè và bà con biết rằng, làng đã bước vào mùa ăn Tết.

Người Bh’noong ở Phước Sơn thường ăn Tết mừng lúa mới trong 10 ngày, nhưng theo phong tục thì lớn nhất vẫn là ngày đầu, ngày thứ tư và ngày thứ 9. Mâm cỗ Tết giản đơn, gồm bánh ốc, rượu cần, thịt chuột rừng, cá chua và được dọn ngay bên bếp lửa, vừa ấm cúng, vừa dân dã theo đúng phong tục. Chủ lễ khấn lời cầu mong thần linh phù hộ cho dân làng một mùa bội thu, nhà nhà an vui, hạnh phúc.

Nghi thức gói bánh ốc là nghi thức quan trọng trong tế lễ. Nguyên liệu gói bánh gồm gạo baton trộn với nếp, gói bằng lá đót hoặc lá dong, không có nhân. Chủ lễ sẽ gói tượng trưng một chiếc bánh dâng lên trời đất, sau đó dân làng mới lấy gạo từ lễ cúng đem về nhà và bắt đầu gói bánh ăn Tết. Bà con trong làng cùng chúc tụng nhau từ nhà này sang nhà khác, cùng uống rượu cần, say sưa hát hò, trò chuyện vui vẻ. Những làng có của ăn của để thì bà con tổ chức hội cồng chiêng, biểu diễn các điệu đinh-túk cùng nhịp múa xoang rộn ràng vang vọng giữa đại ngàn…

Tết mùa Các hoạt động văn hóa của đồng bào các DTTS ở vùng cao Quảng Nam đang từng bước được đưa vào trường học.
(Ảnh: Đồng bào vùng cao biểu diễn điệu múa tung tung dá da) ảnh: Tấn Vịnh.

Tái hiện Tết mùa trong trường học

Liên tiếp trong 7 năm qua, Trường PTDTNT huyện Phước Sơn đã tổ chức tái hiện Tết mùa trong nhà trường, nhằm giáo dục các em học sinh về bản sắc văn hóa của dân tộc, từ đó bảo tồn và phát huy nét văn hóa đặc trưng ở địa phương. Tết mùa tổ chức trong trường học thật sự là ngày hội lớn của thầy và trò Trường PTDTNT huyện Phước Sơn, với nhiều hoạt động diễn ra phong phú, hấp dẫn như: múa cồng chiêng, thi gói bánh ốc, nướng cơm lam, các trò chơi dân gian, văn hóa ẩm thực… Em Hồ Thị Nhênh, học sinh của trường chia sẻ: “Em đã hai lần tham gia Lễ hội Tết mùa do nhà trường tổ chức. Bạn nào cũng háo hức chọn cho mình bộ trang phục thổ cẩm đẹp nhất để vui Tết. Chúng em thích nhất là phần thi gói bánh ốc. Lúc ở làng, em đã được mẹ và các cô chú dạy gói bánh bằng lá dong, lá đót, buộc lạt dang thật kỹ trước khi đun bánh mới ngon và đẹp. Em rất tự hào về truyền thống văn hóa và phong tục tập quán đẹp của đồng bào mình”.

Cô giáo Phạm Thị Thứ, Hiệu trưởng Trường PTDTNT huyện Phước Sơn cho biết, tổ chức Lễ hội Tết mùa trong nhà trường nhằm tạo không khí thân thiện, gần gũi như ở địa phương, góp phần giáo dục, bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa của các dân tộc. Đây cũng là dịp thực hiện tốt phong trào “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”, góp phần tăng cường tình đoàn kết giữa các thành phần dân tộc anh em đang sinh sống, học tập tại trường.

“Trong quá trình tổ chức các hoạt động Tết mùa, nhà trường thay đổi theo từng chủ đề như đánh cồng chiêng, ẩm thực hay sưu tầm các hiện vật văn hóa, tạo sự thích thú cho các em học sinh. Qua tổ chức lễ hội, chúng tôi thấy các em rất có ý thức trong việc gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc mình”, Hiệu trưởng Phạm Thị Thứ khẳng định.

LÊ PHƯỚC LAN NHI

Tin cùng chuyên mục
Kết nối di sản văn hóa phi vật thể - “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên”

Kết nối di sản văn hóa phi vật thể - “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên”

Trong 2 ngày 21, 22/11, Cục Di sản văn hóa, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk tổ chức Tập huấn triển khai mô hình kết nối di sản văn hóa phi vật thể “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên” trong hành trình du lịch di sản Buôn Ma Thuột - Đắk Lắk.