Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Kinh tế

Gia Lai: Nan giải bài toán trồng rừng

Hòa Bình - 17:36, 27/07/2024

Theo kế hoạch, năm 2024, toàn tỉnh Gia Lai phấn đấu trồng khoảng 10.300ha rừng và cây phân tán. Tuy nhiên, tính đến thời điểm này, địa phương mới chỉ trồng được gần 360ha.

Gia Lai đang gặp nhiều khó khăn trong công tác trồng rừng
Gia Lai đang gặp nhiều khó khăn trong công tác trồng rừng

Huyện Đức Cơ được giao chỉ tiêu diện tích, địa điểm trồng rừng năm 2024, với tổng diện tích hơn 62ha. Bên cạnh việc tuyên truyền, vận động người dân tích cực tham gia trồng rừng, huyện đang tiến hành khảo sát 7ha của xã Ia Pnôn để trồng rừng. Đồng thời, bố trí gần 300 triệu đồng hỗ trợ giống cho người dân trồng rừng từ ngân sách địa phương.

Tuy đã nỗ lực triển khai từ sớm, nhưng đến nay, huyện mới chỉ triển khai được 11,5ha trồng rừng, diện tích này thuộc Ban Quản lý rừng phòng hộ Đức Cơ thực hiện.

Ông Nguyễn Quốc Tư, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Đức Cơ cho biết: Hiện nay, huyện gặp khó trong hướng dẫn địa phương, giao đất lâm nghiệp cho các hộ dân trồng rừng đối với diện tích đất lâm nghiệp chưa có rừng; hoặc người dân đã chuyển đổi cây trồng phù hợp với mục đích lâm nghiệp thuộc quản lý của UBND xã. Đồng thời, các hộ dân có nhu cầu trồng rừng và các hộ dân đã được Nhà nước hỗ trợ cây giống trồng rừng, nhưng chưa được giao đất nên chưa an tâm sản xuất.

“Mong Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sớm khảo sát, nghiên cứu và lập các dự án đầu tư trồng rừng đối với diện tích đất rừng khộp chưa có rừng, quan tâm hướng dẫn trồng rừng và định hướng sử dụng các giống cây lâm nghiệp phù hợp trên diện tích đất rừng khộp, để Nhân dân địa phương ứng dụng hiệu quả”, ông Nguyễn Quốc Tư kiến nghị.

Thông thường, thời vụ trồng rừng ở khu vực phía Tây tỉnh Gia Lai gồm: Chư Păh, Ia Grai, Đức Cơ... là từ tháng 6 đến tháng 8 hằng năm. Năm nay, nắng hạn kéo dài, mùa mưa đến muộn và lượng mưa ít so với nhiều năm trước nên công tác trồng rừng gặp không ít khó khăn.

Theo thống kê, đến tháng 6 chỉ mới có 8/17 huyện, thị xã, thành phố gồm: Pleiku, An Khê, Đak Đoa, Chư Păh, Ia Grai, Mang Yang, Đức Cơ, Đak Pơ bắt đầu trồng rừng.

 Nắng hạn kéo dài, mùa mưa đến muộn với nhiều năm trước nên công tác trồng rừng triển khai đạt kết quả thấp
Nắng hạn kéo dài, mùa mưa đến muộn so với nhiều năm trước nên công tác trồng rừng triển khai đạt kết quả thấp

Ông Phạm Thành Phước, Trưởng ban Quản lý rừng phòng hộ Ia Ly (huyện Chư Păh) cho hay: Năm 2024, đơn vị được giao trồng hơn 78ha rừng thay thế và 60ha rừng sản xuất. Đến thời điểm này, đơn vị đã tiến hành rà soát, xác định quỹ đất để triển khai trồng rừng, đồng thời tiến hành phát dọn thực bì chuẩn bị xuống giống. Tuy nhiên, đơn vị vẫn chưa được giao vốn nên không thể tiến hành trồng rừng. Trong khi thời điểm tốt nhất để trồng rừng cũng đã qua, vì vậy gây nhiều khó khăn trong việc đạt chỉ tiêu thực hiện kế hoạch trồng rừng.

Ngoài ra, theo các địa phương, đơn vị chủ rừng, phần lớn diện tích người dân đăng ký trồng rừng là đất lâm nghiệp quy hoạch rừng sản xuất. Tuy nhiên, Nhà nước chưa có cơ chế giao đất ổn định để sản xuất nên người dân không an tâm đăng ký trồng rừng. Đặc biệt, kinh phí hỗ trợ trồng rừng năm 2023 và năm 2024 chưa có, dẫn đến các hộ dân đã đăng ký không có tiền mua cây giống…

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Gia Lai Lưu Trung Nghĩa giải đáp thắc mắc và đưa ra các giải pháp để công tác trồng rừng đạt mục tiêu đề ra
Ông Lưu Trung Nghĩa, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Gia Lai giải đáp thắc mắc và đưa ra các giải pháp để công tác trồng rừng đạt được mục tiêu đề ra

Để giải “bài toán” khó về trồng rừng, ông Lưu Trung Nghĩa, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Gia Lai đề xuất: Thời gian tới, tỉnh cần tăng cường chỉ đạo triển khai trồng rừng, trồng cây phân tán đến các địa phương, chủ rừng, doanh nghiệp, các đơn vị, tổ chức tài trợ để đảm bảo kế hoạch đề ra; chỉ đạo thực hiện trồng cây tập trung của các doanh nghiệp tư nhân đã được giao đất trồng rừng, công ty lâm nghiệp.

Bên cạnh đó, là đẩy mạnh việc thực hiện có hiệu quả công tác kêu gọi đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện các thủ tục pháp lý để sớm triển khai các dự án đầu tư trồng rừng sản xuất trên địa bàn tỉnh, các dự án kêu gọi đầu tư trồng rừng mới gắn với sinh kế, bảo vệ môi trường sinh thái.

Cũng theo ông Nghĩa, để đạt mục tiêu đề ra, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan kêu gọi đầu tư, hỗ trợ của các doanh nghiệp đầu tư trồng rừng sản xuất, trồng rừng mới gắn với sinh kế bảo vệ môi trường.

Đồng thời, triển khai trồng rừng thay thế trên diện tích đất quy hoạch rừng phòng hộ, đặc dụng của các Ban Quản lý rừng phòng hộ, kể cả các diện tích người dân chiếm canh; phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường đo đạc và cấp quyền sử dụng đất trong giao đất, giao rừng cho cộng đồng và các chủ rừng, kết hợp giải quyết vấn đề sinh kế cho người dân… 

Tin cùng chuyên mục
Sơn La nâng cao sức cạnh tranh cho sản phẩm nông nghiệp

Sơn La nâng cao sức cạnh tranh cho sản phẩm nông nghiệp

Chủ động nâng cao nhận thức, tư duy trong sản xuất nông nghiệp, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, từ đó nâng cao chất lượng, tăng sức cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp trên thị trường. Đây là việc làm quan trọng mà ngành Nông nghiệp tỉnh Sơn La đang hướng tới, nhằm phát triển nền nông nghiệp cạnh tranh, tiến tới xây dựng Sơn La trở thành tỉnh phát triển xanh, nhanh và bền vững.