Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sắc màu 54

Đua thuyền tứ linh ở Lý Sơn

Minh Ngọc - 17:12, 12/02/2021

Hội đua thuyền tứ linh ở đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) không chỉ là một nét văn hóa truyền thống được duy trì hơn 300 năm nay, mà còn mang ý nghĩa tri ân tổ tiên, các thế hệ có công khai khẩn, mở mang và bảo vệ hòn đảo tiền tiêu này; khẳng định niềm tin của người dân với cuộc sống hôm nay…

Đua thuyền tứ linh ở Lý Sơn

Có lẽ, nhiều người đã từng chiêm ngưỡng những cuộc đua thuyền truyền thống ở trên sông tại nhiều địa phương, nhưng ở Lý Sơn có một cuộc đua thuyền truyền thống rất đặc biệt chỉ có trong ngày Tết, đó là Lễ hội đua thuyền tứ linh. Đây là lễ hội lớn nhất trong năm, thu hút sự tham gia của hàng ngàn người dân vùng đất đảo.

Lễ hội bắt đầu vào ngày mùng 4, sau lễ hóa vàng và kết thúc vào ngày khai hạ, mùng 7 Tết. Hội đua thuyền được tổ chức nhằm tri ân tổ tiên có công khai khẩn, mở mang đất đảo trù phú; tưởng nhớ đội hùng binh Hoàng Sa năm xưa dong buồm ra khơi dựng bia cắm mốc chủ quyền trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Ông Nguyễn Quyền (63 tuổi, ở thôn đông An Hải, huyện đảo Lý Sơn) cho biết: Lý Sơn trước đây có 2 xã là An Vĩnh và An Hải. Hội đua thuyền diễn ra tại mỗi xã, nhưng thời gian tổ chức gần như đồng thời. Hội đua thuyền Lý Sơn diễn ra theo từng làng, với 4 thuyền đua tranh trong 4 ngày, mỗi ngày một cuộc.

Đường đua gồm 4 vòng (8 dạo), tổng chiều dài khoảng 2,5 hải lý. Các thuyền được đổi đường đua mỗi ngày và được xếp thứ hạng (nhất, nhì, ba, tư) theo ngày đó. Đến ngày cuối (mùng 7), cộng lấy kết quả của 4 cuộc đua để xét giải chung cuộc!.

Lễ hội đua thuyền tứ linh được Bộ VHTT&DL đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia
Lễ hội đua thuyền tứ linh được Bộ VHTT&DL đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia

Những năm gần đây, để tăng thêm tính hấp dẫn, các vị bô lão thống nhất, tổ chức thêm cuộc đua toàn huyện diễn ra vào chiều ngày 8 âm lịch. Cuộc đua cũng có 8 đội tham gia, mỗi xã 4 đội, nhưng chỉ gồm 2 vòng. Vòng đầu, 8 đội đua để chọn ra 4 đội vào vòng sau tranh chức quán quân.

Sở dĩ gọi là “đua thuyền tứ linh” vì trong cuộc đua có sự tham gia tranh tài của 4 con thuyền, mỗi thuyền mang tên một con vật trong bộ tứ linh, đó là: Long, Ly (Lân), Quy, Phụng (Phượng). Thuyền đua làm bằng mê tre, dài khoảng 8m, lòng thuyền chỗ rộng nhất chừng 1,5m, có dáng thon và nhẹ để khi đua có thể lướt nhanh về phía trước. Đầu và đuôi thuyền, người ta trang trí hình các con vật rồng, lân, rùa, phượng, theo kiểu chạm khắc trên gỗ rồi ghép vào thuyền. Gỗ dùng chạm khắc là loại gỗ cây bợp, có đặc điểm nhẹ và không bị mối mọt làm hỏng.

Mỗi đội đua thường có 15 người, đều là nam giới, trong đó có 1 tổng lái, 1 tổng thương, 1 tổng mũi, và 12 tay chèo. Tổng mũi là người chỉ huy, ngồi ở đầu thuyền; tổng thương ở giữa lo tát nước; tổng lái chiếm vị trí đuôi thuyền, là tay chèo lão luyện, vừa dùng mái chèo giữ thăng bằng cho con thuyền khi lướt nhanh về phía trước, vừa ra những động tác mạnh mẽ, khéo léo lái con thuyền đua ở những điểm quay đầu.

Ở Lý Sơn này có 13 họ tộc trên đảo là hậu duệ của những hùng binh Hoàng Sa năm xưa. Cụ Ngô Lý (84 tuổi, ngụ thôn Đông, xã An Vĩnh) kể: Cứ mùng Một Tết hằng năm, cụ cùng con cháu đi dâng hương tại nhà thờ tổ tiên, đình làng và Khu trưng bày Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải. Thông qua từng tờ sắc lệch, mô hình chiếc thuyền câu ngày xưa và các kỷ vật, cụ kể cho con cháu nghe về tổ tiên mình đã anh dũng bám biển, bảo vệ chủ quyền biển đảo ở Hoàng Sa và Trường Sa.

“Đã cập kề tuổi gần đất xa trời rồi, tôi mong con cháu luôn khắc ghi lịch sử về Đội hùng binh Hoàng Sa và phải lưu truyền cho thế hệ sau”.

Bà Phạm Thị Hương, Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn cho biết: “Lễ hội đua thuyền đầu Xuân trên đảo Lý Sơn là sinh hoạt văn hóa truyền thống, gắn kết cả về phần lễ với phần hội, lôi cuốn đông đảo người dân địa phương du khách, tạo nên không khí phấn khởi, vui tươi trên đảo mỗi dịp Tết đến, Xuân về”.

Hằng năm, Lễ hội đua thuyền tứ linh, không chỉ diễn ra trong dịp Tết cổ truyền, mà người dân Lý Sơn còn tổ chức vào dịp Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa vào tháng 2 và tháng 3 âm lịch. Trong tháng 4/2013, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã công nhận Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Và mới đây, ngày 30/9/2020, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có Quyết định số 2729/QĐ- BVHTTDL đưa Lễ hội đua thuyền tứ linh (xã An Hải, An Vĩnh) vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Sự kiện này mang lại niềm vui, niềm tự hào lớn đối với người dân đất đảo.

Tin cùng chuyên mục
Tour du lịch độc đáo thăm làng "cá gỗ"

Tour du lịch độc đáo thăm làng "cá gỗ"

Dù ra mắt vào cuối năm 2023, song tính đến thời điểm hiện tại, sức hút của tour du lịch "Làng cá gỗ - sau ánh hào quang" vẫn chưa hề suy giảm. Về làng Quỳnh Đôi, du khách không chỉ có dịp ghé thăm vùng đất khoa bảng nức tiếng của xứ Nghệ mà còn được lắng nghe giai thoại về con cá gỗ, thấm thía câu chuyện của những người khai ấp lập làng, gian nan đưa thầy về dạy học để duy trì nghiệp đèn sách nơi đây.