Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Kinh tế

Gia Lai: Các hợp tác xã nông nghiệp cần gắn kết để đi xa hơn

Hòa Bình - 05:55, 09/12/2023

Hợp tác xã (HTX) nông nghiệp là một trong những mô hình kinh tế tập thể quan trọng, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất, tăng thu nhập cho người dân nông thôn. Tuy nhiên ở Gia Lai, thành phần kinh tế này vẫn đang phải đối mặt với nhiều thách thức và bất cập trong hoạt động.

Các HTX nông nghiệp gặp nhiều khó khăn trong nguồn vốn, sự liên kết, trình độ.
Các HTX nông nghiệp gặp nhiều khó khăn trong nguồn vốn, sự liên kết, trình độ.

Gặp khó trong liên kết

Tỉnh Gia Lai hiện có 329 HTX nông nghiệp trong tổng số 411 HTX, chiếm 80% với hơn 10.000 thành viên. Các HTX nông nghiệp chủ yếu hoạt động trong các lĩnh vực: trồng trọt, chăn nuôi, lâm nghiệp, thủy sản, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Tuy nhiên, hiệu quả hoạt động của các HTX nông nghiệp chưa như mong muốn, vẫn hiện hữu những hạn chế nhất định do quy mô nhỏ; cơ sở vật chất, trình độ khoa học công nghệ, tiềm lực tài chính yếu; mối quan hệ giữa HTX và các thành viên còn thiếu sự gắn kết; đội ngũ cán bộ quản lý chưa được đào tạo cơ bản và ít được cập nhật kiến thức mới…

Theo ông Nguyễn Văn Huế, Giám đốc HTX Nông nghiệp Tiên Phong Kbang (thị trấn Kbang, huyện Kbang) chia sẻ, HTX với 14 thành viên tham gia mô hình trồng vải VietGAP hướng đến tiêu thụ tại các siêu thị và xuất khẩu. Trong quá trình hoạt động từ năm 2021 đến nay, HTX gặp nhiều khó khăn như: Nguồn vốn đóng góp của các thành viên ít, chưa tiếp cận được với nguồn vốn vay, thị trường không ổn định, giá cả sản phẩm bấp bênh khiến đầu ra sản phẩm gặp nhiều khó khăn. Điều này khiến HTX khó thu hút thêm thành viên tham gia để phát triển.

Còn ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp Nghĩa Hòa (huyện Chư Păh) cho biết: Cái khó khăn vẫn là nguồn vốn, quy mô sản xuất còn nhỏ, chưa xây dựng được thương hiệu chất lượng dẫn đến chưa có nhiều doanh nghiệp mạnh dạn liên doanh, liên kết tiêu thụ sản phẩm đầu ra cho các HTX. Ngoài ra, trình độ của các thành viên, đội ngũ quản lý trong HTX cũng còn nhiều hạn chế.

Công ty TNHH Quicornac (Gia Lai) đã liên kết cùng các HTX nông nghiệp thu mua chanh dây, đảm bảo đầu ra ổn định cho sản phẩm.
Công ty TNHH Quicornac (Gia Lai) đã liên kết cùng các HTX nông nghiệp thu mua chanh dây, đảm bảo đầu ra ổn định cho sản phẩm.

Theo ông Nguyễn Mậu Phong, Phó Chủ tịch Thường trực Liên minh HTX tỉnh Gia Lai nhận định: Kinh tế tập thể, HTX của tỉnh chưa có chuyển biến mang tính đột phá, còn nhiều hạn chế. Trong những tháng đầu năm 2023, việc vận động thành viên và người lao động tham gia HTX chưa nhiều. Các hoạt động liên doanh, liên kết giữa các HTX với nhau và giữa HTX với doanh nghiệp còn ít, nội dung hạn chế.

Bên cạnh đó, việc quản lý và điều hành của các cấp quản lý HTX còn yếu, thiếu sự quan tâm của các cấp chính quyền và các ngành chức năng. Việc xây dựng thương hiệu sản phẩm và mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm vẫn còn hạn chế…

Gắn kết để đi xa hơn

Trước những khó khăn bất cập của các HTX nông nghiệp, tỉnh Gia Lai đã có những giải pháp toàn diện để gỡ bỏ những rào cản, tạo điều kiện thuận lợi cho các HTX nông nghiệp phát triển bền vững.

