Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sắc màu 54

Vợ chồng nghệ nhân gần 30 năm vẽ nên những nét đẹp cho ghe ngo

N.Tâm – H.Diễm - 11:26, 06/11/2022

Mỗi năm cứ đến mùa Lễ hội Ooc Om Bok - Đua ghe ngo truyền thống, các chùa Nam tông Khmer, nơi có đội ghe ngo tham gia đều có kế hoạch chuẩn bị chu đáo từ khâu tuyển chọn vận động viên, sửa chữa, đến đóng chiếc ghe ngo mới. Theo đó, khâu làm đẹp cho những chiếc ghe ngo cũng không kém phần quan trọng từ những bàn tay khéo léo và tỉ mỉ của các nghệ nhân Khmer tạo cho các chiến ghe càng thêm nổi bật.

 Không khí lễ hội Ooc Om Bok - Đua ghe ngo truyền thống đã rộn ràng trong các chùa Khmer
Không khí lễ hội Ooc Om Bok - Đua ghe ngo truyền thống đã rộn ràng trong các chùa Khmer

Đến với chùa Chrôi Tưm Chắs (chùa Trà Tim cũ) phường 10, TP. Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng, dưới mái nhà dành cho chiếc ghe ngo của chùa, chúng tôi được tận mắt chứng kiến 2 nghệ nhân Lâm Phiên và Sơn Sà The chăm chú vẽ hình linh vật, ngọn lửa tượng trưng cho sức mạnh, đoàn kết, những đường nét tinh tế màu sắc nổi bật khiến chiếc ghe càng thêm rực rỡ.

Anh Lâm Phiên cho biết: “Năm nào cũng vậy, cứ gần tới mùa hội đua ghe ngo, dù bận rộn công việc đến đâu vợ chồng tôi cũng đều dành thời gian để đi vẽ cho “mối quen” ở các chùa. Năm nay, ngoài vẽ chiếc ghe ngo cho chùa Chrôi Tưm Chắs, chúng tôi còn vẽ cho chùa Đăy Ta Suốs, chùa Beton xã Phú Mỹ (Mỹ Tú)… Nếu tính từ trước đến nay, chúng tôi vẽ hàng chục chiếc ghe ngo, không chỉ trong tỉnh mà một số chùa của các tỉnh Bạc Liêu, Kiên Giang, Trà Vinh cũng mời đi vẽ”.

Trò chuyện với chúng tôi, chị Sơn Sà Phe chia sẻ: Một chiếc ghe ngo chúng tôi vẽ, phối màu trong thời gian khoảng 5 ngày (tùy điều kiện thời tiết). Tôi phác họa, chồng tôi pha màu. Tùy theo chùa yêu cầu mà vẽ hoa văn gì, nếu chùa không yêu cầu thì vẽ các hoa văn tổng hợp, sáng tạo dựa trên những hoa văn truyền thống để tạo thành.

 Bởi mỗi chiếc ghe ngo của các chùa người Khmer đều có hoa văn và biểu tượng riêng thể hiện ở mũi ghe. Đây là điểm nhấn của chiếc ghe ngo, nên khâu chọn vị trí và vẽ làm sao biểu tượng họa tiết sống động, khi tham gia ghe bơi đua tạo cảm giác như đang bay nhảy trên sóng nước trong mắt người xem.

Qua các tác phẩm của anh chị, người xem hiểu được thêm về văn hóa Khmer Nam Bộ đa dạng, phong phú và luôn gắn liền với Phật giáo Nam tông. Đánh giá về hoa văn do vợ chồng chị Sơn Sà The thực hiện trên chiếc ghe ngo của chùa mình, ông Sơn Thái Hiền, Đội trưởng Đội đua ghe chùa Chrôi Tưm Chắs chia sẻ: “Trong đời tôi đã thấy nhiều chiếc ghe ngo, rất nhiều mẫu đa dạng, nhiều hoa văn nhưng vẫn phải nói, khó ai sánh bằng tài nghệ của vợ chồng Lâm Phiên và Sơn Sà Phe. Các họa tiết được sắp xếp hài hòa, tỉ mỉ, màu sắc nổi bật, mai mốt lên tivi nhìn là nhận ra liền”.

 Vợ chồng nghệ nhân Lâm Phiên và Sơn Sà The hoàn thành những nét vẽ cuối cùng của chiếc ghe ngo
Vợ chồng nghệ nhân Lâm Phiên và Sơn Sà The đang hoàn thành những nét vẽ cuối cùng của chiếc ghe ngo

Vợ chồng anh chị Lâm Phiên và Sơn Sà The là 2 nghệ nhân nổi danh trong nghề vẽ ghe ngo tại các tỉnh Tây Nam Bộ, anh chị đã ngót nghét gần 30 năm trong nghiệp vẽ. Đặc biệt, chị Sơn Sà The là nghệ nhân đời thứ 3 sinh ra và lớn lên trong một gia đình có truyền thống đam mê tranh vẽ tường tại các chùa Khmer.

“Sắp tới vợ chồng tôi còn muốn mở lớp dạy vẽ tại nhà cho những người có đam mê theo học, việc này cũng góp phần duy trì và bảo tồn nghề truyền thống của dân tộc Khmer”, chị Sơn Sà The chia sẻ.