Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sự kiện - Bình luận

"Gia cố" vùng phên giậu phía Bắc: Vực dậy “lõi nghèo” (Bài 2)

Sỹ Hào - 10:24, 10/07/2021

Những năm qua, dù cơ chế, chính sách đặc thù đầu tư, hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) là không ít, nhưng vùng Trung du và miền núi phía Bắc (TD&MNPB) vẫn là “lõi nghèo” của cả nước. Do đó, để vực dậy vùng “lõi nghèo” này thì phải có một tư duy phát triển mới, gắn liền với định hướng phát triển đất nước được đề ra trong Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng.

Phát triển cây công nghiệp, cây ăn quả, cây đặc sản, cây dược liệu,… là thế mạnh vùng TD&MNPB (Ảnh tư liệu)
Phát triển cây công nghiệp, cây ăn quả, cây đặc sản, cây dược liệu,… là thế mạnh vùng TD&MNPB (Ảnh tư liệu)

Không thiếu chính sách

Năm 2004, Bộ Chính trị khóa IX đã ban hành Nghị quyết số 37-NQ/TW ngày 1/7/2004 về “Phương hướng phát triển KT - XH và đảm bảo quốc phòng, an ninh vùng Trung du và miền núi Bắc bộ” (NQ 37). Phương hướng đưa ra trong NQ 37 đã mở đường cho việc ban hành các cơ chế, chính sách đặc thù để phát triển vùng TD&MNPB.

Trong đó, có thể kể đến những quyết sách như: Nghị quyết 30a/2008 về Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh bền vững đối với 61 huyện nghèo; Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tại các tỉnh miền núi phía Bắc; Dự án 5 triệu ha rừng;…

Nhưng đến năm 2010, đánh giá việc thực hiện NQ 37, tại Kết luận số 26-KL/TW ngày 2/8/2012 (KL 26), Bộ Chính trị nhận định, kết quả thực hiện các mục tiêu nhiệm vụ phát triển KT - XH và bảo đảm quốc phòng , an ninh (QP – AN) chưa tương xứng với tiềm năng và yêu cầu quan trọng, cấp bách của vùng TD&MNPB. 

Đáng chú ý, có 5 mục tiêu quan trọng của NQ 37 chưa đạt; chưa tạo được sự chuyển biến căn bản, đột phá quan trọng cho sự phát triển nhanh và bền vững của toàn vùng; khoảng cách về mức sống của Nhân dân chưa được thu hẹp so với các vùng khác.

Mục tiêu Chiến lược công tác dân tộc đến năm 2045 là phát triển toàn diện KT – XH, giảm nghèo nhanh, đảm bảo môi trường sinh thái, ứng phó với biến đổi khí hậu, giải quyết hài hòa lợi ích của người dân. Phát triển vùng DTTS gắn liền với ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, bảo đảm QP – AN.

(Trích Báo cáo số 732/BC-UBDT, ngày 10/6/2021 về “Tổng kết Chiến lược công tác dân tộc đến năm 2020” của Ủy ban Dân tộc)


Đặc biệt, tại KL 26, Bộ Chính trị nhấn mạnh, ở vùng TD&MNPB, tình trạng dân di cư tự do gắn với truyền đạo trái pháp luật, kích động ly khai, tự trị, còn diễn biến phức tạp hơn; tệ nạn và tội phạm ma túy đang là những vấn đề bức xúc cần hết sức quan tâm. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội của vùng vẫn tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp, gây mất ổn định…

Vì vậy, tại KL 26, Bộ Chính trị yêu cầu, tiếp tục thực hiện NQ 37 để phát triển KT – XH, bảo đảm QP - AN vùng TD&MNPB. Mục tiêu tổng quát đến năm 2020 là phát huy thế mạnh của vùng, thu hẹp khoảng cách về trình độ phát triển và mức sống của người dân trong vùng so với mức bình quân chung của cả nước, gắn phát triển KT - XH với bảo vệ môi trường, bảo đảm QP - AN, ổn định chính trị, bảo vệ vững chắc chủ quyền quốc gia.

Thực hiện KL 26, từ năm 2012 đến nay, hàng loạt chính sách đặc thù đã được ban hành để vực dậy vùng “lõi nghèo” TD&MNPB. Đặc biệt, vùng được ưu tiên phân bổ nguồn đầu tư công để thực hiện các mục tiêu được đề ra tại KL 26.

