Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sắc màu 54

Gia Lai: Đồng bào Ba Na ở Đak Đoa cúng cầu mưa

Ngọc Thu - 06:13, 11/04/2024

Ngày 10/4, Trung tâm Văn hóa - Thông tin - Thể thao huyện Đak Đoa ( tỉnh Gia Lai) phối hợp với với UBND xã K’Dang, tổ chức phục dựng lễ cầu mưa của người Ba Na tại khu vực giọt nước và nhà mồ của làng Hnap.

Chị em phụ nữ trong làng Hnap lấy nước giọt để chuẩn bị cho lễ cúng cầu mưa
Chị em phụ nữ trong làng Hnap lấy nước giọt để chuẩn bị cho lễ cúng cầu mưa

Lễ cầu mưa là nghi lễ đặc trưng nhất của cư dân làm nông nghiệp, thường được người Ba Na tổ chức vào trung tuần tháng 4 đến hết tháng 4 hàng năm, để cầu mong mưa xuống, bắt đầu cho một mùa vụ mới trong năm.

Lễ cúng cầu mưa của đồng bào Ba Na được tổ chức vào trung tuần tháng 4 để cầu mong mưa xuống cho mùa vụ mới tươi tốt, bội thu
Lễ cúng cầu mưa của đồng bào Ba Na được tổ chức vào trung tuần tháng 4 để cầu mong mưa xuống cho mùa vụ mới tươi tốt, bội thu

Đây cũng là nghi lễ độc đáo, làm nên bản sắc văn hóa đa dạng của các dân tộc tại chỗ. Tuy nhiên, do sự thay đổi trong đời sống hiện đại, nghi lễ này đã lâu không được người Ba Na tổ chức.

Dân làng rộn ràng, háo hức cùng nhau chuẩn bị đồ cho lễ cúng cầu mưa
Dân làng rộn ràng, háo hức cùng nhau chuẩn bị đồ cho lễ cúng cầu mưa

Hội đồng già làng và Người có uy tín thay mặt người dân bày tỏ lòng biết ơn đối với các vị thần, nhất là thần núi (Yang Kông), thần nước (Yang Đak)… luôn che chở cho người dân có sức khỏe để lao động sản xuất. Cầu mong các vị thần tiếp tục mang mưa tưới mát cho đồng ruộng, nương rẫy, cho cây cối tốt tươi, mùa vụ bội thu, dân làng no ấm.

Cơm lam, thịt heo nướng, gà nướng... được người dân chuẩn bị sẵn sàng cho ngày lễ
Cơm lam, thịt heo nướng, gà nướng... được người dân chuẩn bị sẵn sàng cho ngày lễ

Lễ cầu mưa còn là dịp để người dân thể hiện sự đoàn kết, gắn bó để tạo nên sức mạnh của cộng đồng. Mọi người cùng chung tay chuẩn bị các món ăn truyền thống, uống chung ghè rượu thể hiện sự cố kết bền chặt.

Hội đồng già làng thực hiện nghi lễ cúng cầu mưa tại giọt nước của làng
Hội đồng già làng thực hiện nghi lễ cúng cầu mưa tại giọt nước của làng

Phục dựng lễ cầu mưa nhằm bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa đặc sắc của người Ba Na làng Hnap nói riêng và trên địa bàn huyện Đak Đoa nói chung, từ đó giúp người dân có ý thức gìn giữ di sản và tiếp tục phát triển trong cộng đồng.

Các cô gái Ba Na hứng từng bầu nước mát lạnh từ giọt nước chuẩn bị cho lễ cúng cầu mưa
Các cô gái Ba Na hứng từng bầu nước mát lạnh từ giọt nước chuẩn bị cho lễ cúng cầu mưa

Bà Đặng Thị Hoài - Giám đốc Trung tâm Văn hóa - Thông tin và Thể thao huyện Đak Đoa, cho biết: Người Ba Na ở vùng đất này có nhiều lễ hội truyền thống như: Lễ ăn trâu, bỏ mả, mừng lúa mới, tạ ơn cha mẹ, mừng nhà rông mới, cúng giọt nước… Ngày nay, nhiều lễ hội bị mai một, trong đó có lễ cầu mưa. Đây là nghi lễ độc đáo, gắn liền với đời sống văn hóa, tinh thần của dân làng. Nếu mất đi, lễ hội Tây Nguyên sẽ thiếu vắng mảng màu đặc sắc.

Già làng cùng người dân, khách mời thưởng thức rươu ghè sau khi hoàn thành nghi lễ
Già làng cùng người dân, khách mời thưởng thức rươu ghè sau khi hoàn thành nghi lễ

"Với nỗ lực bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của các DTTS, huyện Đak Đoa đã tổ chức phục dựng nhiều nghi lễ quan trọng của cộng đồng. Chúng tôi xuống làng tìm hiểu, tôn trọng văn hoá truyền thống, chúng tôi để cho bà con tự tổ chức theo nguyên bản, chúng tôi chỉ hỗ trợ", bà Đặng Thị Hoài cho biết thêm.

Chị em phụ nữ trong làng cùng nhau uống rượu ghè, múa xoang chung vui trong ngày lễ, cầu mong mua thuận gió hòa, mùa màng bội thu
Chị em phụ nữ trong làng cùng nhau uống rượu ghè, múa xoang chung vui trong ngày lễ, cầu mong mua thuận gió hòa, mùa màng bội thu

Thông qua chương trình phục dựng sẽ góp phần khôi phục các lễ hội đã gắn bó với đời sống của cư dân nông nghiệp trong suốt chiều dài lịch sử, giúp bà con có ý thức gìn giữ, tiếp tục duy trì và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống tiêu biểu của dân tộc mình. 

Tin cùng chuyên mục
Tự hào nguồn cội

Tự hào nguồn cội

Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương là loại hình Di sản tập quán xã hội, tín ngưỡng và lễ hội được UNESCO ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Có vị trí quan trọng trong đời sống tinh thần của người Việt, Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương đã lắng đọng trong tâm thức mỗi người dân niềm tự hào về nguồn cội con rồng cháu tiên, xuyên suốt chiều dài hàng nghìn năm lịch sử, lan tỏa mạnh mẽ đến mọi miền Tổ quốc, trở thành bản sắc văn hóa độc đáo của người Việt Nam.