Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sắc màu 54

Đưa trang phục truyền thống của người Mông đến bạn bè quốc tế

Kim Anh - 16:36, 11/03/2022

Bằng niềm say mê, sáng tạo với trang phục truyền thống, cô gái dân tộc Mông Giàng Thị Chá (sinh năm 1995), đã “thổi hồn” vào những bộ trang phục của dân tộc mình. Cùng với việc đưa những trang phục giới thiệu và bán cho nhiều bạn bè ở các nước như Pháp, Mỹ, Lào, Nga, Thái Lan... tăng thu nhập cho gia đình, Giàng Thị Chá còn góp phần tạo việc làm thêm thu nhập cho một số chị em phụ nữ tại địa phương.

Chị Giàng Thị Chá may chiếc áo truyền thống dân tộc Mông do khách đặt
Chị Giàng Thị Chá may chiếc áo truyền thống dân tộc Mông do khách đặt

Đam mê sáng tạo với trang phục dân tộc

Trong căn phòng rộng khoảng 40m2 nằm tại xã Sín Chéng (huyện Si Ma Cai, tỉnh Lào Cai),  Giàng Thị Chá khéo léo, tỉ mẩn từng đường kim, mũi chỉ cho những công đoạn cuối cùng của chiếc váy xòe của người Mông.

Vừa dùng tay di chuyển máy thêu chị vừa kể, năm lên 10 tuổi, chị được mẹ dạy may, thêu thổ cẩm, làm trang phục truyền thống của người Mông. Cũng từ đó, tình yêu với những bộ trang phục dân tộc lớn dần, khiến chị ngày càng đam mê và mong muốn sáng tạo, tìm tòi.

Sau khi tốt nghiệp Trường Cao đẳng Lào Cai, mặc dù có nhiều cơ hội việc làm, nhưng Giàng Thị Chá trở về quê lựa chọn theo con đường dệt, may. Trong 5 năm qua, dưới đôi bàn tay khéo léo của mình, chị đã có rất nhiều bộ váy áo sặc sỡ được thiết kế cách tân cầu kỳ, đẹp mắt nhưng mang đậm bản sắc vùng cao. Những trang phục như váy, áo xẻ ngực, thắt lưng, xà cạp… với những nét hoa văn, họa tiết thêu độc đáo, thu hút sự quan tâm và chú ý của nhiều người dân, du khách.

“Thông thường, một bộ trang phục dạng áo váy dài, may cầu kỳ nhiều họa tiết, phải mất ít nhất 3 ngày để hoàn thiện, bao gồm cả khâu xâu hạt cườm, đính hạt vòng trang trí vào váy. Những chiếc áo, váy ngắn đơn giản thì sẽ mất 2 ngày”, Giàng Thị Chá chia sẻ.

Từ bộ trang phục truyền thống của phụ nữ Mông, chị Giàng Thị Chá cách tân thành nhiều kiểu dáng, mẫu mã để phù hợp với mọi lứa tuổi. Chá nói, ngay từ khâu lựa chọn vải, thiết kế mẫu, kiểu dáng luôn phải dồn nhiều tâm huyết, để mỗi bộ trang phục sẽ phù hợp với từng vóc dáng và mục đích sử dụng.

Những bộ trang phục của chị Chá được nhiều du khách nước ngoài yêu thích và lựa chọn
Những bộ trang phục của chị Chá được nhiều du khách nước ngoài yêu thích và lựa chọn

Đưa trang phục truyền thống đến bạn bè quốc tế

Thời gian đầu mới sản xuất, chị Chá chủ yếu bán tại các phiên chợ vùng cao nơi sinh sống. Hai năm trở lại đây, tận dụng kênh bán hàng qua mạng xã hội như facebook, zalo… chị chuyển sang bán online, theo đơn đặt hàng. Chị thường xuyên cập nhật các bài đăng, hình ảnh về các sản phẩm chị may, thêu và Livestream bán hàng. Cũng từ đó, khách hàng biết đến chị nhiều hơn, đơn đặt hàng ngày một tăng.

Trong thời gian bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, trung bình một tháng, chị Chá bán khoảng 20 bộ váy, áo. Đặc biệt, đến nay, khoảng 500 bộ váy, áo đã được chị bán đi nhiều nơi trên thế giới như Pháp, Mỹ, Lào, Thái Lan, Nga.

“Tôi rất vui khi những sản phẩm truyền thống của quê hương mình có thể giới thiệu, quảng bá đến bạn bè quốc tế. Nhiều khách hàng khi nhận đã dành những lời khen, niềm yêu thích với bộ trang phục. Đặc biệt, họ còn chụp lại những khoảnh khắc khi mặc trang phục người Mông đi dự sự kiện, dự tiệc cho chúng tôi xem”, chị Chá nói.

Khách hàng mặc trang phục truyền thống người Mông chụp ảnh tại Hội Tết quốc tế của người Mông tại Merced, Califonia năm 2022
Khách hàng mặc trang phục truyền thống người Mông chụp ảnh tại Hội Tết quốc tế của người Mông tại Merced, Califonia năm 2022

Mỗi bộ trang phục tùy kiểu dáng, kích thước sẽ có giá 2 - 4 triệu đồng/bộ… Trung bình mỗi năm, nghề may trang phục truyền thống đem lại cho gia đình chị Chá thu nhập từ 100 - 150 triệu đồng. Từ đó, đã tạo việc làm cho 3 lao động thường xuyên, 7 - 8 lao động thời vụ, với mức thu nhập trung bình 3 - 4 triệu đồng/người/tháng.

“Thời gian tới, tôi chuẩn bị xuất khoảng 20 bộ váy, áo sang nước Mỹ. Niềm vui lớn nhất với tôi là được nhìn những “đứa con tinh thần” được nhiều bạn bè quốc tế biết đến. Để đảm bảo tiến độ đơn hàng, tôi dự định sẽ mua thêm 2 chiếc máy khâu và thêm nhân công khi có đủ kinh phí”, chị Chá chia sẻ.

Ông Vàng A Phử, Phó Chủ tịch UBND xã Sín Chéng (huyện Si Ma Cai) cho biết, chị Giàng Thị Chá với tình yêu, sự đam mê trang phục truyền thống của dân tộc, thông qua các nền tảng mạng xã hội như facebook, zalo… đã quảng bá và giới thiệu những nét đẹp truyền thống của đồng bào người Mông đến bạn bè quốc tế. Chị là tấm gương điển hình khơi dậy tinh thần dám nghĩ, dám làm cho chị em phụ nữ người DTTS trong xã về phát triển kinh tế hiện nay.

Tin cùng chuyên mục
Kết nối di sản văn hóa phi vật thể - “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên”

Kết nối di sản văn hóa phi vật thể - “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên”

Trong 2 ngày 21, 22/11, Cục Di sản văn hóa, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk tổ chức Tập huấn triển khai mô hình kết nối di sản văn hóa phi vật thể “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên” trong hành trình du lịch di sản Buôn Ma Thuột - Đắk Lắk.