Tham luận của bà Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng Viện quản lý kinh tế Trung ương (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) tại Diễn đàn “Đầu tư phát triển vùng TD&MNPB” tổ chức ngày 20/4/2021 cho thấy, chỉ tính giai đoạn 2016 – 2020, vùng TD&MNPB được phân bổ 24% tổng vốn đầu tư công cả nước (tương ứng hơn 161.855,5 tỷ đồng). Đây là mức phân bổ khá cao, chỉ sau khu vực Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung (27%).

Cần “cú hích” thực sự

Với nguồn lực đầu tư tập trung, vùng TD&MNPB đã có bước phát triển mạnh mẽ. Số liệu của Viện quản lý kinh tế Trung ương cho thấy, nếu như giai đoạn 2011 – 2015, tốc độ tăng trưởng GRDP của vùng chỉ đạt 7,9%/năm, thì giai đoạn 2016 – 2020 đạt 9%/năm; thu nhập bình quân đầu người toàn vùng tăng từ 33,9 triệu đồng/người/năm (năm 2015) lên thành 51,2 triệu đồng/người/năm (năm 2020);…

Tuy nhiên, vùng TD&MNPB hiện vẫn là “lõi nghèo” khi số hộ nghèo chiếm gần một nửa số hộ nghèo của cả nước; đại đa số hộ nghèo ở TD&MNPB là hộ đồng bào DTTS. Đáng chú ý, theo Báo cáo số 732/BC-UBDT, ngày 10/6/2021 về “Tổng kết Chiến lược công tác dân tộc đến năm 2020” của Ủy ban Dân tộc (BC 732), chênh lệch giàu nghèo giữa các cộng đồng dân tộc ở vùng DTTS và miền núi ngày càng lớn. Riêng ở vùng TD&MNPB, hiện có những DTTS có tỷ lệ hộ nghèo rất cao, như: La Hủ (83,9%), Mảng (79,5%),…

TD&MNPB có tiềm năng về du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái với nền văn hóa đặc sắc của 32 dân tộc. (Ảnh minh họa)
TD&MNPB có tiềm năng về du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái với nền văn hóa đặc sắc của 32 dân tộc. (Ảnh minh họa)

Cũng theo BC 732, đối tượng nghèo của nước ta đang diễn biến tập trung vào các DTTS, có xu hương gia tăng. Chỉ tính giai đoạn 2014 – 2017, số hộ nghèo là người DTTS mỗi năm tăng thêm 67 nghìn hộ.

Thực trạng này đòi hỏi phải có chiến lược mới để phát triển KT – XH, bảo đảm QP – AN vùng TD&MNPB trong tình hình mới. Nhất là trong bối cảnh, Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã xác định mục tiêu phát triển đất nước với tầm nhìn đến năm 2045 – đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao. Vì vậy, vùng TD&MNPB không thể bị bỏ lại phía sau trên hành trình hiện thực hóa khát vọng đó.

Tại Diễn đàn “Đầu tư phát triển vùng TD&MNPB” diễn ra ngày 20/4/2021, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh, khẳng định rằng, vùng TD&MNPB có những tiềm năng lợi thế mà những nơi khác không có. 

Đó là đường biên giới 2000km giáp ranh với nước bạn Trung Quốc và Lào, là tài nguyên khoáng sản, là nền văn hóa đặc sắc của 32 dân tộc anh em, là điều kiện về cảnh quan thiên nhiên, địa hình và những vùng khí hậu riêng biệt…

Đây là những tiềm năng cần phải được khai thác một cách mạnh mẽ để phát triển vùng đất phên dậu này, bằng những quyết sách phù hợp. Điều này đã được Đại hội lần thứ XIII của Đảng chỉ rõ. 

Đó là, vùng TD&MNPB phải tập trung “phát triển lâm nghiệp bền vững, cây công nghiệp, cây ăn quả, cây đặc sản, cây dược liệu, chăn nuôi gia súc gắn với chế biến sâu các loại khoáng sản. Phát triển kinh tế vùng biên, tăng cường quản lý nhà nước, phát huy vai trò kinh tế cửa khẩu… Khai thác thế mạnh về bản sắc văn hóa và điều kiện thiên nhiên để đẩy mạnh phát triển du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái”.

Xác định đúng chiến lược này là điều kiện tiên quyết để các bộ ngành, địa phương liên quan xây dựng những giải pháp lớn phát triển vùng TD&MNPB với tầm nhìn đến năm 2045. Để từ đó gia cố ngày càng vững chắc vùng phên giậu phía Bắc, hiện thực hóa khát vọng đưa đất nước trở thành nước phát triển thu nhập cao trong thời gian tới.

(Nội dung thông tin, tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ)

Tin cùng chuyên mục