Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sắc màu 54

Người hát khúc ca Hoàng Sa trên đảo Lý Sơn

Nguyễn Trang - 16:54, 01/06/2020

Ở tuổi 74, bà Đỗ Thị Hảo, thôn Tây An Vĩnh, huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) vẫn thường hát ru những khúc ca về Hoàng Sa, Trường Sa… như nỗi nhớ về những đội hùng binh Hải đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải năm xưa ra đi khẳng định chủ quyền biển đảo. Bà là “pho sử thi sống” cuối cùng ở Lý Sơn qua những câu hát ru.

Bà Đỗ Thị Hảo thôn Tây An Vĩnh, huyện đảo Lý Sơn là người giữ điệu hát ru về bảo vệ chủ quyền biển đảo Hoàng Sa, Trường Sa
Bà Đỗ Thị Hảo thôn Tây An Vĩnh, huyện đảo Lý Sơn là người giữ điệu hát ru về bảo vệ chủ quyền biển đảo Hoàng Sa, Trường Sa

Khúc hát ru Hoàng Sa hay tấm lòng người mẹ?

“Ơ..hớ...Ơ… Lý Sơn hải đảo xa khơi/Quanh năm sóng vỗ bên trời bao la/Hoàng Sa trời nước bốn bề/Đội quân Bắc Hải quyết thề bảo ân…”, giọng hát của bà Đỗ Thị Hảo vang lên trong căn nhà nhỏ để mở lời cho câu chuyện hát ru trên đảo Lý Sơn.

Từ xa xưa, khi những đứa trẻ vừa lọt lòng mẹ đã được mẹ ru ngủ bằng những câu hát ru. Những người mẹ đã nuôi dưỡng tâm hồn những đứa trẻ bằng câu hát ru. Lúc ấy, những câu hát ru chỉ đơn giản là điệu hát bà mẹ ru con. “Khi lớn lên, tôi nghe những điệu hát hố, hát làm nhà, hát chèo thuyền khơi xa…, nhưng tôi vẫn thích nghe hát ru”, bà Hảo nói.

Những điệu hát ru Hoàng Sa được bà Hảo tự phổ và đọc thuộc từ năm 2007, mỗi bài hát, bà Hảo dành khoảng một ngày để ngâm ca từ, sau đó lên đường biểu diễn.

Bà Hảo đã đưa những câu ca được lưu truyền bao đời nay ở đảo Lý Sơn vào trong từng câu hát ru “Hoàng sa mây nước bốn bề/ Tháng Hai, Ba khao lề thế lính Hoàng Sa”… Trong những câu hát ru bà Hảo còn gợi mở cảnh đẹp đảo Lý Sơn và quần đảo Hoàng Sa: “Lý Sơn hải đảo xa khơi/Quanh năm sóng vỗ bên trời bao la/… /Hoàng Sa sóng biển vỗ mênh mông/ Hải âu chao cánh giữa nắng hồng….”, giữa mỗi câu hát vẫn là điệu ru “Ơ….hớ…ơ…” cũ vang vọng khắp vùng biển.

Một góc đảo Lý Sơn
Một góc đảo Lý Sơn

“Pho sử thi” bằng câu hát ru

Hơn 100 bài hát ru được lưu giữ trong trí nhớ của bà Hảo, đa số là từ những bài của mẹ bà để lại, đến những bài do bà tự sáng tác. Những câu hát ru về thời hình thành đảo Cù Lao Ré và cư dân đầu tiên sinh sống. “Có trời, có đất có hòn lau/ Bến đò sang coi thử thế nào/Năm cụ hòn sơn cao vời vợi/Tứ bề sóng vỗ lao xao”… Nói về 5 ngọn núi kiến tạo đảo Lý Sơn từ hàng triệu năm trước gồm Giếng Tiền, Thới Lới, Hòn Sỏi, Hòn Vung và Hòn Tai.

Bà cho biết: “Cái khó của hát ru là giữ hơi trong âm giọng. Âm vang của hát ru phải xa, kéo dài hơi như những con sóng nối liền vươn biển lớn. Hát ru lại không có phổ nhạc mà nó gần như một loại cổ nhạc, người hát phải tự biên, diễn sao cho vẫn giữ được đúng điệu hát ru vừa có hồn”.

Bà Hảo đã tham gia nhiều chương trình biểu diễn dân gian. Năm 1997, bà Hảo tham gia chương trình “Lời ru của mẹ” ở tỉnh Quảng Ngãi. Đó là lần đầu tiên bà vượt biển trên con thuyền gỗ để vào đất liền. Bà may mắn nhận được giải Đặc biệt phần thi cá nhân. Đến nay, bà đã góp tiếng ru cho nhiều cuộc thi trên huyện Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi.

Những lời hát ru của bà đã thể hiện chặng đường lịch sử đã qua: “Như con thuyền Tổ quốc vượt nguy nan/Để mạnh tiến trên con đường dân chủ”; ngợi ca Bác Hồ: “Tên của Bác dâng yêu Người thắm thiết/Cùng đồng tâm nhất trí bước theo Người/ Đường tự do rực rỡ khắp hoa tươi/ Cờ cách mạng ngang trời bay phất phới…”.

Là người giữ “pho sử thi sống” ở Lý Sơn qua những câu hát ru, bà Hảo trăn trở: “Nhiều người già trên đảo đã ra đi, những lớp trẻ không mấy ai học hỏi hát ru Hoàng Sa, Trường Sa. Tôi mong có người tiếp nối điệu hát ru biển đảo quê hương”.

Tin cùng chuyên mục
Tự hào nguồn cội

Tự hào nguồn cội

Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương là loại hình Di sản tập quán xã hội, tín ngưỡng và lễ hội được UNESCO ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Có vị trí quan trọng trong đời sống tinh thần của người Việt, Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương đã lắng đọng trong tâm thức mỗi người dân niềm tự hào về nguồn cội con rồng cháu tiên, xuyên suốt chiều dài hàng nghìn năm lịch sử, lan tỏa mạnh mẽ đến mọi miền Tổ quốc, trở thành bản sắc văn hóa độc đáo của người Việt Nam.