Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Gia Lai - Vùng đất của những bộ cồng chiêng quý giá: Dân làng xem cồng chiêng là báu vật (Bài 1)

Ngọc Thu - 05:21, 23/11/2023

Một trong những di sản quý giá được đồng bào Tây nguyên nói chung và tỉnh Gia Lai nói riêng đặc biệt giữ gìn bao đời nay, là cồng chiêng. Cồng chiêng gắn với Tây Nguyên như một phần không thể thiếu trong cuộc đời của mỗi người từ lúc sinh ra cho đến khi về cõi A tâu và trong cả các lễ hội quan trọng của buôn làng. Cồng chiêng trở thành nét văn hoá đặc trưng, quý giá và đầy sức quyến rũ của vùng đất đỏ cao nguyên. Đồng bào Ba Na, Gia Rai... xem cồng chiêng như máu thịt của mình, là linh hồn của buôn làng.

Đồng bào Ba Na, Gia Rai ở Gia Lai xem cồng chiêng như máu thịt của mình, là linh hồn của buôn làng
Đồng bào Ba Na, Gia Rai ở Gia Lai xem cồng chiêng là máu thịt của mình, là linh hồn của buôn làng

Nhiều chiêng quý hội tụ

Là một xã biên giới của huyện Ia Grai, đời sống của người dân Ia O tuy còn nhiều vất vả. Nhiều gia đình, tài sản gần như không có gì, nhưng nếu gia đình nào còn cồng chiêng, thì dù có nghèo khổ, thiếu ăn, họ vẫn coi cồng chiêng là “báu vật” không thể đem đi bán, hay đổi trác. Nhà nào sở hữu nhiều cồng chiêng, nhà ấy giàu có. Vì vậy, qua nhiều thế hệ, xã Ia O đã và đang nỗ lực gìn giữ những bộ chiêng quý, giữ vững thành tích "xã nhiều cồng, chiêng nhất huyện", thậm chí là nhất tỉnh.

Già Rơ Châm Hyai, Người có uy tín ở làng Mit Jep chia sẻ: Cồng chiêng là một phần không thể thiếu trong cuộc đời mỗi người dân ở làng Mit Jep. Người Gia Rai từ khi sinh ra, lớn lên cho đến khi về với ông bà, đều có sự góp mặt của cồng chiêng. Chiêng đại diện cho tiếng nói, tâm tư của người làng đến với thần linh, cầu mong cho mưa thuận gió hòa, nhà nhà no đủ.

Đối với người Gia Rai, cồng chiêng không chỉ là nhạc cụ độc đáo mà còn là một linh vật thiêng gắn liền với nhiều sinh hoạt tín ngưỡng, tâm linh. Đồng bào tin rằng, mỗi mặt chiêng đều có thần linh trú ngụ, chiêng càng cổ càng xưa thì sức mạnh của thần linh càng lớn. 

“Từ bao đời nay, người làng Mit Jep ai ai cũng phấn đấu làm ăn để có tiền mua chiêng làm của để dành cho con cái trong nhà. Cồng chiêng thể hiện cho sự sung túc, ấm no, quyền thế. Cùng với nhiều trâu, bò thì nhà ai càng nhiều chiêng, chứng tỏ nhà đó càng giàu có. Vì vậy, làng mình không ai bán cồng chiêng cả. Toàn làng hiện có 47 bộ chiêng, trong đó có 28 bộ chiêng quý lên tới hàng trăm triệu đồng”, già Hyai cho biết thêm.

