Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Công tác Dân tộc

Gặp những Người có uy tín “miệng nói tay làm” ở Nhôn Mai

An Yên - 19:23, 10/12/2023

Không chỉ nói điều hay, lẽ phải, thực hiện nghiêm túc chủ trương của Đảng và chấp hành pháp luật của nhà nước; những Người có uy tín ở xã Nhôn Mai, huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An còn là “đầu tàu” phát triển kinh tế giỏi ở địa phương, trở thành tấm gương sáng cho bà con dân bản học theo, làm theo.

Mô hình nuôi bò nhốt của người dân xã Nhôn Mai
Mô hình nuôi bò nhốt của người dân xã Nhôn Mai

Nhắc đến Trưởng bản Thằm Thẩm, xã Nhôn Mai Và Bá Ca, ai cũng xuýt xoa: Ồ, trưởng bản Ca à; ông ấy nói hay lắm, làm giỏi lắm đó. Cả bản này ai cũng quý đấy.

Thằm Thẩm là bản người Mông thuộc xã biên giới Nhôn Mai nằm tít tắp trên núi cao. Dù thuộc địa giới hành chính của huyện Tương Dương, nhưng để đến được với Thằm Thẩm cũng ngót nghét 160km đường rừng. Con đường dễ dàng nhất để đến Nhôn Mai là đi theo Quốc lộ 16, bắt nguồn từ thị trấn Mường Xén. Còn trước đó, cũng phải mất chừng 50km từ thị trấn Hòa Bình (Tương Dương) ngược Quốc lộ 7A lên Mường Xén (Kỳ Sơn).

Trưởng bản và Bá Ca đang tổ chức thu hoạch sắn
Trưởng bản Và Bá Ca đang tổ chức thu hoạch sắn

Cùng với Mai Sơn - một xã biên giới liền kề, thì ở Nhôn Mai, ngoài trồng sắn, trồng rừng; thế mạnh ở vùng đất này là chăn nuôi đại gia súc và trồng đào. Tận dụng lợi thế của vùng đất với khí hậu mát mẻ, nhiều đồi núi, ông Và Bá Ca đã phát triển chăn nuôi trâu bò làm xương sống cho kinh tế hộ gia đình. Ngoài duy trì chăn nuôi trâu, bò vỗ béo từ 5-7 con trong chuồng; Và Bá Ca còn chăn nuôi thả trong vùng hơn 30 con trâu bò.

Các ngành đoàn thể và bà con xã Nhôn Mai thăm mô hình chăn nuôi của ông Và Bá Ca
Các ngành đoàn thể và bà con xã Nhôn Mai thăm mô hình chăn nuôi của ông Và Bá Ca

Ở nơi thâm sơn này, làm sao chống rét và cho trâu bò no cái bụng? - Tôi hỏi thì Trưởng bản Ca xua tay: Ấy, phải làm lán chớ. Khi trời lạnh thì lùa về, đốt lửa cho chúng sưởi. Còn thức ăn, mình trồng cỏ này, tận dụng lá sắn này… cứ gọi là no bụng thôi.

Chúng tôi còn mải mê với mấy con trâu bò nhốt ở chuồng, thì ông Và Bá Ca đưa tay lên miệng hú dài một tiếng. Độ mươi phút sau, trâu, bò ở đâu lừng lững đi về. Rồi ông nhanh nhẹn rải muối trộn vào thức ăn là những đám cỏ đã cắt sẵn. “Muối là thứ để trâu, bò nhớ nhà mà về đó”, ông Ca buột miệng.

Bên cạnh đàn trâu bò hơn 30 con, ông Và Bá Ca còn có trong tay 1,5ha đào cùng 1,5ha sắn. Chỉ tính tiền bán cành đào mỗi dịp tết thôi, vị trưởng bản này đã bỏ túi chừng 70 triệu đồng rồi. “Tổng thu nhập mỗi năm, gia đình cũng đã thu về chừng 150-200 triệu đồng”, ông Ca cho biết.

Thu nhập chừng đó là triệu phú rồi? Tôi reo lên còn ông Và Bá Ca chỉ cười: Phải làm thôi, phải tự túc để lo cho con cái ăn học và các chi phí khác nữa. Đã ăn thua gì đâu.

Người dân bản Na Lợt xã Nhôn Mai thu hoạch gừng
Người dân bản Na Lợt, xã Nhôn Mai thu hoạch gừng

Ở xã Nhôn Mai này, ông Xeo Văn Tình, dân tộc Khơ mú ở bản Na Lợt cũng được biết đến là người sản xuất giỏi được dân bản quý mến. Phát huy lợi thế vùng đất, khí hậu địa phương, ông Tình đã khai hoang, phục hóa, biến đất hoang ven suối thành 0,3ha trồng lúa nước để tự túc lương thực tại chỗ. Những khoảng đồi quanh nhà, được ông xuống giống 4ha keo lai, 2ha gừng, 10ha sắn... Trong trang trại của gia đình, ông Tình đã trồng thêm xoài, chuối, cam, quýt. Những loại cây ăn quả bén khí hậu vùng biên mà vươn mình xum xuê, lúc lỉu.

