Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Gia Lai: Hỗ trợ nâng cao giá trị sản phẩm rượu ghè truyền thống của người Ba Na

Ngọc Thu - 07:32, 25/11/2023

Nhằm đưa rượu ghè truyền thống của địa phương thành sản phẩm hàng hóa cung ứng ra thị trường, chính quyền xã Hà Tây, huyện Chư Păh (Gia Lai) đã hỗ trợ ra mắt thương hiệu “Rượu ghè mẹ Dung” do chị Yet (làng Kon Pơ Nang) làm chủ. Qua đó, thúc đẩy khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp trong vùng đồng bào DTTS, góp phần nâng cao thu nhập cho các hộ dân tham gia làm rượu ghè truyền thống.

Hương vị thơm nồng, dịu ngọt của "Rượu ghè mẹ Dung" cuốn hút người thưởng thức
Hương vị thơm nồng, dịu ngọt của "Rượu ghè mẹ Dung" cuốn hút người thưởng thức

Tinh hoa của đồng bào Ba Na

Bao đời nay, rượu ghè là thức uống được người Ba Na ở làng Kon Pơ Nang sử dụng trong các dịp lễ, Tết và đãi khách quý. Vì thế, khi nào rảnh rỗi, phụ nữ nơi đây lại bắt tay ủ những ghè rượu thơm nồng để sẵn trong nhà. Được mẹ chỉ dạy cách ủ rượu từ nhỏ, chị Yet nắm rõ bí quyết làm nên hương vị nồng nàn, đặc trưng của rượu ghè. Chị Yet cho hay: Vỏ cây hyam chính là nguyên liệu quyết định để làm men rượu truyền thống của người dân tộc Ba Na. Hyam là loại cây thường chỉ có trong rừng sâu ở Tây Nguyên.

Chị Yet lấy vỏ cây Hyam trong rừng - một trong những nguyên liệu chính quyết định độ ngon của rượu ghè
Chị Yet lấy vỏ cây Hyam trong rừng - một trong những nguyên liệu chính quyết định độ ngon của rượu ghè

Ngoài ra, muốn rượu ngon còn phải sử dụng men lá rừng tự nhiên. Men được kết hợp bởi nhiều nguyên liệu như củ riềng, lá rừng, rễ cây rừng, ớt, gạo... Những nguyên liệu này giã nhỏ, trộn đều với nước vỏ cây hyam, nặn thành bánh để trên gác bếp khoảng 15 ngày thì dùng được và có thể lưu trữ trong vòng 2 - 3 năm.

“Các công đoạn tưởng chừng như đơn giản, nhưng nếu người làm không dụng công, dụng tâm mà lơ là trong một khâu nào đó, thì rượu ghè sẽ không ngon. Mọi thứ phải chỉnh chu, tỉ mỉ thì mới làm ra được một ghè rượu đúng vị truyền thống của dân tộc Ba Na”, chị Yet nói.

Chị Yet cùng thành viên trong gia đình trộn đều các nguyên liệu, nặn thành bánh men để trên gác bếp khoảng 15 ngày thì dùng được
Chị Yet cùng thành viên trong gia đình trộn đều các nguyên liệu, nặn thành bánh men để trên gác bếp khoảng 15 ngày thì dùng được

Rượu ghè của người Ba Na được ủ từ 2 đến 3 tuần mới có thể đem ra uống. Khi những lớp lá chuối được bóc ra, ghè rượu sẽ toả ra hương thơm nồng nàn, như dẫn dụ khiến người ta lâng lâng muốn nếm ngay vị của nó.

Mỗi lúc rảnh rỗi, chị Yet cùng chị em, con cháu trong gia đình lại quây quần làm rượu ghè. Mỗi người một việc, tiếng cười nói rộn vang trong căn nhà sàn ấm áp. Trong khi làm rượu ghè, tình đoàn kết, tình cảm của những người trong gia đình cũng là một yếu tố “tinh thần” làm nên "Rượu ghè Mẹ Dung", tinh hoa của đồng bào Ba Na.

Chị Yet kể: “Khi chọn cái tên “Rượu ghè mẹ Dung” là tôi mong muốn con cháu của mình sau này luôn giữ gìn, tiếp nối nghề truyền thống của gia đình, cũng như phát huy các giá trị văn hóa bản sắc tốt đẹp của người Ba Na”.

Vít một can, hương thơm nồng quyến rũ dần đưa lên mũi, đọng vị ngọt, cay nơi cuống họng. Nhưng sau đó lại có dư vị ngọt nơi đầu lưỡi rất dễ chịu, khiến người uống lại muốn được uống thêm lần nữa. Điều đặc biệt, “Rượu ghè mẹ Dung” được làm từ nguyên liệu tự nhiên nên khi uống xong sẽ không bị đau đầu, gây hại sức khỏe như các sản phẩm rượu không rõ nguồn gốc trên thị trường.

