Thánh đường Giáo xứ Bảo NhamXế chiều, tôi về tới Giáo xứ Bảo Nham ở xã Bảo Thành, huyện Yên Thành (Nghệ An). Nắng xuân ấp áp rải đều, như xua đi những tê tái còn sót lại của đợt gió mùa mấy ngày trước. Đường làng thẳng thớm, sạch sẽ; có khi lại vòng cua ôm theo mấy hàng cây đương mùa trút lá… Và rồi, trong tiếng chuông vang vọng của Giáo đường, tôi được chứng kiến một nghi thức, được nghe những lời rất đỗi thiêng liêng của những tín hữu Ki tô, từ lời của Phê rô Nguyễn Đình Thuyết.
Được biết, ông Thuyết làm Trưởng ban Phụng vụ Giáo xứ Bảo Nham cũng đến 16 năm. Người đàn ông tầm thước, nhã nhặn, giản dị, nói năng mạch lạc, trôi chảy như chính cái tên của ông. Ông kể: Cứ ngày đầu tháng, tôi lại báo cáo danh sách những trẻ đã sinh trong tháng vừa qua, để Cha làm lễ rửa tội. Định kỳ mỗi tháng sẽ làm lễ rửa tội một lần.
- Thưa ông! Mới sinh thì đâu đã có tội tình gì mà phải rửa? – Tôi hỏi đầy vẻ ngạc nhiên.
- Một nghi thức khẳng định dấu ấn đầu tiên của một tín hữu. Nhưng đó là nghi thức quan trọng đầu đời, không thể bỏ qua, không thể xem nhẹ, ông Thuyết bảo.
Trong câu chuyện với Trưởng ban Phụng vụ Giáo xứ Bảo Nham, nghi thức thiêng liêng ấy được ông kể bằng một chất giọng nghiêm trang, bằng một thái độ tôn trọng; như thể ông Thuyết vừa kể, vừa thực hành nghi lễ dưới mái Giáo đường.
Để thực hiện nghi lễ này, mỗi gia đình chuẩn bị một áo trắng tinh tuyền. Đứa bé được cha mẹ bế đến Thánh đường cùng người đỡ đầu. Trước đó, đứa bé đã được đặt một tên Thánh phù hợp theo tên các vị thánh trong Thiên Chúa giáo, có thể là Phê rô, Gioan, An tôn… “Như tôi đây, đặt tên thánh là Phê rô Nguyễn Đình Thuyết là một ví dụ. Tên Thánh sẽ đi theo con người suốt cả một đời”, ông Thuyết trải lòng.
Thiêng liêng lễ rửa tội cho trẻ sơ sinh - Ảnh GXBNỞ vị trí của một người quản xứ, sau khi nhận danh sách những đứa trẻ mới sinh từ Trưởng ban Phụng vụ Giáo xứ, Cha xứ sẽ chọn lựa một ngày phù hợp nhất. Ngay sau đó, ngày rửa tội sẽ được thông báo xuống tận mỗi gia đình.
Ngày rửa tội trẻ sơ sinh là ngày đánh dấu mốc quan trọng đầu tiên của một tín hữu. Với người ngoại đạo như chúng tôi, thì tôi nghĩ, đó là ngày mà đức tin được hình thành, cũng là ngày đánh dấu một con người đặt chân vào cửa Chúa, nguyện một đời đi theo Chúa…
Trong không gian tôn nghiêm của giáo đường, trong ánh nến Phục Sinh tỏa sáng, trong thanh âm của những lời kinh cầu nguyện tự đáy lòng của người sinh thành… cũng là lúc tên Thánh của những đứa trẻ sơ sinh được Cha xứ xướng lên. Và rồi, nghi thức rửa tội bắt đầu được thực hiện đầy trang trọng như thế; như một dấu ấn đầu tiên của một tín hữu.
Ông Thuyết kể: Trước khi làm lễ rửa tội, các gia đình được hỏi lại lần cuối về việc có đồng ý làm lễ rửa tội cho bé hay không? Khi đã thống nhất, thì nghi lễ mới bắt đầu thực hiện. Cha dùng dầu làm dấu thánh trên trán của bé, xin ơn Chúa thánh thần, đọc Phúc âm rồi diễn giải cho cha mẹ và người đỡ đầu của trẻ nghe, hiểu về bổn phận của bản thân trong chăm sóc nuôi dạy trẻ. Tiếp đến, Ngài cầm một bình nước đã được làm phép rồi nhân danh Cha và Thánh thần để rửa tội. Cuối cùng, Ngài mở miệng ca rao Thiên chúa và mở tai cho bé.
Tại thời khắc linh thiêng ấy của một con chiên, đất trời như ngừng lại trong Thánh lễ đầu tiên của một cuộc đời. Thánh lễ ấy là nơi đức tin được gieo mầm và lớn lên trong mỗi tâm hồn.
Thánh lễ rửa tội cho trẻ sơ sinh là nơi đức tin được gieo mầm và lớn lên trong mỗi tâm hồnKể thêm với chúng tôi, Phê rô Nguyễn Đình Thuyết nói rằng: Ở đâu có sự hiện diện của Chúa, ở đâu có tín hữu người Ki tô, thì ở đó có lễ rửa tội cho trẻ sơ sinh. Lễ rửa tội có thể được Cha xứ thực hiện tại các Giáo họ hoặc các Giáo xứ, tùy theo điều kiện tình hình thực tế.
16 năm đảm đương chức Vụ trưởng Ban Phụng vụ Giáo xứ Bảo Nham, ông Thuyết có nhiều kỉ niệm. Rất nhiều người đã nhờ ông làm cha mẹ đỡ đầu cho những đứa trẻ, nhưng rồi trong một nghi lễ trang trọng và thiêng liêng, với nhiều phần việc tỉ mỉ, cẩn thận… nên dù rất muốn nhưng ông chẳng thể nhận lời.
Bản thân ông, không chỉ là một tín hữu phụng sự của giáo xứ; mà còn là phụng sự, giúp việc cho rất nhiều Cha xứ về quản xứ. Mỗi Cha một đức tính, một phương pháp làm việc khác nhau… nhưng tất thảy đều bắt gặp ở họ tâm thế kính Chúa, yêu nước. Và ông, đã học được những điều ấy để ngày càng răn mình, điều chỉnh bản thân hơn trong cuộc sống.
Ông Thuyết chia sẻ: Trước đây thì khác. Ở giai đoạn hiện tại, những gia đình có trẻ mới sinh, sau khi đăng kí rửa tội với tôi, thì danh sách ấy được lưu qua 3 sổ lưu; trong đó, Cha xứ giữ một sổ, tôi giữ một sổ… Vì thế, sẽ có sự thống nhất, chính xác họ tên khai sinh, tên Thánh của những tín hữu, ngay từ lúc lọt lòng.
Câu chuyện với Phê rô Nguyễn Đình Thuyết cứ thế kéo dài. Như tiếng chuông chiều ngân vang khắp Thánh đường trong một nghi lễ nào đó. Chợt thấy lòng mình thanh thản, nhẹ nhàng như thể mình cũng là một tín hữu Ki tô. Với mỗi đời người, dù là lương dân hay giáo dân thì sẽ có quá nhiều khoảnh khắc, quá nhiều sự kiện… sẽ đi theo suốt cả một hành trình, không thể quên. Những tín hữu theo đạo Ki tô, đang có một khoảnh khắc đầu đời như thế, dưới mái Thánh đường – khoảnh khắc tên Thánh được xướng lên trong nghi lễ rửa tội đầu đời…