Đội cồng chiêng xã Ia O trình diễn trong Lễ hội đua thuyền độc mộc năm 2023
Đội cồng chiêng xã Ia O trình diễn trong Lễ hội đua thuyền độc mộc năm 2023

Ông Ksor Tuâng, Phó Chủ tịch UBND xã Ia O cho biết: Toàn xã Ia O có 349 bộ chiêng, trong đó có 153 bộ chiêng quý và 9 đội chiêng. Vì vậy, ở làng có nhiều người giàu như hộ gia đình ông Rơ Châm Lin, bởi ông Lin đang sở hữu khoảng 40 chiếc cồng, chiêng lớn nhỏ, trong đó có những chiếc chiêng có giá trị từ 300 - 400 triệu đồng; ông Rơ Châm Luyên (làng O) sở hữu 4 bộ chiêng và 2 chiêng quý; nhà ông Siu Rên (làng O) giữ gìn được bộ chiêng quý có trị giá lên tới 300 triệu đồng…

Nằm ở phía đông Gia Lai, vùng đất khó huyện Kbang còn lưu giữ nhiều nét văn hóa truyền thống đặc trưng, trong đó, có khoảng 690 bộ cồng chiêng được lưu giữ trong dân và cộng đồng thôn, làng đồng bào Ba Na.

Ở xã Tơ Tung, ông Đinh Jrang (làng Leng) cũng là người lưu giữ nhiều bộ cồng chiêng. Sau gần 45 năm nỗ lực sưu tầm, ông Jrang đang sở hữu 7 bộ chiêng. Ông tâm sự: “Bố mẹ mình nghèo, không có cồng chiêng để lại. Thấy nhà người ta có cồng chiêng, mình thích lắm. Năm 1975, có người mang bộ cồng chiêng đến làng bán, mình ưng cái bụng, vợ mình cũng thế. Do không có tiền, vợ chồng mình quyết định đổi 10 gùi lúa lấy bộ cồng chiêng gồm 6 chiếc cồng và 8 chiếc chiêng. Bộ cồng chiêng này có kích thước vừa phải, rất thích hợp cho việc trình diễn, âm thanh trầm vang ổn định, ít khi bị lạc âm. Chính vì thế, mỗi khi làng có công việc đều đến gia đình mình mượn bộ cồng chiêng về sử dụng”.

Ông Đinh Jrang (làng Leng, xã Tơ Tung, huyện Kbang) sở hữu 7 bộ cồng chiêng sau gần 50 năm nỗ lực sưu tầm, gìn giữ
Ông Đinh Jrang (làng Leng, xã Tơ Tung, huyện Kbang) sở hữu 7 bộ cồng chiêng sau gần 50 năm nỗ lực sưu tầm, gìn giữ

Theo ông Jrang, cũng vì trân trọng giá trị cồng chiêng nên gia đình ông đã nỗ lực lao động để tiền mua thêm 6 bộ cồng chiêng trong những năm sau này. Đồng thời, với uy tín của mình, ông cũng đã tuyên truyền, vận động người dân trong làng không bán cồng chiêng. Hiện nay, hơn 10 hộ dân của làng Leng còn lưu giữ 21 bộ cồng chiêng.

Ai cũng biết đánh chiêng

Mỗi tiếng cồng chiêng vang lên lúc ngân cao, vút xa như tiếng gió đại ngàn, lúc chùng xuống, trầm hùng như thác đổ, sâu thẳm huyền bí, quyến rũ, mời gọi mọi người cùng tham gia. Vì vậy, ở các buôn làng Gia Lai, từ trẻ nhỏ cho đến người già, hầu như ai cũng biết đánh chiêng.

Ở làng Djriêk (thị trấn Nhơn Hòa, huyện Chư Pưh) ông Nay Tek (SN 1969) được cho là người đánh cồng chiêng giỏi nhất. Theo già Tek, ngày xưa người làng Djriêk có quan niệm, con trai phải biết đánh chiêng, con gái phải biết múa xoang mới được tham gia vui chơi, uống rượu trong các ngày lễ hội của làng. Thế nên khi lên 10 -15 tuổi, trai gái của làng bắt đầu tìm đến những người biết đánh chiêng, múa xoang hay của làng để học tập. Cứ thế đến nay, đồng bào Gia Rai ở làng Djriêk vẫn giữ gìn âm thanh đại ngàn bằng chính đam mê, tình yêu với cồng chiêng.

Già Tek cùng con trai luyện tập đánh cồng chiêng
Già Tek cùng con trai luyện tập đánh cồng chiêng

Em Siu Minh Khang (7 tuổi) vui vẻ nói: “Em rất vui khi được theo già Tek đánh cồng chiêng. Nhờ già chỉ dẫn, em đã đánh được những nét cơ bản của cồng chiêng. Em thấy rất vui và yêu thích cồng chiêng của dân tộc Gia Rai”.

