Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Phóng sự

Gặp thanh niên bị lừa đi Campuchia bán nội tạng

Lê Hường - 22:36, 04/03/2023

Sau thời gian được lực lượng chức năng giải cứu về an toàn và hiện nay đã tìm được việc làm ổn định, nhưng trong ký ức của anh Trần Đình Đạo ở thôn 1, xã Ea Bung, huyện Ea Súp, tỉnh Đắk Lắk vẫn chưa hết bàng hoàng vì bị lừa sang Campuchia bán nội tạng. Từ sự việc của anh, người dân vùng biên đã hiểu rõ bản chất, thủ đoạn lừa đảo của tội phạm trên mạng xã hội...

Công an xã, Đội Công tác vận động quần chúng Đồn Biên phòng cửa khẩu Đắk Ruê đến thăm gia đình Đạo
Công an xã, Đội Công tác vận động quần chúng Đồn Biên phòng cửa khẩu Đắk Ruê đến thăm gia đình Trần Đình Đạo

Cú lừa “xuất ngoại”

Đẩy vội chiếc xe rùa đầy cỏ vào trong, rồi gọi bố mẹ đang làm cỏ ở ruộng lúa phía sau nhà vào đón khách, cả gia đình Đạo tiếp chúng tôi trong bộ quần áo lấm lem bùn đất. Ông Trần Đình Đoàn - bố của Đạo, xúc động bảo: “Con tôi gặp may vì được giải cứu kịp thời. Khi hay tin con theo người lạ đi Campuchia, trong lòng tôi nghĩ là mất con thôi chứ gia đình biết đường nào mà tìm. Đạo được giải cứu trở về thật sự là điều may mắn quá lớn!”

Trò chuyện với chúng tôi, Đạo nhớ rõ đến từng chi tiết chuyến “xuất ngoại” đáng nhớ vừa qua. Đạo kể: Đầu tháng 10/2022, tôi nhắn tin vào nhóm Facebook “Hiến thận không pháp lý”. Một tài khoản trong nhóm đã ra giá bán một quả thận rất cao, sòng phẳng và không mất chi phí. Nghe theo lời hướng dẫn của người “mối lái” này, ngày 10/10 tôi bắt xe xuống TP. Hồ Chí Minh. Từ đây, nhóm “mối lái” đưa đón đến nơi tập kết. Ngoài tôi, còn có 4 người khác cũng được nhóm “mối lái” đón rước, rồi chở chúng tôi vượt biên sang Campuchia qua đường tiểu ngạch tỉnh Long An.

Trong quá trình di chuyển, họ chia thành nhiều chặng, mỗi chặng có người đưa đón riêng. Đến đất Campuchia, họ tách thành 3 đoàn đi theo các hướng khác nhau. Thấy quá trình di chuyển bị đổi xe nhiều lần, nhưng vẫn không gặp trực tiếp người đã trao đổi, thỏa thuận thì tôi biết mình bị lừa, nên đã nhắn tin cho anh trai Trần Đình Đông nhờ đến Công an xã cầu cứu.

Ngoài thời gian đi làm, Trần Đình Đạo phụ giúp gia đình công việc nhà
Ngoài thời gian đi làm, Trần Đình Đạo phụ giúp gia đình công việc nhà

Hành trình giải cứu

Sau khi tiếp nhận thông tin, Công an xã Ea Bung đã báo cáo Công an huyện, hướng dẫn ông Trần Đình Đoàn viết đơn trình báo, đồng thời hướng dẫn và nhờ người quen bên nước bạn giúp đỡ để giải cứu Đạo.

Theo Thiếu tá Bùi Văn Bền, Trưởng Công an xã Ea Bung, khi liên lạc với Đạo, Công an xã xác định được vị trí nơi Đạo đang ở là khu vực biên giới Campuchia giáp với Thái Lan. Đây là khu vực hẻo lánh, không có sòng bạc và địa bàn phức tạp về nạn buôn bán nội tạng người và ma túy ở Campuchia.

“Trước đây, tôi từng học ở Campuchia, nên có một số người bạn ở đây. Khi báo cáo và được Công an huyện đồng ý phương án, chúng tôi hành động ngay. Vì lúc đó Đạo đang ở nhà nghỉ chờ bàn giao người, nếu không giải cứu ngay sẽ không kịp. Hướng dẫn Đạo chi tiết cách thức trốn khỏi nhà nghỉ, nhờ xe ôm chở đi mua sim điện thoại, ra bến xe, mua vé xe. Khi thấy thời gian chờ xe lâu, tôi nhờ bạn thuê xe cho Đạo đi khỏi địa bàn và Đạo được bạn tôi đón đến nơi an toàn”, Thiếu tá Bùi Văn Bền kể lại.

