Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Chính sách và đời sống

Giải bài toán nâng tầm giá trị cây cà phê Tây Nguyên: Thay đổi phương thức canh tác, nâng cao chất lượng (Bài 2)

Lê Hường - 16:00, 01/03/2022

Là một trong những loại nông sản xuất khẩu lớn của Việt Nam và là cây trồng chủ lực của các tỉnh khu vực Tây Nguyên, tuy nhiên, giá trị xuất khẩu mà cà phê mang lại thuộc top thấp nhất so với các nước xuất khẩu cà phê khác trong khu vực và trên thế giới. Vấn đề đặt ra là, cần tích cực thực hiện các giải pháp nâng tầm giá trị cà phê Việt...

Sản xuất theo hướng hữu cơ, sau khi thu hoạch cây khỏe mạnh, xanh mướt
Sản xuất theo hướng hữu cơ, sau khi thu hoạch cây khỏe mạnh, đảm bảo năng suất cho vụ sau

Đẩy mạnh liên kết theo chuỗi giá trị

Hơn 20 năm trồng, chăm sóc 1,1 ha cà phê theo cách truyền thống, ông Trần Hồng Minh (SN 1966), trú tại thôn 4 xã Ea Kao, TP. Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) nhận ra rằng, quá trình sử dụng quá nhiều các loại thuốc bảo vệ thực vật, phân hóa học để sản xuất cà phê không chỉ gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến chất lượng cà phê, mà đất đai ngày càng cằn cỗi dẫn đến năng suất ngày càng giảm và tác động xấu đến sức khỏe con người.

Năm 2018, ông Minh quyết định liên kết với Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại  Vương Thành Công, chuyển sang hình thức sản xuất cà phê hữu cơ. Chăm sóc theo phương pháp hữu cơ bằng chế phẩm sinh học, năng suất cà phê ổn định 4 tấn/ha, cây khỏe mạnh, mà chi phí đầu tư lại thấp hơn, tận dụng được lao động nhàn rỗi trong gia đình.

“Tuân thủ đúng quy trình, kỹ thuật trong quá trình sản xuất, thu hoạch cà phê, công ty mua với giá cao hơn 15.000 - 20.000 đồng/kg so với giá thị trường. Trừ mọi chi phí, gia đình tôi cũng lãi được một nửa”, ông Minh chia sẻ.

Ngoài ra, gia đình ông Minh còn được Công ty hướng dẫn thu hoạch vỏ, hoa cà phê để làm nguyên liệu sản xuất trà. Nhờ đó, mỗi năm, gia đình ông có thu thêm 50 triệu đồng.

Công ty Vương Thành Công, là một trong số ít doanh nghiệp sản xuất cà phê hữu cơ trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk. Đến nay, Công ty đã liên kết với 13 nông dân, 1 Hợp tác xã (HTX) nông nghiệp với diện tích 40 ha cà phê.

Thay đổi phương thức canh tác nâng cao chất lượng cà phê
Cân thay đổi phương thức canh tác và chế biến để nâng cao chất lượng cà phê

Theo ông Lê Văn Vương, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Vương Thành Công, nhà nông quan tâm làm ra sản phẩm cà phê chất lượng, là động lực lớn nhất cho doanh nghiệp phát triển. Để có được chất lượng đầu vào tốt cho khâu chế biến, quy trình sản xuất tại vườn, rẫy của người dân có tính chất quyết định. Công ty luôn hỗ trợ kỹ thuật, khuyến khích người dân phát triển vườn cây theo hướng hữu cơ, bảo đảm an toàn thực phẩm.

Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk, hiện nay trên địa bàn tỉnh có 8 doanh nghiệp, 15 trang trại, 39 tổ hợp tác và 52 HTX nông nghiệp trong lĩnh vực sản xuất cà phê, với tổng số hộ thành viên. Hộ liên kết sản xuất cà phê trên địa bàn khoảng 2.350 hộ, với diện tích khoảng trên 8.040 ha cà phê (chiếm khoảng 3,9% tổng diện tích cà phê toàn tỉnh). Trong đó, có khoảng 39/52 HTX cà phê có liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm với doanh nghiệp và 5 HTX có sản phẩm được chứng nhận OCOP.

