Phát biểu tại Lễ phát động, ông Nguyễn Hữu Tháp - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum nhấn mạnh: Tết trồng cây đã trải qua 65 năm mang nhiều ý nghĩa chính trị sâu sắc, mang lại hiệu quả kinh tế thiết thực và đã trở thành một phong trào quần chúng sâu rộng, một nét đẹp trong văn hóa truyền thống Việt Nam. Tết trồng cây và ngày Môi trường thế giới có mối quan hệ mật thiết nhằm chung tay hướng tới những mục tiêu phục hồi đất đai, chống sa mạc hóa và khả năng chống hạn, làm chậm quá trình biến đổi khí hậu, bảo vệ tự nhiên, tăng cường sinh kế và an ninh lương thực cho hàng tỷ người trên toàn thế giới.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum cũng kêu gọi người dân tích cực trồng cây phân tán và trồng rừng góp phần phục hồi đất, chống hạn hán và sa mạc hoá như chủ đề của Ngày môi trường thế giới 5/6 năm nay.
Sau lễ phát động cùng với trồng cây phân tán, tỉnh Kon Tum triển khai trồng 3.000 ha rừng. Trong đó, UBND 10 huyện, thành phố của tỉnh hỗ trợ người dân trồng gần 2.800 ha và hơn 200 ha còn lại do các đơn vị chủ rừng đảm nhiệm.
Ông Võ Trung Mạnh - Chủ tịch UBND huyện Tu Mơ Rông cho biết: Huyện đang tích cực trồng rừng để nâng độ che phủ lên hơn 67% diện tích tự nhiên và khẳng định đã có sự thay đổi rất lớn trong nhận thức của người dân đối với việc trồng rừng và bảo vệ rừng. Trong 3 năm qua, huyện Tu Mơ Rông đã xây dựng kế hoạch trồng, vận động Nhân dân đã trồng được 2 triệu cây phân tán và gần 1.000 ha rừng tập trung.
"Kế hoạch năm 2024 toàn huyện dự kiến trồng 220 ha rừng từ nguồn Chương trình mục tiêu quốc gia và vận động người dân trồng hàng trăm ha rừng từ nguồn xã hội hóa; việc trồng rừng đã từng bước phủ xanh đồi núi trọc, góp phần quan trọng trong việc chủ động phòng, chống thiên tai, cải thiện môi trường sinh thái, làm đẹp thêm cảnh quan thiên nhiên, phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, bảo vệ môi trường sinh thái; nâng cao đời sống vật chất tinh thần của người dân", ông Võ Trung Mạnh cho biết thêm.