Mặc dù đã đưa Đạo thoát khỏi hang ổ của nhóm buôn người, nhưng vì Đạo vượt biên trái phép nên đường về cũng phải được tính toán kỹ lưỡng. Sau khi bàn bạc và trao đổi với cán bộ Đại sứ quán Việt Nam bên Campuchia và được hướng dẫn cụ thể, Công an xã Ea Bung bắt xe khách cho Đạo về Việt Nam qua Cửa khẩu Quốc tế Mộc Bài tỉnh Tây Ninh. Đồng thời, hướng dẫn Đạo khai báo để Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Mộc Bài xử phạt hành chính vì qua lại biên giới không có thủ tục xuất cảnh, nhập cảnh theo quy định của pháp Luật. Đến sáng 14/10/2022, Đạo trở về nhà an toàn.

Theo Thiếu tá Bùi Văn Bền, ngoài Trần Đình Đạo, trên địa bàn xã Ea Bung không có trường hợp nào bị lừa đi Campuchia. Nhưng ở các địa phương khác trên địa bàn huyện cũng đã có một số trường hợp bị lừa sang Campuchia theo chiêu dụ làm việc nhẹ lương cao. Các đối tượng nhắm vào những thanh niên không có việc làm, hoặc việc làm không ổn định, để dụ dỗ qua Campuchia làm việc máy tính, nhưng thực chất dùng những người đó để tiếp tục lừa người Việt Nam hoạt động cờ bạc trực tuyến.

Một góc xã biên giới Ea Bung yên bình
Một góc xã biên giới Ea Bung yên bình

Tăng cường tuyên truyền người dân biên giới

Qua câu chuyện của Trần Đình Đạo, các cấp, ngành và đặc biệt là các lực lượng vũ trang thực hiện nhiệm vụ trên địa bàn xã Ea Bung, đang tiếp tục tăng cường các biện pháp tuyên truyền, cảnh báo người dân về thủ đoạn của bọn “buôn người”.

 Ông Phan Thanh Pha, Chủ tịch UBND xã Ea Bung cho biết: Nhờ thực hiện tốt công tác phối hợp với đơn vị thực hiện nhiệm vụ trên địa bàn, nhiều năm qua trên địa bàn không có vi phạm quy chế biên giới. Trong các buổi họp dân, chúng tôi đưa những câu chuyện thực tế về trường hợp bị lừa sang Campuchia được Công an xã giải cứu là công dân của địa phương nhưng vượt biên ở nơi khác để răn đe các thanh niên nêu cao cảnh giác, không nghe lời dụ dỗ việc nhẹ lương cao, sẽ rất khó khăn cho việc tìm đường trở về nước an toàn. Đến nay, Nhân dân địa bàn cũng đã nâng cao nhận thức về vấn đề này.

Xã Ea Bung có 6 thôn, hơn 1.000 hộ, hơn 4.000 nhân khẩu, với 7 dân tộc cùng sinh sống. Xã có đường biên giới 11,8 km, có 2 Đồn Biên phòng đóng chân, gồm Đồn Biên phòng Cửa khẩu Đắk Ruê và Đồn Biên phòng Yôk Mbre. Đồn Biên phòng Cửa khẩu Đắk Ruê đóng chân trên địa bàn xã Ea Bung, quản lý, bảo vệ 7,9 km đường biên giới tiếp giáp tỉnh Mondulkiri, Campuchia.

Thượng tá Phạm Đức Khá, Chính trị viên Đồn Biên phòng Cửa khẩu Đắc Ruê chia sẻ: Sau sự việc trên địa bàn xã Ea Bung có trường hợp bị lừa sang Campuchia bán nội tạng, chúng tôi đã chỉ đạo các Đội Công tác vận động quần chúng, Đội Công tác nghiệp vụ phối hợp với cấp úy, chính quyền địa phương tăng cường công tác tuyên tuyền, giáo dục người dân nêu cao cảnh giác trước những âm mưu, thủ đoạn của các đối tượng lừa đảo trên mạng xã hội đang len lỏi vào đời sống của người dân. Đến nay, người dân địa bàn đã hiểu bán chất và tuyên truyền lẫn nhau, tránh nghe theo, tin theo các đối tượng xấu trở thành người vi phạm pháp luật.

Tin cùng chuyên mục
Chuyện ở thung lũng nóc Ông Đến

Chuyện ở thung lũng nóc Ông Đến

Nóc Ông Đến là tên người dân gọi thân thương về nơi ở của mình. Còn gọi theo tên hành chính là tổ 4, thuộc thôn 2, xã Trà Giang, huyện Trà Bồng (Quảng Ngãi). Nóc Ông Đến như một một thung lũng nằm biệt lập giữa rừng xanh, nơi đây có 14 nóc nhà, với hơn 60 nhân khẩu là đồng bào Co sinh sống hòa mình với núi rừng.