“Xử lý” nữ sinh vì mâu thuẫn trên mạng xã hội
Đến giờ này, ba mẹ của em Phan Nguyễn N. H. (lớp 11A6, Trường THPT Nguyễn Trãi, thị xã An Khê) vẫn còn nguyên nỗi đau mất con gái. Chết lặng trước ban thờ con gái, anh Phan Ngọc Tuyền xót xa kể: Khoảng 21 giờ tối 6/3, anh nghe bạn của Hân gọi báo Hân đang cấp cứu ở Trung tâm Y tế thị xã An Khê. Tức tốc đến nơi, anh nghe bác sĩ thông báo, con gái bị đâm nhiều nhát bằng vật sắc nhọn, có thể là dao vào gan, phổi, tim dẫn đến tử vong. Đau điếng, chết lặng, rồi gia đình cũng phải làm thủ tục để đưa Hân về lo hậu sự.
Nguyên nhân dẫn đến cái chết thương tâm của nữ sinh H. là do phát sinh mâu thuẫn trong quá trình bình luận, chia sẻ bài viết trên Facebook nên vào khoảng 15 giờ ngày 6/3, Trần Thị M.T. nhắn tin cho Phan Nguyễn N. H. (trú tại thị xã An Khê, học sinh lớp 11A6, THPT Nguyễn Trãi) để hẹn gặp nhau nói chuyện, giải quyết mâu thuẫn.
Đến khoảng 20h30 cùng ngày, T. và H. rủ thêm nhóm bạn của mình đi đến điểm hẹn tại phường An Tân (thị xã An Khê), sau đó các đối tượng đổi sang khu vực Tổ 6, phường An Bình.
Tại đây, T và H xảy ra xô xát, T dùng dao cất sẵn trong người đâm nhiều nhát vào người H. Hậu quả, em H bị thương, được đưa đi cấp cứu và tử vong tại Bệnh viện Đa khoa khu vực An Khê. Sau khi gây án, T đã đến Công an thị xã An Khê đầu thú.
Vụ việc đang được Cơ quan Cảnh sát điều tra (Phòng Cảnh sát hình sự) Công an tỉnh điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật.
Cũng trong thời điểm này, một vụ bạo lực học đường cũng diễn ra tại huyện Mang Yang. Mặc cho nạn nhân không phản kháng, không cãi lại, nhóm 5 nữ sinh khác vừa chửi bới vừa lao vào đánh tới tấp. Vừa dùng tay, kéo tóc, lột áo khoác, nhóm nữ sinh còn dùng chân đạp nhiều cái vào vùng đầu và người của nạn nhân.
Sau đó, đoạn clip được nhanh chóng lan truyền trên mạng xã hội. Nạn nhân trong đoạn clip được xác định là em T.H, học sinh lớp 9 Trường THCS Lê Quý Đôn (xã Đăk Djrăng, huyện Mang Yang). Theo thông tin ban đầu, em H. có xảy ra mâu thuẫn trên mạng xã hội với một số bạn cùng khối lớp 9 trong trường. 2 bên có nhắn tin qua lại trên Facebook.
Sau giờ học buổi sáng ngày 12/3, nhóm nữ sinh có mâu thuẫn trước đó đã hẹn em H. ở bãi đất trống ở khu vực Nghĩa trang thôn Linh Nham để giải quyết. Tại đây, nhóm này đã hành hung em H. một cách thương tâm.
Ngăn chặn bạo lực học đường - trách nhiệm từ nhiều phía
Ngay khi nhận được thông tin, ông Phan Tân Quang - Hiệu trưởng Trường THCS Lê Quý Đôn (huyện Mang Yang) thông tin: Nhà trường đã phối hợp với Công an xã Đăk Djrăng mời các em có liên quan lên làm việc. Nhà trường đã mời gia đình các em đến để làm việc, đề nghị phối hợp trong việc giáo dục, răn đe.
"Với em H., ngay sau khi nắm thông tin, chúng tôi đã thăm hỏi, động viên, giúp em ổn định tâm lý để sớm trở lại trường học. Trường cũng sẽ tiến hành kiểm điểm, giáo dục với những em có mặt nơi vụ việc xảy ra song không có động thái ngăn cản hoặc báo tin cho người lớn để cùng ngăn chặn", ông Phan Tân Quang, Hiệu trưởng cho biết.
Cũng theo ông Quang, đầu năm học, lực lượng Công an cũng đã tổ chức các chương trình tuyên truyền về an ninh học đường, an toàn giao thông, phòng cháy chữa cháy… song do mâu thuẫn bột phát nên xảy ra vụ việc đáng tiếc trên.