Một trong những giải pháp quan trọng là đẩy mạnh liên kết giữa các HTX với nhau và giữa HTX với doanh nghiệp. Đây là cách để các HTX chia sẻ kinh nghiệm, nguồn lực, mở rộng quy mô sản xuất, tiếp cận công nghệ mới, bảo đảm đầu ra cho sản phẩm. Nhiều doanh nghiệp đã có sự quan tâm và hợp tác với các HTX nông nghiệp trong việc đầu tư, bao tiêu sản phẩm theo chuỗi giá trị. Giải pháp này đã được một số địa phương trên địa bàn tỉnh Gia Lai chủ động triển khai để hỗ trợ các HTX nông nghiệp. Điển hình như các huyện Chư Păh, Mang Yang, Đức Cơ…, đã tập trung hỗ trợ pháp lý, hồ sơ, hướng dẫn cho các HTX nông nghiệp phát triển theo hướng gắn với các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của địa phương.

Ngành Nông nghiệp huyện Chư Păh luôn đồng hành, hỗ trợ HTX nông nghiệp phát triển theo hướng gắn với các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của địa phương.
Ngành Nông nghiệp huyện Chư Păh luôn đồng hành, hỗ trợ HTX nông nghiệp phát triển theo hướng gắn với các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của địa phương.

Bên cạnh đó, sự gắn kết với các doanh nghiệp đã tạo nên đầu ra cho sản phẩm bền vững, giá thành cao như Công ty TNHH Quicornac (tỉnh Gia Lai) đã liên kết cùng các HTX nông nghiệp thu mua chanh dây. Đồng thời, tham gia ký kết Bản ghi nhớ hợp tác với các doanh nghiệp Công ty cổ phần Quốc tế Thông Đỏ, Công ty cổ phần Tiến Nông Gia Lai do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Gia Lai đã tổ chức về xây dựng, phát triển chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ chanh dây giai đoạn 2022 - 2025.

Ngoài ra, tỉnh Gia Lai đã ban hành nhiều chính sách để HTX phát triển như: cơ chế hỗ trợ kinh phí cho cán bộ HTX đi đào tạo, học tập; hỗ trợ cho trí thức trẻ về làm việc tại các HTX, được hưởng lương từ nguồn ngân sách... Ngoài ra, tỉnh còn tổ chức nhiều lớp bồi dưỡng nâng cao năng lực cho cán bộ HTX; đẩy mạnh tuyên truyền chủ trương, nghị quyết, chỉ thị của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về kinh tế tập thể.

Tại Hội nghị gặp mặt các HTX thành viên năm 2023, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Nguyễn Hữu Quế nhấn mạnh: Các HTX cần linh động nắm bắt thông tin, kịp thời thông qua các cơ quan, ban ngành địa phương và vận động các thành viên vay vốn thì mới có nguồn vốn hoạt động. Bên cạnh đó, muốn phát triển, bản thân các HTX, nhất là người đứng đầu cần nâng cao trình độ, năng lực quản trị; phải chủ động, sáng tạo, nâng cao chất lượng sản phẩm, xây dựng thương hiệu; tiếp cận cách quản lý mới để nâng cao năng lực cạnh tranh.

Các HTX trong quá trình hoạt động cần mạnh dạn và thường xuyên kết nối với các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố phản ánh, kiến nghị những khó khăn, vướng mắc để kịp thời giải quyết. Các HTX thành viên cần đồng thuận, đoàn kết, minh bạch trong phương án sản xuất kinh doanh, chia sẻ rủi ro với nhau để cùng phát triển.

Tin cùng chuyên mục
Quảng Nam: Rà soát các tiêu chí đối với huyện phấn đấu đạt chuẩn NTM giai đoạn 2021 - 2025

Quảng Nam: Rà soát các tiêu chí đối với huyện phấn đấu đạt chuẩn NTM giai đoạn 2021 - 2025

Việc thực hiện các tiêu chí nông thôn mới (NTM) ở các huyện phấn đấu đạt chuẩn huyện NTM và NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025 ở Quảng Nam còn tương đối chậm. Do đó, UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành liên quan rà soát, báo cáo để có hướng chỉ đạo triển khai trong thời gian tới.