Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Bạn đọc

Gia Lai: Phát hiện nhiều vụ khai thác khoáng sản trái phép tại xã Ia Lâu

Ngọc Thu - 11:00, 29/04/2022

Chỉ trong thời gian ngắn, trên địa bàn xã Ia Lâu, huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai liên tiếp diễn ra tình trạng khai thác đất, cát trái phép, nhưng chính quyền xã Ia Lâu không hề hay biết.

Các phương tiện tập trung khai thác đất ruộng để phục vụ sản xuất gạch nung tại xã Ia Lâu, huyện Chư Prông
Các phương tiện tập trung khai thác đất ruộng để phục vụ sản xuất gạch nung tại xã Ia Lâu, huyện Chư Prông

Theo thông tin phản ánh của người dân, phóng viên (PV) Báo Dân tộc và Phát triển đã đến khu vực suối Lâu (thuộc địa bàn làng Đút và Phố Hiến), cách trung tâm xã Ia Lâu hơn 2 km. Đây là địa điểm đang diễn ra tình trạng khai thác cát xây dựng trái phép.

Ngày 27/4, PV tiếp cận hiện trường bãi cát phát hiện có 1 máy đào màu vàng đang đào đất đưa đi nơi khác. Tiến sâu vào trong gần nơi khai thác cát, PV tiếp tục phát hiện 1 bộ máy bơm, hút cát đặt dưới lòng sông, bên cạnh là một bộ khung sắt dùng chắn ngang dòng suối để phục vụ cho việc bơm cát tại đây.

Hoạt động khai thác cát trái phép diễn ra tại làng Đút, xã Ia Lâu, huyện Chư Prông
Hoạt động khai thác cát trái phép diễn ra tại làng Đút, xã Ia Lâu, huyện Chư Prông

Sau khi được PV thông tin sự việc trên, ông Lê Thành Công - Chủ tịch UBND xã Ia Lâu, huyện Chư Prông đã chỉ đạo đoàn công tác đến hiện trường để kiểm tra, xử lý. Tại đây, Phó Chủ tịch xã Ia Lâu cùng cán bộ địa chính, Công an xã đã có mặt tại nơi khai thác cát để lập biển bản hiện trường. Đoàn thống nhất, đưa tang vật là bộ máy bơm và khung sắt đặt dưới lòng sông về trụ sở UBND xã để tiếp tục điều tra, xử lý theo quy định pháp luật.

Đến ngày 28/4, sau khi điều tra, lực lượng chức năng đã xác nhận được chủ các thiết bị bơm hút cát đặt dưới lòng suối, đồng thời lập biên bản để xử lý.

Cát sau khai thác tại lòng suối được chở về tập kết thành bãi cách UBND xã Ia Lâu chưa hơn 1km
Cát sau khai thác tại lòng suối được chở về tập kết thành bãi cách UBND xã Ia Lâu chưa hơn 1km

Trước đó, cũng trong tháng 4/2022, qua tin báo người dân, PV ghi nhận được việc bơm, hút cát tại suối Lâu, có cả thiết bị máy đào, bộ máy bơm cát, xe chứa cát chở về tập kết trong khu vực nhà dân cách nơi khai thác khoảng 1,5 km. Toàn bộ cát sau khai thác tại lòng suối được chuyển về tập kết thành bãi và đưa đi tiêu thụ các nơi trên địa bàn xã.

Ông Lê Thành Công - Chủ tịch UBND xã Ia Lâu, khẳng định: “Trên địa bàn xã không có điểm mỏ cát nào được cấp phép khai thác. Điểm bơm hút tại làng Đút là trái phép”.

Không chỉ khai thác cát xây dựng trái phép nêu trên, tại xã Ia Lâu còn đang diễn ra tình trạng khai thác đất ruộng không đúng quy định. Toàn bộ đất ruộng (đất sét) sau khi đào được đưa lên xe vận chuyển về 2 lò gạch trên địa bàn xã Ia Lâu. Lãnh đạo UBND xã Ia Lâu cũng xác nhận 2 lò sản xuất gạch nung vẫn chưa có giấy phép cấp mỏ để sản xuất.

Các thiết bị, máy móc hút cát dưới lòng suối Lâu, xã Ia Lâu, huyện Chư Prông
Các thiết bị, máy móc hút cát dưới lòng suối Lâu, xã Ia Lâu, huyện Chư Prông

Nhiều năm qua, việc sản xuất gạch dựa vào nguồn đất cải tạo ruộng có đúng hay không? Việc khai thác khoáng sản đất sét để sản xuất gạch và cát xây dựng trên địa bàn xã Ia Lâu có đúng quy định pháp luật?

Thiết nghĩ, các cấp chính quyền, lực lượng chức năng của tỉnh Gia Lai cần xử lý dứt điểm tình trạng này.

Báo Dân tộc và Phát triển sẽ tiếp tục theo dõi, thông tin đến bạn đọc.

Tin cùng chuyên mục
Đăk Hà (Kon Tum) hỗ trợ bò sinh sản nhưng khi nhận lại là “bê”: Cấp 108 con nhưng chỉ thanh tra 62 con

Đăk Hà (Kon Tum) hỗ trợ bò sinh sản nhưng khi nhận lại là “bê”: Cấp 108 con nhưng chỉ thanh tra 62 con

Thanh tra huyện Đăk Hà (Kon Tum) đã có Kết luận thanh tra về việc chấp hành các quy định của pháp luật trong thực hiện Tiểu dự án 2 – Dự án 3, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 – 2030, giai đoạn I: Từ năm 2021 – 2025 (gọi tắt là Chương trình MTQG 1719) năm 2023 tại xã Ngọk Wang, với tổng số 62 con bò đã được cấp. Vậy 46 con bò thuộc Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững được triển khai cùng thời điểm liệu có cấp đúng, đủ trọng lượng hay không mà không tổ chức thanh tra? Đó là điều mà dư luận quan tâm hiện nay.