Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Bạn đọc

Công ty CP Khoáng sản Thiên Đức (Bình Định): Chưa hoàn thành thủ tục vẫn ngang nhiên khai thác khoáng sản

Thành Nhân - 08:21, 28/05/2020

Được Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) cấp giấy phép khai thác mỏ đá núi Dác Đào, thôn Hiệp Vinh, xã Canh Vinh, huyện Vân Canh (Bình Định) từ năm 2007 nhưng đến nay, Công ty CP Khoáng sản Thiên Đức (Công ty Thiên Đức) vẫn chưa hoàn thành các thủ tục theo quy định trong lĩnh vực khai thác khoáng sản. Song, công ty này vẫn ngang nhiên khai thác, ảnh hưởng đến môi trường và đời sống của người dân.

Chưa hoàn thiện thủ tục nhưng Công ty Thiên Đức vẫn ngang nhiên đào bới đất đá, phá hủy cảnh quan môi trường
Chưa hoàn thiện thủ tục nhưng Công ty Thiên Đức vẫn ngang nhiên đào bới đất đá, phá hủy cảnh quan môi trường

Theo tìm hiểu của phóng viên, trong năm 2019, Sở TN&MT Bình Định đã thành lập Đoàn kiểm tra hoạt động khai thác khoáng sản của Công ty Thiên Đức. Đoàn kiểm tra phát hiện, Công ty chưa hoàn thiện các hồ sơ liên quan được quy định trong giấy phép khai thác khoáng sản do Bộ TN&MT cấp. Cụ thể, Công ty chưa có Quyết định bổ nhiệm Giám đốc điều hành mỏ; chưa có thiết kế và bản vẽ chi tiết mỏ đá.

Về lĩnh vực đất đai, Công ty chưa có Quyết định cho thuê đất của UBND tỉnh Bình Định để khai thác khoáng sản trên diện tích 8,2ha theo giấy phép khai thác khoáng sản được cấp, cũng như trên diện tích 48.571m2 để xây dựng các công trình phụ trợ. Vì vậy, từ khi khai thác mỏ đá này, Công ty chưa thực hiện nghĩa vụ nộp thuế đất cho Nhà nước. 

Về lĩnh vực môi trường, Công ty đã có Bản cam kết bảo vệ môi trường (BVMT) được UBND huyện Vân Canh xác nhận. Nhưng Công ty lại không có báo cáo định kỳ về công tác BVMT, xử lý ô nhiễm theo hồ sơ môi trường được UBND huyện Vân Canh xác nhận. Công ty chưa xây dựng các công trình BVMT tại khu vực mỏ và các thủ tục liên quan đến BVMT. 

 Mặc dù thiếu rất nhiều thủ tục theo quy định, nhưng Công ty Thiên Đức vẫn ngang nhiên khai thác mỏ đá Dác Đào, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của người dân. Theo ông Nguyễn Văn Hiệp, Chủ tịch UBND xã Canh Vinh, xã nhiều lần nhận được phản ánh về hoạt động khai thác đá ảnh hưởng đến đời sống của người dân, nhưng không thể đi kiểm tra mỏ đá được. 

“Công ty này có giấy phép do Bộ TN&MT cấp nhưng họ không nộp hồ sơ cho xã, lãnh đạo Công ty cũng không có mặt tại địa phương nên rất khó làm việc. Chỉ khi nào có đoàn kiểm tra của tỉnh, huyện yêu cầu xã phối hợp, thì mới vào mỏ đá được”, ông Hiệp cho biết. 

Để có thêm thông tin, phóng viên đã có buổi làm việc với ông Tống Đức Hiếu, Tổng Giám đốc Công ty Thiên Đức. Theo ông Hiếu, Công ty đã lập và nộp Báo cáo đánh giá tác động môi trường mỏ đá Dác Đào kết hợp khu vực phụ trợ trình Bộ TN&MT và đang chờ kết quả thẩm định của Bộ. 

“Nguyên tắc chưa có kết quả thì mình có giấy nộp hồ sơ môi trường là được. Công ty hiện mới xong phần giải phóng mặt bằng và bốc tầng phủ mỏ đá. Còn những khoản thuế phải nộp theo quy định, thì do công ty chưa chính thức khai thác và đang gặp khó khăn về tài chính nên chưa nộp”, ông Hiếu lý giải.

Rõ ràng, ông Hiếu mới lý giải được một khía cạnh của vấn đề. Bởi mỏ đá Dác Đào đã được cấp phép khai thác cho công ty từ năm 2007, nhưng vì sao đến nay Công ty Thiên Đức vẫn chưa hoàn thiện các hồ sơ pháp lý cần thiết? 

Đáng quan tâm nhất là, vì sao Công ty Thiên Đức không hoàn thiện thủ tục để UBND tỉnh Bình Định cho thuê đất, để từ đó có trách nhiệm nghĩa vụ nộp thuế cho Nhà nước khi khai thác tài nguyên khoáng sản? Và dù chưa được thuê đất nhưng Công ty này vẫn ngang nhiên khai thác khoáng sản trong nhiều năm liền? Đây là những vấn đề cần được cơ quan chức năng tỉnh Bình Định làm rõ.


Tin cùng chuyên mục
Đăk Hà (Kon Tum) hỗ trợ bò sinh sản nhưng khi nhận lại là “bê”: Cấp 108 con nhưng chỉ thanh tra 62 con

Đăk Hà (Kon Tum) hỗ trợ bò sinh sản nhưng khi nhận lại là “bê”: Cấp 108 con nhưng chỉ thanh tra 62 con

Thanh tra huyện Đăk Hà (Kon Tum) đã có Kết luận thanh tra về việc chấp hành các quy định của pháp luật trong thực hiện Tiểu dự án 2 – Dự án 3, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 – 2030, giai đoạn I: Từ năm 2021 – 2025 (gọi tắt là Chương trình MTQG 1719) năm 2023 tại xã Ngọk Wang, với tổng số 62 con bò đã được cấp. Vậy 46 con bò thuộc Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững được triển khai cùng thời điểm liệu có cấp đúng, đủ trọng lượng hay không mà không tổ chức thanh tra? Đó là điều mà dư luận quan tâm hiện nay.