Trước đây, cũng như các dân tộc khác trên vùng đất Tây Nguyên, đồng bào Ba Na quan niệm rằng đàn ông đánh chiêng, đàn bà múa xoang thì nay đã khác. Trong những lễ hội, mọi người ai cũng có thể cầm chiêng, kể cả nữ giới. Vì vậy, sự ra đời và hoạt động hiệu quả của những câu lạc bộ cồng chiêng nữ trên địa bàn tỉnh Gia Lai đã góp phần tích cực mang đến cho không gian văn hóa cồng chiêng thêm những sắc màu mới lạ, sống động.

Đội Cồng chiêng nữ làng Leng với lối chơi chiêng mềm mại, uyển chuyển, nhịp nhàng
Đội Cồng chiêng nữ làng Leng với lối chơi chiêng mềm mại, uyển chuyển, nhịp nhàng

Đội trưởng Đội Cồng chiêng nữ làng Leng Đinh Thị Khóp (làng Leng, xã Tơ Tung, huyện Kbang) cho biết: “Đội Cồng chiêng nữ làng Leng được thành lập vào năm 2013 với gần 60 thành viên. Theo tập tục của người Ba Na, phụ nữ không được đánh cồng chiêng. Nhưng với tình yêu và trách nhiệm với văn hóa dân tộc mình, chúng tôi thuyết phục mọi người, già làng đồng ý cho phụ nữ đánh chiêng. Mọi khi chúng tôi chỉ trình diễn trong các ngày hội, lễ ở làng, nhưng hôm nay là lần đầu tiên được biểu diễn ở không gian phố phường, đông đảo người xem, chúng tôi thấy hồi hộp, háo hức nhưng cũng rất tự hào về văn hóa dân tộc mình”.

Già làng Jram (làng Leng, xã Tơ Tung, huyện Kbang) chia sẻ: “Từ xưa, phụ nữ không biết đánh chiêng nên việc này chỉ có đàn ông khỏe mạnh trong làng đảm nhiệm. Nay thì khác rồi! Tuy không mạnh mẽ như các tay chiêng nam nhưng chính sự mềm mại, uyển chuyển trong cách chơi đã tạo nên nét thu hút riêng của họ. Tôi rất vui vì dân làng mình đoàn kết, cùng nhau gìn giữ tiếng chiêng, tiếng trống của ông bà và thế hệ đi trước để lại”.

Theo số liệu thống kê của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Gia Lai, năm 2020 - 2021, tại 1.192 làng đồng bào dân tộc trên địa bàn tỉnh hiện còn lưu giữ khoảng 5.655 bộ cồng chiêng (dân tộc Gia Rai có 3.373 bộ ; dân tộc Ba Na có 2.282 bộ) và 932 bộ chiêng quý hiếm. Tỉnh Gia Lai cũng có khoảng 900 nghệ nhân giỏi, hơn 60 nghệ nhân biết chỉnh sách và đã có 23 nghệ nhân được công nhận là Nghệ nhân ưu tú.

Tin cùng chuyên mục
Khánh Hòa: Dành nhiều sự quan tâm chăm lo giáo dục miền núi

Khánh Hòa: Dành nhiều sự quan tâm chăm lo giáo dục miền núi

Những năm qua, tỉnh Khánh Hoà dành nhiều sự quan tâm cho giáo dục miền núi, đầu tư cơ sở hạ tầng, hỗ trợ học sinh có điều kiện ăn ở ổn định. Ngoài các chính sách theo quy định của Chính phủ, tỉnh Khánh Hòa thực hiện hỗ trợ chi phí từ khi học mẫu giáo đến tốt nghiệp đại học; hỗ trợ gạo, miễn, giảm học phí…; tặng quà, học bổng từ các tổ chức chính trị xã hội, cá nhân trong và ngoài tỉnh dành cho học sinh, sinh viên DTTS.