Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sắc màu 54

Ghe ngo mô hình - Một phương thức gìn giữ văn hóa Khmer

Minh Triết - Dương Võ - 14:32, 22/08/2024

Từ những chiếc ghe ngo đạt giải tại các kỳ thi đấu vào dịp Lễ hội Ooc Om Bok được lưu giữ tại các chùa Khmer trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng, anh Kim Hưng, ấp Trà Canh A2, xã Thuận Hòa, huyện Châu Thành, tỉnh Sóc Trăng đã thiết kế và làm ra những chiếc ghe mô hình thu nhỏ. Thời gian đầu, anh chỉ tặng cho các chùa nhằm lưu giữ hình ảnh các ghe chiến thắng, qua đó góp phần bảo tồn, quảng bá hình ảnh về ghe ngo truyền thống của đồng bào Khmer.

Từ những chiếc ghe ngo đạt giải tại các Lễ hội Ooc Om Bok, anh Kim Hưng phỏng theo để thiết kế những chiếc ghe ngo mi ni
Từ những chiếc ghe ngo đạt giải tại các Lễ hội Ooc Om Bok, anh Kim Hưng phỏng theo để thiết kế những chiếc ghe ngo mi ni

Chia sẻ về đam mê của mình, anh Kim Hưng cho biết, từ nhỏ anh đã được ông ngoại hướng dẫn cách làm những chiếc ghe để chơi cùng với các bạn. Lớn lên, vào các dịp Lễ hội Ooc Om Bok (đua ghe ngo), anh đều đi xem để cổ vũ cho các đội. Anh thuộc lòng từng chiếc ghe của chùa nào, đạt giải gì, hình dáng, màu sắc ra sao. Từ đó, anh về nhà thiết kế thành những chiếc ghe mô hình giống những chiếc ghe đạt giải. Sau khi thành phẩm, anh mang đến tặng cho các chùa để trưng bày.

Tôi luôn sẵn sàng hướng dẫn, giúp cho những ai đam mê công việc chế tác ghe ngo. Đồng thời mong muốn sản phẩm của mình trở thành sản phẩm đặc trưng của địa phương nhằm góp phần quảng bá, giữ gìn nét văn hóa truyền thống của dân tộc Khmer”.

Anh Kim Hưng, ấp Trà Canh A2

Vật liệu anh Kim Hưng sử dụng là gỗ cây tràm bông vàng hoặc các loại gỗ có thân cây suông, sớ gỗ dẻo dễ tạo hình dáng thân ghe… “Công đoạn làm ghe ngo mi ni đầu tiên là phải tạo dáng ghe ngo, sau đó phơi và đụt thân ghe cho chuẩn, rồi tháp phần đầu ghe vào, tạo nét giống ghe ngo lớn, tùy theo khách hàng đặt, lựa chọn các mẫu. Bình quân mỗi chiếc ghe ngo mi ni phải làm mất thời gian gần 1 tuần”, anh Kim Hưng cho biết.

Hiện tại, anh đang đầu tư thêm các máy khoan, máy mài, máy bàu và máy lộng… để rút ngắn thời gian cho một sản phẩm hoàn thiện. Mỗi chiếc ghe ngo mi ni được anh Hưng thiết kế từ 1 đến 2m, chiều ngang từ 0,5 đến 0,8m, bán với giá từ 700.000 đến 800.000 đồng. Riêng ghe cà hâu mi ni có chiều dài từ 80cm - 1m, ngang 10cm được bán với giá từ 1,5 đến 2 triệu đồng, tùy vào sản phẩm khách hàng lựa chọn theo thiết kế.

“Ban đầu, tôi làm trong thời gian rảnh cho thỏa niềm đam mê, sau đó chia sẻ lên trang “Hội người yêu thích ghe ngo” trên Facebook. Ai ngờ nhận được hiệu ứng tích cực, nhiều người đặt mua nên làm bán theo đơn đặt hàng. Giờ tôi làm không kịp cho khách”, anh Hưng phấn khởi cho biết.

 Anh Kim Hưng đang hoàn thiện những chiếc ghe cà hâu mi ni
Anh Kim Hưng đang hoàn thiện những chiếc ghe cà hâu mi ni

Hiện nay, sản phẩm mô hình ghe ngo và ghe cà hâu thu nhỏ của anh không chỉ bán ở Sóc Trăng mà còn được khách hàng ở các tỉnh Trà Vinh, Cà Mau và du khách nước ngoài đặt mua.

Ngoài ghe ngo mi ni thì mô hình ghe cà hâu ít người biết đến nên anh Kim Hưng có ý định làm thêm những chiếc ghe cà hâu mi ni. Chế tác ghe cà hâu mi ni khó hơn ghe ngo do phải vẽ, thiết kế những chi tiết nhỏ cùng trang trí theo kiến trúc hoa văn của các ngôi chùa Khmer.

Anh Kim Hưng bộc bạch: “Nghề này ít có người làm nên tui muốn gắn bó lâu dài để duy trì và phát triển thêm. Mong sản phẩm của mình được nhiều người biết đến và được địa phương quan tâm đầu tư vốn để tôi mở rộng thêm”.

Tin cùng chuyên mục
Kiến trúc di sản nhà rường Huế trong dòng chảy hiện đại

Kiến trúc di sản nhà rường Huế trong dòng chảy hiện đại

Trong kiến trúc xây dựng xưa cũ, nhà rường Huế là một phần quan trọng, độc đáo của văn hóa Huế. Trong dòng chảy hiện đại, kiến trúc di sản nhà rường Huế với tuổi đời gần 400 năm đã xuất hiện những xu thế tích cực, phù hợp với mục đích và công năng sử dụng mới.