Sản xuất cà phê theo tiêu chuẩn quốc tế

Trong những năm gần đây, các tỉnh Tây Nguyên tích cực trong việc phát triển tổ chức hợp tác nông dân sản xuất cà phê bền vững theo các tiêu chuẩn quốc tế như: 4C, UTZ, FLO…

Huyện Đắk R’lấp (Đắk Nông), hiện có hơn 19.000 ha cà phê, sản lượng đạt khoảng 37.000 tấn/năm. Trong đó, diện tích cà phê đang thời kỳ kinh doanh là 15.449 ha; kiến thiết cơ bản 3.614 ha. Năng suất cà phê trung bình của huyện hiện đạt 2,4 tấn/ha.

Nhiều năm liên kết với doanh nghiệp sản xuất cà phê, theo quy trình đạt chuẩn quốc tế theo chứng nhận UTZ (Chương trình phát triển bền vững cho cà phê, ca cao và chè, hợp tác cùng các thương hiệu hiện có; Là chương trình chứng nhận toàn cầu bảo đảm sản xuất một cách có trách nhiệm), ông Nguyễn Đức Hội, thôn 7, xã Đắk Wer, huyện Đắk R’lấp (Đắk Lắk) thấy rõ lợi ích của việc liên kết sản xuất cà phê theo tiêu chuẩn. Canh tác khoa học trên diện tích 3ha cà phê, hàng năm ông tiết kiệm được nhiều khoản chi phí về phân bón, thuốc bảo vệ thực vật. Giá cà phê nhân cũng cao hơn so với thị trường, nên gia đình ông rất yên tâm sản xuất.

Liên kết với doanh nghiệp phát triển cà phê tiêu chuẩn, gia đình ông Trần Hồng Minh có thu nhập ổn định
Liên kết với doanh nghiệp phát triển cà phê tiêu chuẩn, gia đình ông Trần Hồng Minh có thu nhập ổn định

Theo lãnh đạo UBND huyện Đắk R’lấp, huyện đã xây dựng được 12 chuỗi sản xuất cà phê bền vững, với trên 4.000 hộ dân tham gia, diện tích hơn 6.800 ha. Một số chuỗi đã đầu tư vào chế biến sâu, có nhãn hiệu, thương hiệu trên thị trường.

Huyện Krông Năng, là địa phương có diện tích cà phê lớn nhất nhì tỉnh Đắk Lắk, được nhiều chương trình, dự án lựa chọn phát triển cà phê theo tiêu chuẩn quốc tế. Theo đó, toàn huyện hiện có 8 HTX sản xuất cà phê, trong đó có 4 HTX đang sản xuất cà phê theo tiêu chuẩn chứng nhận 4C, UTZ, Rainforest Alliance, FLO-CERT… 

Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, tạo mọi điều kiện, lồng ghép các chương trình, dự án để giúp người dân liên kết thành chuỗi phát triển cà phê chất lượng cao, nhằm nâng tầm thương hiệu cà phê của địa phương, mang lại nguồn thu ổn định cho người dân.

Ông Vũ Đức Côn, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk cho biết, hiện tỉnh có 4 loại hình cà phê chứng nhận phổ biến, gồm 4C, UTZ Certified, RFA và FLO, với trên 32.000 hộ nông dân tham gia, trên tổng diện tích sản xuất cà phê chứng nhận hơn 45.674 ha, chiếm khoảng 22,12% diện tích cà phê toàn tỉnh.

Theo xu hướng chung, ngành hàng cà phê cần khai thác, phát triển các sản phẩm có giá cao hơn như cà phê đặc sản, cà phê hữu cơ, cà phê có chứng nhận... Vì vậy, người sản xuất phải làm là chủ động, tích cực hơn nữa việc liên kết trong tổ chức sản xuất, thu hoạch, thu mua, chế biến. Liên kết ngay từ khi mua vật tư đầu vào. Bởi việc liên kết sẽ mang lợi lợi ích thiết thực nhất cho người sản xuất ngay từ khâu mua vật tư đầu vào.

Tin cùng chuyên mục
Khát vọng vươn lên của đồng bào DTTS ở huyện biên giới Sa Thầy

Khát vọng vươn lên của đồng bào DTTS ở huyện biên giới Sa Thầy

Cái nghèo khó đang dần lùi xa, cuộc sống mới sung túc hơn đang dần hiện hữu trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) huyện biên giới Sa Thầy, tỉnh Kon Tum. Điều đó, minh chứng khát vọng vươn lên của đồng bào DTTS và việc triển khai các chính sách của Đảng, Nhà nước dành cho vùng đồng bào DTTS đang phát huy hiệu quả.