Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Pháp luật

Đưa người nhập cảnh trái phép: Cần những bản án nghiêm minh

Minh Triết - Thiên An - 21:30, 24/08/2020

Vì món lợi trước mắt mà nhiều cá nhân đã tổ chức đường dây đưa người nhập cảnh trái phép vào Việt Nam. Đây là hành vi nguy hiểm phải được ngăn chặn kịp thời và xử lý nghiêm minh. Đặc biệt là ngay trong mùa dịch Covid-19.

Nhóm người bị Đồn Biên phòng Xà Lực bắt giữ.
Nhóm người bị Đồn Biên phòng Xà Lực bắt giữ.

Tình trạng nhập cảnh trái phép ngày càng phức tạp

Thời gian qua, tại Kiên Giang, lực lượng Bộ đội Biên phòng (BĐBP) liên tiếp bắt giữ hàng chục đối tượng nhập cảnh trái phép. Đáng lo hơn, các đối tượng xâm nhập biên giới trái phép tinh vi, phức tạp hơn trước. Không chỉ dồn dập trên các tuyến đường mòn, lối mở trên đất liền, các đối tượng nhập cảnh trái phép còn mở rộng đi trên biển,

Đêm 29/7, trong lúc làm nhiệm vụ trên biển, Tổ tuần tra của Đồn Biên phòng (ĐBP) Xà Lực đóng tại đảo Phú Quốc (BĐBP Kiên Giang) phát hiện một tàu cá đang chạy theo hướng Campuchia về đảo Phú Quốc có dấu hiệu nghi vấn nên phát tín hiệu dừng tàu. Qua kiểm tra, phát hiện trên tàu có 4 người. Ngoài chủ tàu là Trần Văn Hoàng và người bạn đi biển Lê Văn Thành, thì trên tàu còn có Phạm Văn Trường (32 tuổi, quê Ninh Bình) và Trần Thị Linh (20 tuổi, quê Thanh Hóa).

Trong đợt xâm nhập trái phép những ngày qua, còn có cả những đối tượng có quốc tịch Trung Quốc như Li Hai Shen, sinh năm 1970, thuê một người dùng xuồng máy chở từ Campuchia sang Phú Quốc với giá 1 triệu đồng. Khi đến khu vực bờ biển thuộc ấp Đá Chồng, xã Bãi Thơm, huyện Phú Quốc (Kiên Giang) thì Li Hai Shen liên lạc để nhờ ông Phù Quốc Chánh đưa về khách sạn. Nhưng khi Li Hai Shen vừa lên xe thì bị Tổ tuần tra của ĐBP Xà Lực bắt giữ, đưa về trụ sở làm việc.

Đại úy Nguyễn Hữu Thảo, Đồn trưởng ĐBP Xà Lực cho biết, từ khi dịch Covid-19 bùng phát tại Đà Nẵng đến nay, đơn vị đã bắt giữ nhiều vụ nhập cảnh trái phép từ Campuchia vào Phú Quốc để về lại đất liền tránh cách ly.

Ngăn chặn kịp thời, xử lý nghiêm minh

Vì món lợi cá nhân, Voòng A Sủi (SN 1997) trú tại xã Hải Sơn, TP. Móng Cái (Quảng Ninh) rủ em trai là Voòng A Hây (SN 1999) và anh họ Lỷ A Tằng (SN 1996) tổ chức đường dây đưa người Trung Quốc nhập cảnh trái phép vào Việt Nam.

Sau khi được em trai cùng anh họ đồng ý, Voòng A Sủi đã liên hệ với đối tượng bên Trung Quốc, A Hây chịu trách nhiệm tổ chức đưa người từ bên Trung Quốc sang Việt Nam với tiền công là 4.000 Nhân dân tệ (NDT)/người (tương đương 12 triệu đồng). Số tiền 4.000 NDT sẽ được chia cho Sủi 1.500 NDT, Hây được 2.500 NDT để chi phí thuê người vận chuyển.

Thông qua 1 người tên là A Lùng kết nối, Zhou Min (Chu Mẫn, quốc tịch Trung Quốc) kết bạn qua mạng Wechat với Sủi. Sủi và Chu Mẫn đã bàn bạc thống nhất thuê Sủi đưa người Trung Quốc nhập cảnh trái phép vào Việt Nam, với chi phí 4.000 NDT/người.

Voòng A Hây rủ Lý A Tằng làm nhiệm vụ chở người Trung Quốc, trả công là 1.000 NDT/người. Rồi Hây gọi điện cho Nình Văn Xuân thuê Xuân chở người Trung Quốc từ khu vực biên giới (thôn Thán Phún, xã Bắc Sơn) đến bến xe khách Móng Cái (Quảng Ninh) với tiền công 1 triệu đồng/người. Trong quá trình di chuyển, đối tượng Dũng bị lực lượng Biên phòng phát hiện bắt giữ cùng nhóm người Trung Quốc.

Ngày 4/8, Tòa án Nhân dân tỉnh Quảng Ninh đã xét xử lưu động vụ án “Tổ chức cho người khác nhập cảnh trái phép” tại Nhà Văn hóa xã Bắc Sơn, TP. Móng Cái. Hội đồng xét xử tuyên phạt: Voòng A Sủi 6 năm tù, Voòng A Hây 6 năm tù, Lỷ A Tằng 5 năm tù, Nình Văn Xuân 2 năm tù, Phùn Quay Phóng 4 năm tù và Phùn Văn Dũng 2 năm tù về tội tổ chức cho người khác nhập cảnh trái phép.

Những bản án nghiêm minh, thích đáng dành cho đối tượng đưa người trái phép nhập cảnh vào Việt Nam là bài học cho những đối tượng vì đồng tiền, xem thường pháp luật, tính mạng, sức khỏe người dân trong mùa dịch Covid-19.

Tin cùng chuyên mục