Khởi nghiệp từ rượu ghè

Qua đôi bàn tay khéo léo và áp dụng đúng công thức truyền thống, “Rượu ghè mẹ Dung” luôn được khách hàng tin tưởng chọn mua. Vào dịp lễ, Tết, chị đều bán được hàng trăm ghè rượu, tùy loại mà giá dao động từ 130 - 700 ngàn đồng/ghè. Rượu ghè của các thành viên được bán ở làng và địa phương lân cận tỉnh Kon Tum. 

Nhằm nâng tầm giá trị từ đặc sản rượu ghè của đồng bào Ba Na, mới đây (tháng 9/2023), UBND xã Hà Tây vừa tổ chức ra mắt thương hiệu “Rượu ghè mẹ Dung” do chị Yet thực hiện, với mong muốn đưa ra thị trường sản phẩm đặc trưng của địa phương.

UBND xã Hà Tây tổ chức ra mắt thương hiệu “Rượu ghè mẹ Dung” nhằm nâng tầm đặc sản rượu ghè của đồng bào Ba Na,
UBND xã Hà Tây tổ chức ra mắt thương hiệu “Rượu ghè mẹ Dung” nhằm nâng tầm đặc sản rượu ghè của đồng bào Ba Na,

Ông Biên, Chủ tịch UBND xã Hà Tây cho biết: Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, Ban Quản lý các chương trình mục tiêu quốc gia xã, chọn Dự án 3 về phát triển sản xuất nông - lâm nghiệp bền vững, phát huy tiềm năng, thế mạnh của các vùng miền để sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị và Tiểu dự án 2 về thúc đẩy khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp và thu hút đầu tư vùng đồng bào DTTS và miền núi. Sản phẩm “Rượu ghè Mẹ Dung” được chọn là một trong những sản phẩm để bà con khởi nghiệp.

“Từ khi ra mắt thương hiệu đến nay, mọi người biết đến rượu ghè mẹ Dung nói riêng, rượu ghè làng Kon Pơ Nang nói chung nhiều hơn. Khách du lịch đến tham quan, thưởng thức cũng tăng lên. Riêng dịp lễ hội, tôi đã nhận được đơn đặt hàng với gần 200 ghè rượu các loại. Những đứa con tôi cũng tiếp nối đam mê của mẹ, sẵn sàng chuẩn bị những ghè rượu ngon cung cấp cho khách. Đối với chúng tôi, giờ đây, làm rượu ghè không chỉ là nghề truyền thống mà còn là sản phẩm khởi nghiệp giúp tạo việc làm, tăng thu nhập gia đình”. Chị Yét, phấn khởi nói.

Không chỉ các thành viên trong gia đình chị Yet mà bà con trong làng cũng tham gia liên kết làm rượu ghè truyền thống
Không chỉ các thành viên trong gia đình chị Yet mà bà con trong làng cũng tham gia liên kết làm rượu ghè truyền thống

Bên cạnh đó, chị Yet còn vận động bà con trong làng cùng tham gia liên kết làm rượu ghè theo hướng hàng hóa. Mỗi khi có đơn hàng của khách đặt về, chị lại chia cho bà con trong làng cùng làm. 

Ở cái tuổi xưa nay hiếm, chứng kiến những đổi thay của dân làng và nay chứng kiến rượu ghè của đồng bào không chỉ được giữ gìn, mà còn ngày càng vươn xa, Già làng Groi vui lắm: “Mỗi khi làng có lễ hội, nhà nào cũng làm 1 bình rượu ghè mang ra chung vui cùng với mọi người. Từ những ghè rượu trong những ngày lễ hội, mọi người quây quần bên nhau thưởng thức, cảm nhận dư vị ngọt ngào, nồng nàn, để từ đó biết quý trọng bản sắc của dân tộc mình, gắn kết nhau hơn. Hiện nay, rượu ghè không chỉ phục vụ người trong làng mà còn được nhiều người biết tới thưởng thức, dân làng vui lắm” 

Ông Nguyễn Công Sơn, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Chư Păh, thông tin: Thời gian tới, huyện sẽ tiến hành thủ tục đánh giá chọn “Rượu ghè mẹ Dung” làm sản phẩm OCOP của địa phương, đồng thời quảng bá tại phiên chợ nông sản, lễ hội và vận động thành viên liên kết sản xuất ra sản phẩm có chất lượng, đảm bảo đầu ra. Qua đó tăng thu nhập, góp phần gìn giữ nét văn hóa đặc trưng của đồng bào Ba Na.

Tin cùng chuyên mục
Đắk Lắk: Bộ đội giúp người dân vùng biên qua cơn khát...

Đắk Lắk: Bộ đội giúp người dân vùng biên qua cơn khát...

Hạn hán, nắng nóng kéo dài khiến cho hàng nghìn người dân ở các xã biên giới tỉnh Đắk Lắk thiếu nước sinh hoạt. Để giúp người dân vùng biên qua cơn khát, các đơn vị bộ đội đóng quân ở khu vực biên giới đã huy động nguồn lực khoan giếng làm công trình nước sinh hoạt tập trung, chở từng bồn nước khu dân cư hỗ trợ người dân.