Trước tình trạng bạo lực học đường ngày càng trở nên nghiêm trọng, nhức nhối, ông Lê Duy Định - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Gia Lai đã ký văn bản tăng cường giáo dục đạo đức, lối sống, phòng chống tội phạm, bạo lực học đường trong học sinh tại các cơ sở giáo dục như: Tăng cường chỉ đạo công tác giáo dục pháp luật, tư vấn tâm lý trường học; kịp thời nắm bắt tư tưởng, tâm tư, nguyện vọng, tình cảm của học sinh; phát huy vai trò của tổ tư vấn tâm lý trong giáo dục sức khoẻ, giới tính cho học sinh; thường xuyên tuyên truyền, phổ biết, quán triệt học sinh tuân thủ pháp luật, nội quy, quy định của nhà trường; quan tâm, gần gũi, chia sẻ tâm tư, tình cảm với học sinh.
Đặc biệt, cần nêu cao vai trò trách nhiệm của người đứng đầu, cán bộ quản lí giáo dục, giáo viên và các tổ chức của nhà trường trong việc thực hiện công tác giáo dục đạo đức lối sống, phòng chống tội phạm, bạo lực học đường trong học sinh... Đồng thời, báo cáo kịp thời các vụ việc xảy ra (nếu có) về Sở Giáo dục và Đào tạo.
Để hiểu rõ hơn về nguyên nhân và cách phòng chống bạo lực học đường, bà Phạm Quỳnh Lam,Thạc sĩ, Chuyên gia Tâm lý, Giám đốc Trung tâm phát triển kỹ năng Awake Gia Lai nhận định: Nguyên nhân dẫn đến bạo lực học đường bao gồm chủ quan, là nhiều học sinh có khuynh hướng bạo lực bẩm sinh (hiếm), xem việc thể hiện bản thân thông qua bạo lực, tẩy chay người khác là đúng đắn. Ngoài ra những bạn nhỏ dễ bị bắt nạt thường khá nhút nhát, dễ bộc lộ cảm xúc tiêu cực trong giao tiếp, thường đơn độc, ít có bạn bè.
Còn khách quan, là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến bạo lực học đường, như bị ảnh hưởng bởi giáo dục gia đình (hiểu sai về cách thể hiện bản thân; do bắt chước hành vi bạo lực của bố/mẹ/ người thân...); ảnh hưởng của mạng, game, sự lôi kéo của các nhóm bạn xấu...
Cũng theo chuyên gia tâm lý, bạo lực học đường gồm 4 cấp độ: xa lánh hoặc tẩy chay, cô lập 1 cá nhân hoặc 1 nhóm; Trêu chọc, đùa giỡn khi cá nhân hoặc nhóm không muốn, thậm chí khiến họ sợ hãi; Hăm dọa, dùng những lời nói hoặc hành vi gây tổn thương về mặt tinh thần cho 1 cá nhân hoặc 1 nhóm; Sử dụng bạo lực.
Vì vậy, phụ huynh và nhà trường cần xây dựng những kỹ năng phòng chống bạo lực học đường để con làm chủ chính mình, vượt qua sợ hãi khi không có sự bảo vệ của người lớn, cần hình thành cho con những kỹ năng tự vệ cơ bản như: Nếu bị trêu chọc thì tránh mặt, không đáp lời, nếu bị hăm dọa thì tránh đi một mình, không tỏ ra hung hăng, thể hiện và phải báo cho thầy cô, bố mẹ. Nếu bị đánh thì phải bỏ chạy, nếu có thể và báo thầy cô, bố mẹ, không che giấu, không tự xử lý...
Cùng với đó, thầy cô nên gần gũi với học sinh, xây dựng kênh thông tin từ phía học sinh để kịp thời nắm bắt những mâu thuẫn giữa các em để có biện pháp can thiệp. Ngoài ra, xã hội cần tạo ra những sân chơi lành mạnh, bổ ích cho các em, đặc biệt phải có sự quản lý chặt chẽ của ngành chức năng với các thông tin mang tính bạo lực trên mạng Internet…
Việc xử lý, ngăn chặn bạo lực học đường đòi hỏi trách nhiệm từ nhiều phía. Do đó, cần sự vào cuộc đồng bộ từ gia đình - nhà trường - xã hội thì mới có thể kịp thời ngăn chặn, đẩy lùi bạo lực học đường.