Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Kinh tế

Đưa tinh bột sắn dây Ngọc Liên thành sản phẩm OCOP

Quỳnh Trâm - 11:41, 25/02/2021

Với đặc thù thổ nhưỡng phù hợp cho cây sắn dây phát triển, củ to nhiều bột, dễ trồng, không tốn chi phí nên sắn dây đã trở thành cây trồng truyền thống của hầu hết các hộ dân ở xã Ngọc Liên, huyện miền núi Ngọc Lặc (Thanh Hóa). Những năm gần đây, do nhu cầu tiêu thụ của khách ngày càng cao, góp phần tăng thu nhập, giảm nghèo cho người dân địa phương. Do đó, chính quyền xã xác định, đây là một trong những cây trồng chủ lực, ưu tiên phát triển để trở thành sản phẩm OCOP của huyện

Năm nay do thời tiết thuận lợi nên năng suất sắn dây đạt khá, từ 850 - 900 kg củ tươi/sào
Năm nay do thời tiết thuận lợi nên năng suất sắn dây đạt khá, từ 850 - 900 kg củ tươi/sào

Những năm trước đây, các hộ dân ở xã Ngọc Liên chỉ trồng sắn dây rải rác, quy mô nhỏ lẻ, manh mún, năng suất thấp. Nhận thấy tiềm năng phát triển cây sắn dây, từ năm 2015 đến nay, chính quyền địa phương đã quy hoạch đất đai, vận động người dân chuyển đổi diện tích đất sản xuất kém hiệu quả sang trồng sắn dây. Đồng thời, tổ chức các lớp tập huấn chuyển giao kỹ thuật trồng và chăm sóc cây sắn đạt hiệu quả cao.

Tại thôn 1 và thôn 4 có diện tích trồng sắn dây lớn hơn cả với khoảng 70ha, trung bình mỗi hộ trồng từ 3-4 sào đến vài ha, mang lại thu nhập tốt cho nhiều hộ dân ở Ngọc Liên.

Chị Dương Thị Phương ở thôn 4, có diện tích trồng sắn và quy mô sản xuất tinh bột khá lớn trong xã. Chị Phương cho biết, sắn dây là loại cây dễ trồng, chịu hạn tốt, ít công chăm sóc lại ít sâu bệnh, chi phí đầu tư thấp do tự nhân giống cho các vụ liền kề. Đặc biệt, loại cây này lại rất hợp với chất đất và điều kiện khí hậu ở vùng đất đồi Ngọc Liên. Do vậy, sắn dây trồng ở đây cho năng suất và chất lượng củ rất tốt.

Mỗi năm, người dân Ngọc Liên trồng 1 vụ sắn dây, thường đầu năm cấy giống và thu hoạch vào cuối năm, thường là trước Tết.

Năm nay, do thời tiết thuận lợi nên năng suất sắn dây đạt khá, từ 850 - 900 kg củ tươi/sào, với giá bán trung bình 7.500 đồng/kg, người dân thu được 6,3 - 6,5 triệu đồng/sào. Nhiều gia đình thu nhập 9 triệu đồng/sào, cao hơn hẳn so với các loại cây trồng khác.

Sắn dây có thể được luộc chín để ăn. Nhưng phần lớn, người dân chế biến sắn dây thành tinh bột để xuất bán ra thị trường.

Chị Phương cho biết: “Mỗi sào trồng sắn dây cho thu hoạch trung bình 800-900 kg sắn tươi, tương ứng 1,8 tạ bột khô, bán với giá 90.000 -100.000 đồng/kg sẽ thu được trên 16 triệu đồng/sào, cho doanh thu 400 triệu đồng/ha”.

Gia đình bà Lê Thị Thu ở xã Ngọc Liên có 5ha chuyên trồng sắn dây. Năm nay, năng suất củ đạt khá, cứ mỗi gốc đạt từ 8 tạ đến 1 tấn củ.

Quy trình từ trồng đến thu hoạch và sản xuất thành tinh bột sắn dây Ngọc Liên được người dân áp dụng kỹ thuật máy móc thay thế sức người.
Quy trình từ trồng đến thu hoạch và sản xuất thành tinh bột sắn dây Ngọc Liên được người dân áp dụng kỹ thuật máy móc thay thế sức người.

“Hiện nay, việc trồng và sản xuất sắn dây không còn vất vả nữa, vì các khâu từ rửa củ, nghiền, lọc lấy tinh bột, phơi sấy đều được thay thế dần bằng các loại máy móc hiện đại nên đã giảm công lao động và nâng cao chất lượng thành phẩm. Hiện tôi không bán củ tươi nữa mà đưa vào chế biến hết. Sản phẩm của chúng tôi làm ra đều được các thương lái đặt hàng trước”, bà Thu nói.

Để hướng đến xây dựng thương hiệu sắn dây Ngọc Liên trên thị trường, nhiều hộ dân đã chú trọng khâu thiết kế bao bì, nâng cao chất lượng sản phẩm.

Anh Lê Bá Toàn, chủ cơ sở sản xuất bột sắn dây ở Ngọc Liên cho hay: Dù các hộ dân đã có truyền thống trồng sắn dây khoảng 20 năm nay, nhưng hiện vẫn đang mang tính tự phát, chưa có đầu ra ổn định.

Để sản phẩm có chỗ đứng vững trên thị trường và tiêu thụ được sản phẩm nhiều hơn, một số hộ dân đang tìm hướng đi chung như, liên kết thành lập Hợp tác xã sản xuất tiêu thụ tinh bột sắn Ngọc Liên.

Ông Phạm Phú Xuân, Phó Chủ tịch UBND xã Ngọc Liên cho biết: Cây sắn dây được xác định là một trong những loại cây chủ lực góp phần thoát nghèo cho người dân địa phương.

Mùa thu hoạch sắn dây 2020, nhiều nông dân ở xã Ngọc Liên phấn khởi bởi, cây sắn dây cho năng suất tốt. Theo ông Xuân, sản phẩm tinh bột sắn dây Ngọc Liên cũng đang hoàn thiện hồ sơ để được thẩm định sản phẩm OCOP của huyện.