Dân bản Na Lợt còn nể phục người đàn ông Khơ Mú này ở đức tính cần cù, chịu khó, dám nghĩ và dám làm. Tận dụng diện tích hoang hóa quanh nhà, ông Tình đã chăn nuôi trên 30 con trâu, bò. Nhờ được chăn thả tự nhiên, trâu bò vùng biên xã Nhôn Mai cho thịt thơm ngon, rất được thương lái khắp nơi ưa chuộng tìm về thu mua.

Đường vào bản Na Lợt, xã Nhôn Mai
Đường vào bản Na Lợt, xã Nhôn Mai

Từ sưu tầm, nhân giống, hiện nay ông Tình đã có trong tay hơn 200 gốc chè Hoa vàng – một loại chè vẫn được ưu ái gọi là “nữ hoàng” của các loại trà. Xưa kia, loại trà này chỉ sử dụng cho vua chúa, người trong Hoàng tộc; còn được gọi với cái tên khác là Kim Hoa Trà, Trà Trường Thọ… Ở thời điểm hiện tại, 1kg chè hoa vàng có giá giao động từ 500-2 triệu đồng/kg tùy loại.

Tìm kiếm tư liệu để thực hiện bài viết này, chúng tôi được biết một thông tin đầy trân trọng. Ấy là, những kiến thức, kinh nghiệm từ sản xuất, trồng trọt, chăn nuôi của bản thân đã không được ông Ca, ông Tình giữ trọn cho riêng mình.

Nếu như với ông Và Bá Ca, sự chia sẻ kinh nghiệm còn bắt nguồn thêm từ vai trò, vị trí của một người trưởng bản thì, ở ông Xeo Văn Tình, điều đó lại khác. Ông Tình bộc bạch: Ai cần gì, khó khăn gì, tôi đều giúp mà. Tôi chỉ nghĩ rằng, nếu như ai cũng biết trồng trọt và chăn nuôi để làm ra của cải thì không còn lo đói nghèo nữa, bản làng sẽ giàu mạnh hơn.

Cuộc sống đồng bào DTTS ở xã Nhôn Mai ngày càng đổi thay
Cuộc sống đồng bào DTTS ở xã Nhôn Mai ngày càng đổi thay

Bản Na Lợt có 57 hộ với 240 nhân khẩu, là một bản 100% dân tộc Khơ Mú. Trình độ dân trí trong bản không đồng đều, nhận thức về mọi mặt còn nhiều hạn chế, đời sống Nhân dân còn gặp nhiều khó khăn. Nhờ sự hướng dẫn tận tình, chu đáo, trách nhiệm của ông Tình, bà con người Khơ Mú nơi đây đã biết cách thức chăm sóc cây, con; biết cách thức bảo vệ, chăm sóc gia súc, gia cầm…

 “Kinh tế người dân cũng ổn định hơn rồi đấy, nhiều người đã thoát nghèo rồi. Hiện nay, thu nhập bình quân đầu người của bản đã lên được hơn 10 triệu đồng/người/năm đấy”, ông Tình chia sẻ.

Chia tay vùng đất biên viễn Nhôn Mai, chia tay những con người hay lam hay làm… chúng tôi “đổ dốc” mà lòng rộn rã niềm vui. Chả mấy chốc nữa đâu, khi quay lại vùng đất giáp biên này, đời sống của bà con sẽ khác xưa; bắt đầu từ chính những mô hình kinh tế nông lâm hiệu quả, từ những gương sáng “miệng nói tay làm”…

Tin cùng chuyên mục
Bà Nguyễn Thị Thanh Hoà, Chủ tịch Hội bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam: Tiếp tục ưu tiên giải quyết nhiều vấn đề cấp thiết đối với trẻ em vùng DTTS và miền núi

Bà Nguyễn Thị Thanh Hoà, Chủ tịch Hội bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam: Tiếp tục ưu tiên giải quyết nhiều vấn đề cấp thiết đối với trẻ em vùng DTTS và miền núi

Những năm qua, từ các chỉ thị, nghị quyết, chính sách của Đảng và Nhà nước liên quan đến trẻ em, chúng ta đã đạt được nhiều kết quả tích cực trong công tác bảo vệ và chăm sóc, giải quyết được những vấn đề cấp thiết đối với trẻ em. Song hiện nay, trẻ em vùng DTTS và miền núi vẫn còn đối diện với nhiều vấn đề cần giải quyết như, tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi, bạo lực, tai nạn thương tích…Xung quanh vấn đề này Báo Dân tộc và Phát triển đã có cuộc trao đổi với bà Nguyễn Thị Thanh Hoà, Chủ tịch Hội bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam.